LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Châu Tấn - Suối nguồn mênh mang

Go down

Châu Tấn - Suối nguồn mênh mang Empty Châu Tấn - Suối nguồn mênh mang

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 11:35 am

SUỐI NGUỒN MÊNH MANG…

Tôi bước chân vào Lê Ngọc Hân từ năm lớp 4, lớp thầy giáo Hoàng Đình Tuất và ngay ngày đầu tiên được xếp ngồi cạnh Lưu Mai Hương, một người bạn gái mà cho đến nay tôi vẫn rất quý mến, ở ngay bàn đầu. Thầy Tuất người đậm, có cặp lông mày rậm sâu róm, làm tôn dáng vẻ đường bệ, oai phong vốn có của thầy. Thầy có một cái cặp to tướng, và từ trong chiếc cặp ấy, thầy lần lượt lôi ra đủ thứ, khiến cho bài giảng trở nên hết sức thú vị. Những lời châm biếm đầy ý nhị, những kiểu chơi chữ hóm hỉnh của thầy làm không khí của lớp trở nên vui vẻ . Rồi lại còn những bài thơ nho nhỏ nữa :

Muốn tìm diện tích hình thang
Đáy lớn đáy nhỏ ta mang cộng vào
Rồi đem nhân với chiều cao
Chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra !

Chỉ một loáng là thuộc.

Có những bài dài hơn, ví dụ về khoáng sản nước nhà, thầy buộc chúng tôi phải nhớ :

Mỏ sắt nhiều nhất Thái Nguyên
Mỏ kẽm Chợ Điền, Lang Hít chẳng sai
Apatit ở Lào Cai
Mỏ than Uông Bí, Hồng Gai, Đông Triều
Mỏ vàng Trung bộ Bồng Miêu
Phốt phát có nhiều Thanh Hoá, Bắc Giang
Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng
Bạc chì Tú Lệ, mỏ đồng Sơn La
Trăm chín chín mỏ tìm ra
Tài nguyên phong phú nước nhà giàu thay !

Chúng tôi cứ theo nhịp thước của thầy mà ra rả đọc theo, đọc đi rồi đọc lại, đọc cho đến khi thuộc lòng như "cháo chảy" mới thôi.

Lớp tôi học khá lắm, trong số những học sinh xuất sắc của lớp, phải kể đến Hà Chí Huy, đó là một bại gái rất dễ thương, đẹp người đẹp nết, mạnh bạo, văn nghệ ca hát đều giỏi, thầy rất quý Chí Huy và thường lấy Chí Huy làm tấm gương để chúng tôi noi theo. Thực lòng chúng tôi rất phục bạn ấy, nhưng noi theo thì chịu, vì bọn con trai chúng tôi có thế giới riêng của mình. Tôi nhớ lúc ấy chúng tôi đều rất hiếu động. Các bạn gái chắc chắn đông hơn, nói chung các bạn ấy hiền dịu và ngoan ngoãn. Những trò nghịch ngợm thường do bọn con trai bày ra, thầy Tuất cũng phạt chúng tôi ra trò, và chúng tôi thường bị biến thành trò cười cho các bạn gái, nhất là sau những lời châm biếm chua cay của thầy.

Tôi nhớ có lần học tổ, tức là một nhóm gồm 5 - 6 học sinh ở gần nhau tới nhà một bạn nào đó học chung. Chúng tôi tới nhà Phạm Trọng Vinh (ở ngõ 2 Hàng Chuối), đang học trong nhà nóng bức, thấy ngoài sân có cái bể nước, thế là tất cả cởi hết quần áo nhảy tùm vào tắm. Đang lúc thoả thích như thế thì bất chợt nhìn lên, thấy khuôn mặt nghiêm nghị với đôi mày rậm nhíu lại của thầy Tuất. Hồn xiêu phách lạc, tất cả nhảy bổ ra khỏi bể nước, chạy tọt vào nhà, cuống quýt mặc vội áo quần, nhưng tất cả đã quá muộn...

Hôm sau vào lớp, thầy e hèm một tiếng rõ to, rồi nói: "Hôm nay tôi sẽ kể cho cả lớp một bộ phim trinh thám tôi vừa xem chiều hôm qua...". Rồi thầy mô tả lúc thầy bước vào nhà Phạm Trọng Vinh nhẹ nhàng như thế nào, nghe tiềng ùm ùm trong bể nước thầy tưởng có người chết đuối trong đó đang dãy dụa ra sao, thầy hoảng hốt định lao vào cứu thì tận mặt trông thấy những gì... Rồi thầy mô tả cảnh tượng sống sượng của chúng tôi một cách sinh động đến nổi cả lớp cười nghêng cười ngả. Nhất là bọn con gái, cứ mỗi lần thầy mô tả chi tiết cảnh tượng một đứa nào đó trong bọn chúng tôi thì tất cả đổ dồn mắt vào đưa ấy và cứ thế mà "ha, ha, ha... hê hê hê..." thoả thích. Còn bọn chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, tai đỏ dừ, mặt thuỗn ra...

Nhưng nói cho công bằng thì chúng tôi yêu thầy vô cùng, bởi vì dạy như thầy mới gọi là dạy, dạy mà lôi cuốn, thu hút học sinh, thấy cái gì cũng mới lạ, cũng cố chăm chú lắng nghe để mà ghi nhớ, để mà thưởng thức. Mỗi khi thầy vào lớp là chúng tôi lại háo hức, lại thêm những cái gì thú vị nữa đây. Những tiết học không bao giờ buồn tẻ, thầy có một vị trí như một thủ lĩnh trong lòng chúng tôi. Để có một kiến thức rộng như thế, để bài giảng được sinh động như thế, sau này, trải qua đường đời, tôi mới ngẫm ra là phải có một sự lao động cần cù ghê gớm, phải có sự toàn tâm toàn ý với nghề và nhất là phải có lòng yêu học trò mình hết sức đằm thắm và lớn lao. Thầy có cái oai, cái nghiêm của người thầy, nhưng thầy cũng là nơi để những tâm hồn trẻ thơ nũng nịu, đòi hỏi. Lớp học mà ấm áp như gia đình. Thời gian trôi đi, hồi ấy thầy cũng đã lớn tuổi rồi, chúng tôi cứ thế vô tư lên lớp, ra trường và vĩnh viễn không bao giờ còn được gặp lại thầy nữa, cả đến một tấm ảnh của thầy cũng không, chao ôi...

Khi lên lớp 5 rồi sau đó là lớp 6, lớp 7 thì chân cẳng phát triển, lúc nào cũng muốn chạy, muốn làm một cái gì đó. Những trò chơi trong sân trường náo nhiệt không thể tả được, sân trên, sân dưới rầm rập bước chân đuổi nhau, tiếng la hét trong giờ ra chơi chỉ ngớt khi tiếng kẻng gióng gỉa vang lên.

Các bạn của tôi đã kể về chuyện đánh ngựa, về chuyến thám hiểm hầm trường và những chuyện khác. Còn tôi sẽ bổ sung một chuyện nữa, đó là thám hiểm trần nhà.

Vào một Chủ nhật, sau khi lao động dọn dẹp trường xong, một nhóm bọn con trai chúng tôi không ra về mà ở lại, hôm đó chúng tôi quyết định trèo lên phía trên trần nhà gíáp với mái để xem có cái gì trên đó, vì xưa nay chỉ còn chỗ đó là nơi bí hiểm duy nhất là chúng tôi chưa khám phá. Có một cái lỗ thông lên, chúng tôi chồng bàn ghế và cuối cùng tất cả đều lên được. Tối om om, không thấy gì hết, giơ tay ra phía trước toàn là mạng nhện, mạng nhện dày đặc, đính hết cả vào mặt mũi, áo quần, dưới chân là những gờ gỗ ngang dọc và đáng ngại nhất là khá nhiều đường dây điện. Quờ quạng một lúc thì dần dần quen mắt và thấy có ánh sáng lờ mờ từ những ô vuông nho nhỏ chiếu vào. Chợt ngước nhìn lên trên mái, chỗ có một xà gỗ chạy suốt chiều dài, thấy trong ánh sáng mờ ảo, một tấm gì như một tấm áo gấm đỏ treo lơ lửng với hai tay áo lủng lẳng trên xà, giống như một cái xác chết mặc áo thụng vắt vẻo trên xà, tất cả giật nẩy mình, đứng tim, kinh hãi, nhưng rồi không một đứa nào chịu thoái lui. Rón rén từng bước đi tiếp, chợt nghe "ào" một tiếng, rồi bụi tung mù mịt, khiếp quá ! không biết cơ man nào là tiếng đập cánh, tiếng "chiếp chiếp" loạn xạ. Té ra trên trần có không biết bao nhiêu là tổ chim sẻ. Có lẽ lũ sẻ vốn sống yên bình bao nhiêu thế hệ trên trần nhà này không bao giờ có thể tưởng tượng tới một ngày nào đó lại có một lũ người hiếu kỳ lại dám trèo lên, không chỉ khuấy đảo cuộc sống của chúng, mà còn phạm tội "diệt chủng" với chúng nữa chứ. Số là ngay lúc ấy chúng tôi cởi phăng áo, chụp lấy chụp để. Chỉ một loáng, khoảng hơn 10 chú chim đã nằm gọn trong những chiếc áo của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục thám hiểm cho tới tận cuối trần, rồi nối nhau leo xuống, người bẩn bê bết.

Sau trường có một cái vòi nước, chúng tôi ra rửa qua loa rồi mang "chiến lợi phẩm" về. Những chú chim sẻ được vặt lông ngay tại nhà tôi và được rán giòn (khi ấy Ba mẹ tôi đều đi vắng). Chúng tôi quyết định làm một bữa đại tiệc ra trò. Dưới con mắt của chúng tôi lúc đó thì những con chim sẽ rán kia là những chú gà quay béo ngậy, chúng tôi mua một vốc ổi, thứ ổi mỡ ruột trắng và mềm, tượng trưng giống như bành hambơgơ hay sanwich bây giờ, nhưng còn thiếu rượu, phải có Sâmpanh hay Cônhắc chứ, thế là bỏ thêm một hào, chúng tôi mua được một cốc xirô (nước quả) màu mận chín, không có đá, về chúng tôi cho thêm tý đường và pha loãng ra gấp 10 lần, có tý ngọt gọi là. Thế là đã có một mâm tiệc thịnh soạn không còn chê vào đâu được. Chỉ có điều các thực khách đáng kính toàn mặc quần đùi, áo may ô, thậm chí có vị chỉ còn độc chiếc quần đùi trên người. Tất cả bắt đầu rót "rượu" và hỉ hả chạm cốc "mời bác! mời bác!" rồi nâng cốc (thật ra đó là những chiếc chén sành hơi bị sứt mẻ) thật cao, ngửa cổ ra sau, dốc tọt "rượu" vào mồm và tất cả đều "khà" lên một tiếng khoan khoái. Bữa tiệc được tiến hành gọn ghẽ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, tất cả các món đều hết veo mau chóng, nhưng cái ấn tượng của bữa đại tiệc ấy vẫn còn lưu giữ trong bộ nhớ của chúng tôi tới gần 50 năm sau, đến bây giờ vẫn còn nghe vang vọng cái tiếng "khà" vô cùng sảng khoái ấy !

Cũng lạ, là sau lần ấy thì tuyệt nhiên chúng tôi không còn rủ nhau leo lên trần thêm một lần nào nữa. Cái gì cần khám phá thì khám phá rồi. Còn đại tiệc cũng đã dự xong rồi. Còn gì để khám phá nữa đâu. Mà cũng xin nói thêm là vào cái thời ấy còn rất thiếu thốn cái ăn, nhưng chúng tôi tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ mình lại đi nghịch ngợm để kiếm cái ăn. Hồi đó ý thức danh dự đối với chúng tôi cũng quan trọng lắm.

Tôi nhớ hồi ấy Phạm Nguyên Hạnh có một người bạn gái tên là Đỗ Phương Viên, mặt tròn, má phinh phính, hai cái đuôi sam tóc hai bên thường ngúng nguẩy trông hay hay. Hai bạn thường hay đi với nhau. Nguyên Hạnh đối với chúng tôi khá nhã nhặn vả lại bạn ấy rất đẹp, học giỏi nên chúng tôi cũng có phần nể. Còn Phương Viên thì tỏ ra rất "dị ứng" với chúng tôi sau nhiều lần chứng kiến tận mắt những trò nghịch ngợm của "mấy thằng quỷ tha ma bắt", mỗi lần như thế bạn ấy tự cho mình cái quyền được lườm ngúyt và mắng mỏ chúng tôi. Chúng tôi không hề giận mà trái lại còn thấy thú vị bởi mỗi khi bực lên là mặt cô nàng lại đỏ bừng, da căng tròn ra, mũi lấm tấm mồ hôi trông rất ấn tượng và ngộ nghĩnh, chúng tôi thường phá ra cười. Thế là cứ lâu lâu không thấy Phương Viên nổi giận là tôi lại đến trước mặt bạn ấy, bặm môi, nhìn chòng chọc vào mắt bạn ấy và dọa dẫm :"Này, tôi nói cho bà biết nhé, bà mà cứ mách lẻo thì coi chừng, bọn tôi sẽ dán giấy vào sau lưng bà, cho bà biết tay". Ngay lập tức Phương Viên nổi cơn "tam bành" lên, cứ thế mắng nhiếc tôi một trận ra trò. Mặt bạn ấy lại đỏ như gấc, mắt lại tròn xoe, mũi lại lấm tấm mồ hôi và chúng tôi lại được một mẻ cười vỡ bụng. Sau này tôi vẫn nhớ mãi Phương Viên và thấy bạn ấy sao mà ngây thơ, sao mà đáng yêu thế! Chả biết bây giờ Phương Viên ở đâu, tôi chỉ muốn gặp lại bạn ấy một lần...

Hồi ấy chúng tôi còn có một kiểu làm thơ rất thú vị, tức là mỗi đứa chỉ làm có đúng một câu rồi chuyền cho đứa khác, đứa tiếp theo bắt buộc phải làm tiếp, không được phép thoái thác, mà phải làm thật nhanh để chuyền cho đưa tiếp theo nữa (Luật chơi phải quy định thế, vì số hội viên của "hội thơ" này cũng không phải ít), cứ thế các bài thơ đủ mọi chủ đề, đủ thể loại theo kiểu "maratông tiếp sức" của cả một tập thể ra đời, đến khi đọc lại thì cóthiên trường ca đầy vẻ cao hứng hùng vĩ, bài sướt mướt lâm ly đến "chảy mỡ", có bài lộng ngôn châm chích chua cay, hóm hỉnh, nhưng cũng lắm bài nhí nhố, chẳng ra đầu cua tai nheo gì hết bởi có thắng bí quá cứ phịa bừa một câu chẳng ăn nhập gì với chủ đề vào giữa, khiến thắng "thi sĩ" tiếp theo nổi khùng cũng phang luôn vào một câu rất "dở hơi vào... Những bài thơ như thế khi đem ra đọc khiến tất cả cười ầm ỹ, khoái chí và được dịp diễu cợt không tiếc lời những "nhà thơ hâm". Bọn con gái cũng tò mò đọc và có đứa cũng hăng hái tham gia. Giá như còn giữ lại được thì bây giờ chúng ta sẽ có được một tuyển tập thơ Lê Ngọc Hân dày bét ra cũng xấp xỉ nghìn trang, các "thi sĩ" chắc hẳn sẽ được trao giải văn chương chả kém gì các cụ Tú Xương, Tú Mỡ hoặc bét ra cũng ngang tầm với ông Bút Tre !

Hồi ấy không biết ai phổ biến cho chúng tôi trò "nói lái", chúng tôi hấp thụ khá nhanh và chẳng mấy chốc đã trở nên thịnh hành. Đại khái nó là như thế này : Phan Xuân Hùng sáng ấy tới trường như thường lệ thì được bạn bè thông báo rằng :"Chúng tao đã tìm được ra tên "huý" của mày!" Xuân Hùng rất ngạc nhiên :"Ơ hay, tao làm gì có tên nào nữa?". "Nghe đây, tên của mày có nghĩa là là Cú Già", Xuân Hùng cũng có vẻ thích thú và tò mò vểnh tai nghe giải thích: "Xuân Hùng có nghĩa là hung xuần (nói lái), hung tức là dữ, nghĩa là dữ xuần, dữ xuần (nói lái) là xuẩn dừ, xuẩn nghĩa là ngu, thế nghĩa là ngu dừ, ngu dừ (nói lái) là ngư dù, ngư là cá, vậy ngư dù là cá dù. Đến đây thì mày thấy rõ nhé: cá dù (nói lái) chẳng phải Cú Già là gì, mày là thắng Cú Già!" Tất cả phá ra cười, chính Xuân Hùng cũng cười ha hả và tuyên bố :"Được lắm, tao cũng sẽ tìm được tên "huý" của chúng mày, nhanh thôi !".

Đúng là hồi ấy chúng tôi nghịch thật, nhưng chỉ nghịch với nhau để cười, để vui, để thoả tính hiếu động chứ chả đứa nào nghịch dại hay nghịch ác. Nói tục nói bậy hoàn toàn không có. Đối với thầy cô chúng tôi đều yêu kính và lễ phép. Khi biết mình có lỗi, chúng tôi nhận lỗi ngay, "dám chơi dám chịu" chứ không nói dối hay trốn tránh. Có lẽ vì thế mà thầy cô cũng yêu chúng tôi.

Có một lần ở nhà tôi, ba tôi đem về nhiều sách giới thiệu về Cộng hoà dân chủ Đức, đúng thời gian ấy có cuộc thi tìm hiểu về Đức, thế là tôi bèn tham gia, ghi địa chỉ lớp 5 trường Lê Ngọc Hân và trúng giải. Hồi ấy giải thưởng rất to, vì tình cảm giữa hai nước thời kỳ ấy rất mặn nồng. Tôi và 2 đứa nữa, trong đó có Nguyễn Kinh Luân phải lên tận kho Đống Đa để nhận, cả ba đứa lễ mễ khuân về nhiều thứ lắm. Nhưng không khuân về nhà chúng tôi mà khuân tất cả về trường, tặng tất cả cho trường, chỉ giữ lại cho mình một quyển sách làm kỷ niệm. Có thể nói ý thức về trường, về tập thể của chúng tôi khi ấy theo kiểu như thế là rất tự nhiên. Nói chính xác hơn, lúc đó chúng tôi rất hồn nhiên, yêu trường của mình lắm.

Nhưng theo tôi nghĩ cái chính làm thầy cô vừa lòng chính là sự ham học, yêu thích các môn học và rất nỗ lực học của chúng tôi. Từ lớp 5 trở đi chúng tôi bắt đầu có ý thức học tập rất tốt. Không cần bất cứ một lời nhắc nhở nào, chúng tôi tự lo học, tự lo sắp xếp chương trình học hàng ngày của mình. Buổi sáng chúng tôi đến trường sớm 15, 20 phút để truy bài nhau. Nhiều bạn ngay sau tiết học đã có thể cơ bản thuộc bài. Hồi ấy cũng đã có nhiều bạn đã phải làm những công việc để giúp đỡ gia đình, chúng tôi thường tới giúp các bạn ấy, ai phải nghỉ là chúng tôi phân công nhau chép bài hộ ngay. Nhiều bạn là con của những gia đình lao động nghèo nên dậy sớm thức khuya đẩ giúp gia đình hồi đó là chuyện thường tình.

Nói tới đây tôi chợt nhớ lại một người bạn thuở ấy, đó là chàng "thánh thủ thư sinh" Nguyễn Kinh Luân, một người bạn sống có nề nếp, ăn mặc lúc nào cũng chỉnh tề, nếu chúng tôi mặc áo sơ mi dài tay thì hay xắn lên, còn cậu ta bao giờ cũng để dài và cài khuy tay áo cẩn thận. Kinh Luân hiền lành, dễ thương, nhà ở gần Chùa Vua. Nhưng nếu chỉ có thế thì có lẽ chúng tôi cũng đã quên phắt cậu ta từ lâu rồi. Đặc điểm nổi bật nhất ở Kinh Luân là cậu ta viết chữ rất đẹp, làm cái gì cũng cẩn thận, chu đáo, được các thầy cô tin yêu tới mức toàn bộ sổ điểm ở tất cả các năm học đều giao cho cậu ta giữ và đố ai có thể tìm ra một sai sót nào trong từng ấy năm giữ sổ. Cậu giúp đỡ các bạn hết lòng, ai nhờ gì cũng làm, nhất là viết, vẽ, kẻ, tô... Khi chúng tôi làm báo tường thì Kinh Luân phải là chủ lực. Như nói trên khi có bạn phải nghỉ học thì anh chàng này thường xuyên được phân công chép lại bài cho các bạn, có khi trước mặt chàng ta không chỉ thêm một mà có tới 2 quyển vở nữa, thế mà chàng vẫn chép được kịp mới lạ chứ. Kinh Luân nói chung được các bạn gái quý mến (và cả nhờ vả nữa) hơn chúng tôi, mặc dù các bạn ấy vẫn trêu Kinh Luân là "Công tử bột". Mẹ Kinh Luân đột ngột qua đời, hồi ây đối với chúng tôi, chuyện đó hầu như không thể tưởng tượng nổi, chúng tôi còn rất bé, cha mẹ chúng tôi đều còn rất trẻ. Chúng tôi chỉ thầm nói với nhau: "Nó khổ lắm đấy..."

Hồi ấy, tuy mới là học sinh lớp 5, lớp 6 nhưng chúng tôi thường xuyên đi dạy chữ cho các bà, các cụ ở những xóm lao động. Về chuyện nay thì tôi và Đào Việt Sơn còn rất nhiều kỷ niệm, có những kỷ niệm khá là hài hước, không đủ giấy mà kể ra đây.

Hồi ấy hình như là nữ học giỏi hơn nam. Mà rõ ràng là như thế chứ không phải hình như, bởi lúc ấy trong trường nổi bật 3 nhân vật. Đó là Nguyễn Thị Minh Châu ở phố Trần Xuân Soạn, Nguyễn Bích Vân ở quân y 108 và Nguyễn Minh Thi. Ba bạn nữ này học giỏi toàn diện, văn giỏi, toán giỏi mà các môn khác cũng giỏi nốt.

Lúc đầu tôi "thi đua" với Minh Châu. Minh Châu người mảnh mai nhưng rất đẹp, má núng đồng tiền, nếu hồi ấy có thi Hoa hậu thì chắc chắc bạn ây sẽ đoạt vương miện. Minh Châu trông giống như Tố Uyên, diễn viên nổi tiếng đóng bộ phim "Con chim vành khuyên". Minh Châu học rất giỏi, đặc biệt là môn văn. Tôi cũng nhiều lần được thầy Phạm Cát Tường đọc bài văn của mình. Hai bên không ai chịu nhường ai. Nhưng tới một ngày kia, khi Minh Châu làm một bài văn kiệt xuất tả em mình, thì tôi buộc lòng phải "kéo cờ trắng". Từ những ngày ấy tôi cứ khâm phục Minh Châu mãi.

Với Minh Thi thì khác, tôi chỉ đứng xa mà ngắm bạn ấy thôi. Minh Thi có cái gì đó trong sáng và rực rỡ về mặt trí tuệ, như là một thiên tư bẩm sinh. Tôi nhớ Minh Thi có cặp mắt to, nhìn thẳng, tự tin và có một vẻ quý phái tự nhiên. Việc học giỏi đối với Minh Thi hình như quá dễ dàng, Minh Thi đứng đắn lắm, ít khi chuyện trò, nhất là với chúng tôi, nhưng hoàn toàn không làm chúng tôi mếch lòng, có gì thì bạn ấy chỉ cười, cười nụ chứ không mấy khi cười thành tiếng. Bạn ấy học với chúng tôi có một năm, sau chuyển trường khác.

Bích Vân là một bạn nữ sớm tỏ ra chín chắn, học lực của Bích Vân thì khỏi chê. Ngay chuyện đọc bài, giọng của bạn ấy đã quá chuẩn rồi. Tôi quyết thi đua với bạn ấy về môn toán, không những tôi mà bọn con trai cũng thi nhau học toán. Ngoài sách giáo khoa thì tuần nào chúng tôi cũng kéo lên quầy sách cũ của cửa hàng sách Quốc văn ở phố Tràng Tiền. Người bán là một ông già, đầu hói. Ông quen bọn chúng tôi tới mức là hễ cứ thấy mặt là ông lại lễ mễ khuân ra một lô sách về toán để ngay trước mặt cho chúng tôi chọn. Nhờ thế chúng tôi học toán rất khá, nhất là vào năm lớp 7, điều đó khiến thầy chủ nhiệm của chúng tôi, dạy môn toán, là thầy Nguyễn Văn Lộc hết sức hài lòng. Về sau thì việc hơn hay thua Bích Vân chúng tôi không quan tâm nữa, vì thực ra như đã nói trên, bạn ấy học giỏi toàn diện, còn chúng tôi không mơ tới chuyện ấy, còn bao nhiêu trò chơi, bao nhiêu hoạt động hấp dẫn khác đang chờ đợi chung tôi.

Trong số các bạn nữ mà tôi biết lúc bấy giờ có nhiều bạn làm tôi rất ngưỡng mộ và qúy mến, có những bạn đã học cùng tôi suốt từ cấp 1 tới cấp 3, có những bạn tuy không phải là quen thân, thậm chí ít nói chuyện với nhau, nhưng đã để lại ấn tượng rất tốt đối với tôi. Có lẽ không có đủ giấy bút mà kể hết ra đây nhưng trong số ấy phải kể tới Đặng Ngọc Diệp, một "Quận chúa" ở quân khu Nguyễn Lai Thạch, đẹp người đẹp nết, cho đến giờ vẫn y như ngày xưa, đó là Lê Hoàng Mai xinh xắn, dễ thương, là Trần Kiều Nga trong sáng, chân thành, vui vẻ và nghịch ngợm ngang tầm với bọn con trai chúng tôi, cả Phan Quỳnh Anh và Thái Minh Tâm cũng vậy, cả ba đều là học sinh miền Nam. Đó là Hàn Tuyết Mai, một trong những "bà chị" đáng kính của tôi, bởi vì nhờ có sự giúp đỡ của Hàn Tuyết Mai mà tôi được kết nạp vào đoàn, cả Nguyễn Ngân Đoá hồi đó cũng đã chững chạc và ra "dáng bà chị" ắm rồi. Trần Thị Huệ có phong cách "nhà lãnh đạo" chuyên nghiệp, lớn tuổi hơn còn có Dương Vân Thục, với hai bím tóc dài, đẹp rực rỡ một cách quý phái. Ấn tượng đối với tôi, còn phải kể tới Vũ Tuyết Mai, Phan Quỳnh Như, Lê Thúy Trâm, Bùi Thúy Hương, Trần Mai Quyên, Lâm Mai Phương, Hoàng Châu Thanh ở cùng nhà 16 Phạm Đình Hổ con bác Hoàng Phê, Đào Thị Minh, Lê Thị Tiệp, Nguyễn Thị Phúc, Đoàn Bạch Yến, Đỗ Tuyết Nhung, Đào Thị Minh, Bùi Thị Yến, Nguyễn Thị Thúy, Vũ Ngọc Thúy, Vũ Thị Tuyết..

Nhưng như đã nói trên, dù gì chăng nữa thì thế giới chính của chúng tôi lúc bấy giờ là bọn con trai. Cho đến bây giờ, khi tóc đã điểm sương, nhưng tất cả những gì diễn ra ở những năm ấy vẫn còn in rõ mồn một đến từng chi tiết trong trí nhớ của tôi. Những gương mặt không bao giờ có thể quên. Đó là Thái Huệ Chí, Phạm Đức Thắng, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Đỗ Trọng, Phan Thiếu Tùng, Lưu Thế Trường, Phan Xuân Hùng, Bùi Đưc Lưu, Trần Đình Lộc, Nguyễn Huệ, Đào Việt Sơn, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Thành Công, Phùng Việt Thắng, Phạm Trọng Vinh, Hoàng Việt Hùng, Nguyễn Kinh Luân, Phạm Ngọc Khôi, Phạm Khang, Ngô Quang Toàn, Phạm Đăng Doanh, Trần Thanh Phương, Dũng "ba môi",... đó là đội quân tinh nhuệ nhất trong những cuộc đánh ngựa, trong những trận đá cầu, trong những cuộc "thám hiểm", trong những buổi tắm sông mà nhiều thằng suýt bỏ mạng, trong những cuộc chơi náo nhiệt trên những núi cát cao ngất gần bờ sông... và nhất là trong những trận đá bóng trên sân Pastơ.

Cứ học xong là tất cả lại kéo ra đấy, dép cao su và cặp được xếp thành đống làm gôn, cứ phải đá một trận rồi mới về nhà, bụng đói cũng mặc. Phạm Đức Thắng là danh thủ, là niềm tự hào về bóng đá của chúng tôi. Nụ cười rộng mở, hàm răng trắng phau, nước da ngăm ngăm. Tài rê dắt bóng của Đức Thắng tuyệt hảo. Không biết trời phú cho Đức Thắng cặp chân thế nào mà lắm khi cậu ta rê dắt bóng tới tận giữa gôn đối phương rồi lấy chân chặn lại, để yên đấy cho đối phương trố mắt thán phục, rồi cứ thế lững thững đi lên. Trân sân bãi là "dũng tướng" như thế nhưng Đức Thắng là người hiền hậu, cả nể, bạn bè nói gì, rủ gì thì rốt cuộc cậu ta cũng gật, cũng ừ theo tuốt.

Tôi hay tới nhà Đức Thắng chơi vì nhà cũng gần, mẹ Đưc Thắng chuyên đan sọt đựng rác. Trong nhà la liệt nan tre, được nhuộm đủ màu, bà đan rất nhanh, rất khéo, chỉ loáng một cái là chiếc sọt đã hình thành. Các anh đi làm cả, trong nhà thường chỉ có mẹ và một cô em gái bé xíu, tóc để đuôi gà, chạy lên chạy xuống giúp mẹ. Chiến tranh nổ ra. Thắng đi bộ đội, hy sinh rất sớm ở tại cửa ngõ Sài Gòn. Tôi đã về Củ Chi, tới đền Bến Dược, nơi bốn mùa nghi ngút khói nhang, thắp cho Đức Thắng một nén hương. Thắng ơi, chắc là cho đến lúc chết, tao cũng không thể quên được mày !

Bùi Đức Lưu thì nho nhã thư sinh hơn Đức Thắng nhiều : da trắng, môi đỏ, nụ cười tươi như hoa, dong dỏng cao, học vào loại khá giỏi. Mẹ Đưc Lưu phúc hậu lắm, các anh em nhà Đưc Lưu đều rất có học và đặc biệt là hết sức tử tế với mọi người, cứ nhìn cách họ cư xử với nhau và cách tiếp mỗi khi chúng tôi tới chơi nhà là biết ngay. Nhà Đức Lưu ở 15 Trần Nhân Tông, gần chợ Hôm, chúng tôi thỉnh thoảng tới chơi, các anh lớn bận công tác, chỉ hay gặp Bùi Ngọc Dương, cũng một "khuôn đúc" như Bùi Đức Lưu.

Tôi cùng Bùi Đức Lưu, Trần Đình Lộc, Lưu Thế Trường, Phan Xuân Hùng, Phùng Việt Thắng, Phạm Trọng Vinh còn học với nhau khá lâu, không chỉ ở Lê Ngọc Hân mà còn cả cấp 3 ở trường Trưng Vương 3 B (sau này là trường Thăng Long) ở Bắc Lệ, Lạng Sơn, một nơi rất gian khổ và rét mướt, nửa ngày học, nửa ngày đi trồng rừng, máy bay bỏ bom, bắn phá từng ngày, nhưng Bùi Đức Lưu lúc nào cũng lạc quan, chăm chỉ, vui vẻ, được tất cả thầy cô bà bè bạn quý mến.

Tôi còn có một thời gian khá dài sinh hoạt cùng Bùi Đức Lưu và Trần Đình Lộc trong tổ điện ảnh của Nhà thiếu nhi Hà Nội, ở đó chúng tôi có anh Gĩu, chị Thanh phụ trách. Ngày lễ, ngày quốc khánh chúng tôi được lên quảng trường Ba Đình chụp ảnh, được đi tham quan, cắm trại nhiều nơi và được vào thư viện lớn của nhà Nhà thiếu nhi tha hồ đọc sách. Bùi Đức Lưu rất thích tham gia những cuộc thảo luận trên báo Thiếu niên Tiền phong, tờ báo không thể thiếu được với chúng tôi trong thời kỳ đó.

Thế rồi sau cái chết của người anh Bùi Ngọc Dương, Đức Lưu lên đường ra trận giữa tuổi thanh xuân phơi phới. Mới 22 tuổi, Đức Lưu đã ngã xuống trên chiến trường. Thật đau xót quá. Khi chúng tôi gặp lại được người bạn xưa của mình bạn thì bạn đã nằm dưới mộ sâu. Nhưng hình ảnh trẻ trung, thuần khiết của bạn mãi mãi còn trong trái tim của tất cả chúng tôi.

Dĩ nhiên là tôi chỉ có thể kể ra đây tên một số bạn mà thôi, nhưng lúc đó trường chúng tôi là một tập thể rộng lớn, bởi cứ lên mỗi lớp là lại có sự chuyển đổi xáo trộn từ lớp này sang lớp kia, chứ không phải lớp nào lên lớp đó, thầy cô chủ nhiệm cũng thay đổi nhưng cũng nhờ thế mà chúng tôi quen biết với nhau rộng hơn. Có những bạn học cùng chúng tôi rất ít nhưng tình cảm rất thắm thiết, ví dụ cụ thể nhất là Nguyễn Tấn Định và một số bạn khác.

Về sau, trong một lần gặp gỡ tại Sài Gòn, Thái Huệ Chí, một người bạn thân quen nhất, một chiến sĩ từng chiến đấu trên những chiến trường ác liệt, và cũng là người đã "tặng" cho đất nước thêm 6 công dân (trong lớp cũng chỉ có thêm một nhân vật nữa đạt tới "kỷ lục" này là bạn Nguyễn Huệ, nhà ở ngoài dốc Vạn Kiếp, sát bờ sông), đã bất ngờ phát biểu một chân lý bất hủ như sau "Hồi đó, Lê Ngọc Hân chúng mình là một khối đại đoàn kết dân tộc!". Tôi phì cười vì gì mà "đao to búa lớn" thế, nhưng ngẫm lại cũng chẳng có cách định nghĩa nào hay hơn.

Hồi ấy chúng tôi không hề phân biệt bạn này giàu, bạn kia nghèo, bạn này con ông to, bạn kia con ông nhỏ, hay thành phần này, thành phần nọ... tất cả đều hòa đồng với nhau. Còn có cả các bạn là Việt kiều ở Thái Lan về cùng học (như Ngô Kim Thu, Ngô Quang Toàn), có ban ở đảo Cát Hải tận ngoài biển, có bạn ở các tỉnh vùng núi và có cả các bạn ở tận miền Nam xa xôi theo gia đình tập kết ra miền Bắc cũng vào Lê Ngọc Hân học. Sau này cơ, khi chúng tôi ra đời thì sự phân biệt này mới lớn dần, mới ảnh hưởng đến đường đời của từng bạn. Nhưng hồi ấy tuyệt nhiên không, chúng tôi đến với nhau bình đẳng, hồn nhiên, thoải mái vô cùng. Chính vì thế những kỷ niệm của chúng tôi bao giờ cũng tươi rói.

Ngày nay người ta dần dần nhận ra những sự phân biệt theo kiểu "giai cấp" như thế là hết sức sai lầm và gây hậu quả cực kỳ nặng nề. Giờ đây người ta kính trọng, và tôn vinh doanh nhân Bạch Thái Bưởi, nhà tư sản thời Pháp chứ không còn gọi ông một cách xách mé là "tên tư sản mại bản" như xưa, người ta đã xin lỗi và phục hồi cho Phùng Quán, Lê Đạt... như những nhà văn, nhà thơ đường hoàng chứ không còn gọi các ông là "bọn nhân văn" đầy khinh thị như hồi những năm 50. May sao, trong những năm tháng ấy, đầu óc chúng tôi không "dính phải" những sai lầm chết người ấy. Đó là một quãng thời gian không đủ dài nhưng cũng không phải ngắn trong cuộc đời niên thiếu của chúng tôi, đó là những năm tháng tươi đẹp và, về một phương diện nào đấy, có thể nói là rất hạnh phúc. Bởi vì sau này, khi rời trường, không ít bạn, nếu không muốn nói là đa số, còn hành trình trên con đường đời chông gai, còn gặp phải lắm chuyện éo le, thiệt thòi...

Năm cuối cùng của trường, tức là năm lớp 7, đó là năm mà người bé nhất trong bọn chúng tôi cũng đã 14 tuổi, lớn nhất cũng 16 - 17, thì chúng tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Như một đàn chim bắt đầu đủ lông đủ cánh. Đó là kết quả của những kiến thức mà các thầy cô đã tận tâm trao lại cho chúng tôi, đó là sự đơm hoa kết trái bởi những tình cảm của các thầy cô đã dành trọn cho lớp học sinh thuở ấy, đó là nguồn suối tươi mát, trong lành của tình bạn bè mà chúng tôi đã vô tư tặng cho nhau suốt trong từng ấy năm gắn bó học hành, ... Chúng tôi đã thành lớp đàn anh đàn chị của trường. Năm cuối cùng ấy chúng tôi học tốt hẳn lên, chúng tôi sinh hoạt tập thể nhiều hơn, chúng tôi chữa được nhiều tật xấu hơn, chúng tôi nghiêm khắc với bản thân mình hơn. Chúng tôi ra báo tường, chúng tôi phấn đấu vào đoàn, chúng tôi yêu thương và giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn, chúng tôi có ý thức xã hội hơn nhiều. Tình cảm giữa chúng tôi nảy nở một cách tự nhiên và vô cùng thân thiết. Phan Xuân Hùng đã viết thật hay rằng "Tình yêu là vô hình, không đo đếm được và có lẽ cũng vì thế nên nó không bao giờ già theo năm tháng, không mất đi như gạch ngói vôi vữa kia đâu".

Trong những năm tháng ở Lê Ngọc Hân chúng tôi có những buổi cắm trại lý thú, những đêm nắm tay nhau múa hát quanh đống lửa hồng, những bữa cơm dã ngoại tự nấu mà lúc thì "cơm dẻo canh ngọt", nhưng cũng lắm lúc "quá lửa" nhưng được ngồi ăn chung với nhau là thích rồi ! Chúng tôi có những cuộc tham quan thực tập ở Hợp tác xã làm chỉ may Song Yến, xưởng dệt ở ngõ 1 Hàng Chuối, tham gia gặt lúa ở Hợp tác xã nông ngiệp ngoại thành do ông Đinh Tiến Hảo nổi tiếng một thời làm chủ nhiệm, tới xưởng làm thuỷ tinh xem những người thợ thổi ra chai, lọ, bóng đèn... từ những cục thuỷ tinh nóng đỏ, dẻo như kẹo, chúng tôi lên những nông trường trồng chè ở Hương Canh, thăm động Tam Thanh ở Lạng Sơn... Tham gia nhiều loại hình nghệ thuật ở Nhà thiếu nhi Hà Nội, dạy học cho người mù chữ, ... nói tóm lại là chúng tôi gắn liền với cuộc đời, cuộc sống thực tế, tiếp thu được rất nhiều loại hình văn hóa, giao tiếp rộng rãi với người đời.

Những năm tháng ấy, may mắn thay, chúng tôi không hề bị bất cứ một áp lực nào trong chuyện học hành, học là vui, học là thích, học là tự nguyện. Không hề có bất cứ một loại hình nào gọi là "học thêm" cả. Chúng tôi có khối thời gian để tập luyện thể thao, chơi các trò chơi mà mình yêu thích. Thế mà chúng tôi vẫn học giỏi, vẫn tiếp thu được trọn vẹn kiến thức nhà trường và còn đọc được không biết bao nhiêu quyển sách để mở mang thêm kiến thức của mình, để sau này không ít người trở thành những chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực, dù rằng ngày ấy tất cả chúng tôi chưa hề biết tivi nó là là cái gì...

Cô giáo Nguyễn Thị Bắc Thành đã viết một câu nhẹ nhàng mà tuyệt vời, ý nhị sâu xa "âu cũng là điều may để thầy trò chúng mình dễ nhìn nhau khi gặp lại".

Tất cả cái đó như những hành trang quý giá để chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình sắp tới sẽ không mấy dễ dàng. Khi bước vào trường, chúng tôi còn là những cô cậu nhi đồng ấu thơ, non nớt, khi ra trường chúng tôi là những thanh thiếu niên ý thức được trách nhiệm của mình.

Chúng tôi rời trường năm 1963 thì ngay năm 1964 tình hình chiến sự đã bắt đầu, sang năm 1965 thì máy bay Mỹ đã đánh bom tràn lan khắp miền Bắc. Thế là những thiếu niên đầu tiên của trường Lê Ngọc Hân đã khoác bộ quân phục xanh, cấm lấy cây súng để ra chiến trường, sau đó ngày càng nhiều. Người trực tiếp chiến đấu, người vào quân y, người đi thanh niên xung phong vào tuyến lửa ngùn ngụt đạn bom... Không ai có thể ngờ rằng trong lứa thiếu niên Lê Ngọc Hân phơi phới ngày đó, có những bạn chỉ còn sống được thêm vài ba năm nữa : họ đã ngã xuống trên các chiến trường một cách vô cùng anh dũng và thầm lặng, ngay những năm đầu đời của tuổi thanh niên, họ chưa kịp hưởng những gì bình thường nhất của cuộc đời, chưa biết đến một mái ấm gia đình hạnh phúc hay vị ngọt ngào của tình yêu,... Rồi cả Hà Nội sơ tán, cả nước bước vào chiến tranh, rồi vô vàn khó khăn ập xuống và kéo dài từ năm này sang năm khác. Nhưng trong lửa đạn, trong gian nan, khó khăn, các học sinh của Lê Ngọc Hân đã trụ được, đã vượt qua.

Hà Nội những năm tháng đáng nhớ ấy vừa ác liệt vừa hào hùng, vừa đau thương vừa anh dũng. Đó là phố Khâm Thiên tan nát dưới đạn bom nhưng phố Ngọc Hà cũng là nơi máy bay Mỹ rơi xuống tan tành. Hà Nội đêm ngày rền vang tiếng súng, tiếng những quả tên lửa xé tầng không. Bản hùng ca Hà Nội bất hủ

"Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công
Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân
... Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng
Của núi sông hôm nay và mai sau..."

Nhưng đâu chỉ có hào hùng... Bởi ta vẫn nghe câu hát rất đỗi quen thuộc :

"Nước Việt Nam ta từ trong gian khổ sinh ra..."

Và câu thơ :

"... Đạn bom, bão lụt, cơ hàn,
Chết đi, sống lại, hết tàn lại tươi..."

Đạn bom bão lụt là giặc giã và thiên tai đã đành, nhưng ở ta còn nhiều hơn thế, nào là "cải cách ruộng đất", "nhân văn giai phẩm", "cải tạo công thương"," chiến tranh biên giới Tây Nam", "chiến tranh biên giới phía Bắc", "ngăn sông cấm chợ", "làn sóng vượt biên"... Bây giờ người ta đã sưu tầm được rất nhiều hiện vật để trưng bày tại viện bảo tàng về "thời bao cấp" mấy chục năm liền, khiến thệ hệ trẻ tới xem phải sửng sốt. Nhưng tất cả những cái đó là hoàn toàn có thật, bây giờ người ta đã công khai nói tới, vì dù sao nó cũng đã là dĩ vãng. Nhưng có ai biết được rằng có bao nhiêu người đã phải chịu tai bay vạ gió vì những sai lầm của quá khứ ấy, bao nhiêu oan khiên đã xảy ra mà báo chí đã phải tốn không ít giấy mực, và tất yếu trong số đó không nhiều thì ít cũng đã ảnh hưởng tới gia đình, bản thân của những bạn học, thầy cô chúng ta. Nhưng, với sức sống mãnh liệt, với lòng nhân từ và khoan dung, cộng với chữ "nhẫn" tới mức phi thường đã giúp cho sự vật "hết tàn lại tươi..."

Thời gian như vó câu qua cửa sổ, tất cả đều lùi lại phía sau...

Cho đến ngày gặp lại nhau, một số trong chúng ta đã là viện trưởng, viện phó các viện nghiên cứu, là đại tá, thượng tá..., một số là hiệu trưởng hiệu phó nhà trường, nghệ sĩ, nhà báo, hoạ sĩ... chuyên viên trên nhiều lĩnh vực, thế nhưng cũng có nhiều bạn đơn thuần chỉ là những công chức, những người lao động rất bình thường, đúng theo quy luật : xã hội là một hình tháp. Nhưng tất cả khi gặp lại nhau đều sung sướng. Không một ai trong số các học sinh Lê Ngọc Hân năm ấy làm điều gì vấy bẩn hay xấu xa. Chúng tôi lại trở về trong "khối đại đoàn kết dân tộc" ấm áp năm xưa !

Trường Lê Ngọc Hân đó! chúng ta đã kịp giữ lại những hình ảnh, những thước phim của ngôi trường xưa. Trường Lê Ngọc Hân nay, cao rộng và bề thế, vẫn giữ được dáng dấp kiến trúc truyền thống, số thầy cô và học sinh đông gấp chục lần xưa. Lê Ngọc Hân ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, thật sung sướng và tự hào biết bao !

Chúng ta xin bày tỏ lòng khâm phục nhiều nhà giáo, trong nhiều xáo trộn, biến động bất lợi của ngành giáo dục trong những thập niên qua, đã thể hiện tâm huyết và trách nhiệm đối với tương lai của của lớp cháu con, cho tiền đồ đất nước, đã dũng cảm lên tiếng như các giáo sư Hoàng Xuân Sính, Văn Như Cương, Nguyễn Lân, Hoàng Tụy, Nguyễn Khắc Viện, Hồ Ngọc Đại... và nhiều người nữa. Chính những tiếng nói khảng khái và bền bỉ trong bao nhiêu năm của các nhà giáo cùng với công luận đã dần dần làm sáng rõ vấn đề, chuyển biến dần nhận thức, để đến hôm nay, mừng thay, ngành giáo dục đã có bước chuyển mình...

Chúng ta thêm yêu mến lớp thầy cô giáo sau thời kỳ chúng ta và lớp thầy cô giáo hôm nay đã có biết bao cô gắng, bỏ ra biết bao công sức để giữ vững truyền thống tốt đẹp của trường.

Lớp cựu học sinh đến với nhau bằng tình cảm nên chúng ta không có "trưởng" hay "phó". Ai có thì giờ rảnh, ai có điều kiện thì làm "điều hành viên", "liên lạc viên", thế thôi. Khi có cưới xin, tang gia thì ai là người thân thiết nhất với gia chủ xin mời đứng ra làm đại diện cho lớp. Khi tổ chức gặp mặt thì ai giới thiệu đại biểu cứ giới thiệu, ai lo địa điểm, cỗ bàn cứ thế mà lo, ai thích quay phim chụp ảnh cứ thế mà chụp, mà quay, không có vị "chức sắc" nào cả. Có việc thì nhắc nhau, phân công nhau mà làm. Có gì thì cứ nhấc cái "alô" hay cái "ò í e" lên, ông bà nào có vi tính thì "meo meo" cho nhau, chả ai có thời gian để đi đưa từng ấy cái giấy mời. Có phải ở túm tụm quanh Lò Đúc, Trần Xuân Soạn, Hòa Mã... như xưa đâu. Đã đến với nhau vì cái tình thì mọi cái hóa dễ dàng, chẳng cần biết bạn ở lớp nào, năm nào, chỉ cần bạn từng học dưới mái trường Lê Ngọc Hân là được. Bạn mình đã qua chừng ấy năm "nếm mật nằm gai", tóc đã điểm sương, nên dù bạn có đãng trí một chút, lẩm cẩm một tý cũng chẳng sao, mọi cái cứ xuề xòa, vui vẻ, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" mà, hết sức thông cảm cho nhau... Vả lại, nói thật lòng, ở cái tuổi xế chiều nay, chúng ta còn ở bên nhau được bao lâu nữa ! Có được một tập thể bạn học và thầy cô từ những năm ấu thơ thế này, cũng là quý lắm rồi !

Có những tập thể khác người ta còn phải lo chuyện kinh phí, tiền nong, tìm "nhà tài trợ" ở những bạn doanh nhân thành đạt. Chúng mình thì không thế (nhược điểm chăng ?) Hàng năm gặp nhau một lần, góp tiền một lần để liên hoan tập thể, còn thừa chẳng là bao, dùng làm thủ tục hiếu hỷ, tang lễ, thăm hỏi cả năm là vừa hết, đôi khi còn thiếu chút ít nhưng tuyệt nhiên không bao giờ vận động thu thêm một đồng. Ấy thế mà cuối năm tổng kết vẫn còn tiền thừa mới là lạ. Một mặt, bạn Lê Thị Tuất "thủ quỹ" rất trách nhiệm và khéo chi tiêu vào những "việc làng", vừa đảm bảo tiết kiệm, khoản nào cũng có lý có tình, nhưng cũng có những bạn lặng lẽ tự nguyện làm những việc ấy mà hoàn toàn không nhờ vào quỹ lớp, khiến cho "cái niêu nhỏ" của chúng mình hầu như không bị vơi! Chính nhờ kiểu "quản lý" một cách bình đẳng theo kiểu "cá mè một lứa" và giản dị như thế mà tập thể chúng mình luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ, ít nhất là trong 7 năm qua ! Đó có lẽ là một nét rất riêng của Lê Ngọc Hân chăng ?

Có thể nói rằng mục tiêu giáo dục của nhà trường trong những năm tháng xa xưa ấy đã đạt được là khả quan, nếu không muốn nói là khá hoàn hảo.

Đó là những năm tháng mà trong tâm khảm của mỗi chúng tôi lưu lại mãi hình ảnh của trường, mái trường vô cùng thân yêu, mà mỗi khi nhắc đến, ba chữ "Lê Ngọc Hân" lại ngân nga vang vọng trong trái tim, trong tâm hồn của mỗi một học sinh đã từng ngồi trên ghế nhà trường thuở ấy. Dĩ vãng của gần nửa thế kỷ đã lùi xa mịt mờ, nhưng chính ba chữ "Lê Ngọc Hân" là ánh sáng, dẫu xa xôi, nhưng không phải là ánh đom đóm lập loè, mà là ánh sáng rực rỡ của ngôi sao Mai, đã vẫy gọi các bạn tản mạn từ khắp nơi tụ họp, về lại với nhau. Đến nỗi khi nghe tin trường xưa được phá dỡ để xây lại trường mới, dù biết là sẽ to hơn, đẹp, khang trang hơn, mà trái tim của chúng tôi vẫn cứ thổn thức, bồi hồi.

Bạn Đặng Ngọc Diệp, người học trò đã học đủ 7 năm ở trường, đã viết kỷ niệm về những năm tháng ấy và cho rằng đó là "Thế Hệ Vàng".

Ba chữ ấy, trước hết, chúng tôi xin dành cho thế hệ các thầy cô đã trực tiếp giảng dạy chúng tôi và cả những thầy cô không trực tiếp giảng dạy chúng tôi, làm việc trong văn phòng hay ban giám hiệu nhà trường, kể cả bác Mạc nhỏ bé làm lao công, ngày ngày chân chỉ quét lá vàng rơi trên sân trường rộng, gom rác, dọn dẹp, đóng của đóng cổng cẩn thận, giữ cho trường sạch sẽ, bình yên trong hàng chục năm... Chính các thầy cô đã tạo nên dấu son chói lọi Lê Ngọc Hân trong ngành giáo dục Thủ Đô, khi mà cả ngọn cờ đầu của ngành giáo dục toàn miền Bắc là trường Bắc Lý và nhiều trường khác đều cử đoàn tới tham quan, học tập.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh cô Bắc Thành : ngày ấy cô còn trẻ lắm, mới ra dạy, chỉ 21, 22 tuổi mà đã rất chững chạc. Cô có đôi mắt rất sáng, cái nhìn thẳng thắn, hoàn toàn tự tin và chủ động khi lên lớp. Bài giảng của cô khúc chiết, rành mạch, sinh động thu hút học sinh, dù đó là môn toán khô khan. Cô Bắc Thành sống rất tình cảm, yêu thương học sinh vô cùng, cho tới bây giờ vẫn vậy, dù đã ngoài 70, sức khoẻ kém, nhưng vẫn tới từng nhà thăm, mang quà các học sinh cũ của mình.

Đó là cô giáo Nguyễn Quỳnh Nga, lúc ấy đã có mấy con nhỏ, chồng đi chiến đấu xa, việc nhà rất tất bật, bận bịu nhưng bao giờ cũng chu đáo với từng bài giảng, với từng học trò. Cô biết rõ đến từng học sinh, hoàn cảnh gia đình của từng bạn. Những bài văn, bài sử cô giảng thấm vào lòng chúng tôi. Riêng với tôi là từ ngày học cô, tôi đâm ra rất thích môn sử. Trông hoàn cảnh của cô như thế, chúng tôi rất thương cô, nhưng nói thật, bọn con trai chúng tôi chẳng biết làm gì để giúp cô hết. Ngày nay thấy cô giáo mình vẫn khoẻ khoắn, thoải mái, đầy đủ hơn, vẫn còn đủ sức đi thăm chơi nhiều nơi, chúng tôi cảm thấy vô cùng sung sướng, hạnh phúc.

Đó là cô giáo Trần Mai Khôi hiền lành, nhỏ nhẹ, luôn "chín bỏ làm mười", khiến học sinh trong lớp cảm thấy phải tự đứng ra giải quyết mọi việc, đừng để cô phải bận tâm hay phiền lòng.

Đó là thầy Phạm Cát Tường, người thầy có khuôn mặt chữ điền, nom rất kiên nghị, nhưng đó lại là một người "cầm kỳ thi họa" toàn tài, mang đầy chất Hà Nội. Tôi nhớ mãi những giờ giảng văn của thầy, nhớ đến những buổi thầy dạy hát, đánh đàn, những câu chuyện thầy kể trong giờ ngoại khóa... những cái văn vẻ, hào hoa ấy thu hút những tâm hồn thơ ngây của chúng tôi vô cùng. Có lẽ tài hoa bạc mệnh chăng, mà thầy đã vĩnh biệt chúng tôi khi thầy đang còn rất trẻ, bom đạn đã cướp đi sinh mạng người thầy yêu quý của chúng tôi ngay tại Thủ đô. Nghe nói hồi ấy thầy không được cấp cứu kịp thời. Phải chi thầy còn sống được đến bây giờ, hẳn lớp sẽ vui nhộn lắm!

Đó là cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Tâm Hoà, lúc ấy cô đã lớn tuổi nên tóc đã có sợi bạc. Cô có nụ cười ấm áp lạ thường, nói giọng Huế, hình ảnh ấn tượng nhất về cô mà tôi vẫn còn lưu lại trong ký ức là vào mùa đông, cô quàng một chiếc khăn vuông len, giữa trời lạnh mặt cô hồng lên, mắt sáng ngời, với nụ cười rạng rỡ cùng với học sinh vây quanh trông mới đẹp làm sao ! Cô tận tuỵ hết lòng với học sinh, là một trong những người đặt nền móng cho những năm tháng rạng rỡ nhất của Lê Ngọc Hân đối với ngành giáo dục Thủ Đô. Cô cùng với con gái là Hoàng Thanh Hương và cô cháu tên là Tâm ở ngay trong trường. Đó là một phòng hết sức chật hẹp nằm bên dưới cầu thang, đời sống kham khổ nhưng trông cô lúc nào cũng vui vẻ, điềm đạm, nhân hậu, khoan hoà. Hoàng Thanh Hương về sau cũng có được sự nghiệp khoa học rất tốt đẹp, Thanh Hương hồi nhỏ gầy lắm, chúng tôi thường trêu đùa gọi bạn ấy là "Hương cò", bây giờ thì Thanh Hương trông giống mẹ như đúc, còn Tâm thì hình như sau đó về quê học nên chúng tôi không được gặp lại.

Cô giáo Phạm Kim Sa nhà ở cùng phố Hàng Chuối với tôi. Người cô nhỏ nhắn, xưa cô để một kiểu tóc đặc biệt trông rất gọn và đẹp. Cô Kim Sa nhanh nhẹn, ăn nói và giảng bài hoạt bát và giàu nghị lực. Chồng cô là một giáo sư toán học nổi tiếng của nước ta. Cô là người gắn bó lâu hơn cả với trường Lê Ngọc Hân, bây giờ vẫn vậy, cô chính là cầu nối chúng tôi với thế hệ thầy cô và học sinh Lê Ngọc hân ngày nay. Cô Kim Sa sống rất tình cảm, thương yêu và nâng niu học trò lắm và thể hiện điều đó bằng nhiều việc làm, nhiều cử chỉ rất cảm động.

Đó là thầy Lê Ngọc Thanh luôn hăng hái. Giờ nào của thầy cũng nhộn nhịp, hỏi, thắc mắc thoải mái, rồi giải đáp, rồi thực hành, làm dụng cụ học tập, rồi xây dựng vườn trường, rồi..., rồi... Chúng tôi cứ thế quay cuồng quanh thầy. Chúng tôi lắm lúc cũng sợ thầy vì làm sai bị thầy quát cho ra trò, nhưng lại cũng rất yêu thầy vì thầy luôn nhiệt tình, uốn nắn, và cái chính là thầy thật sự yêu chúng tôi.

Đó là cô giáo Nguyễn Thị Vinh, được đào tạo từ ngôi trường nổi tiếng nhất Việt Nam: trường quốc học Đồng Khánh ở Huế. Cô dạy địa lý hết sức chỉn chu cẩn thận, đúng giờ là bước vào lớp, vừa tiếng kẻng thì bài cũng vừa xong, không thừa thiếu lấy 1 giây đồng hồ. Chữ cô nắn nót, tròn trịa đẹp vô cùng. Tính cô bằng chắc, nghiêm nghị, học sinh nào lơ mơ là cô "chỉnh" liền, thế nhưng xong rồi lại quên ngay. Bao nhiêu năm qua, đến ngày gặp lại, cô Vinh vẫn thế. Cô ở có một mình, nay đã 80 rồi, mỗi lần đến thăm cô lại thấy thương quá.

Có những thầy cô khác tôi rất kính trọng nhưng ít biết đến hơn như các cô hiệu trưởng Tô Thị Hiền, cô giáo Bảo Ngọc, cô giáo Đỗ Thị Luật, cô giáo Vũ Thị Tuyết, cô giáo Đỗ Ngọc Oanh, cô Thọ làm việc ở văn phòng, lúc vào cũng vấn khăn và mặc áo dài màu nâu chỉnh tề, nền nã, thầy Ngô Ngọc Thúy, thầy Bốn hoạ sĩ dạy chúng tôi môn vẽ, thầy Cường dạy chúng tôi âm nhạc... Chúng tôi ngày ấy tuy còn bé nhưng cũng quan sát và biết có bao nhiêu sự hy sinh, bao nhiêu sự gắng gỏi âm thầm của thầy cô, càng yêu thầy cô mình làm sao!

Có một người thầy đặc biệt mà tôi phải dành những dòng trân trọng để nhắc tới, đó là thầy Nguyễn Văn Lộc, chủ nhiệm lớp 7 của chúng tôi. Đó là một con người mạnh mẽ, tính cách hào hiệp. Người thầy cao, gầy, tóc cắt thành mái, cao, râu vẫn được cạo nhưng vì mọc nhanh nên chúng tôi lúc nào cũng thấy thầy như có râu ngắn, hồi ấy thầy chưa phải già nhưng tóc cũng đã có lốm đốm vài sợi bạc. Cặp mắt thầy sâu, đã nhìn thì nhìn rất chăm chú, lúc nheo lại khi cười thì lại khá hóm hỉnh. Giận, thương thể hiện rất rõ ràng. Một lần làm thí nghiệm, thầy bị thương nặng, cụt mất một bàn tay. Thầy làm chủ nhiệm lớp chúng tôi khi tay đã bị cụt, nhưng chữ thầy viết vẫn rất nhanh và đẹp. Mọi việc thầy làm, kể cả dạy học đều toát lên sự dứt khoát, nhiệt thành. Đến bây giờ trong quyển số học bạ của tôi vẫn còn nguyên những nét chữ rất đẹp, cứng cáp của thầy. Thầy dốc lòng dạy dỗ chúng tôi cả về kiến thức lẫn tâm hồn. Điều đó chúng tôi cảm nhận được rất rõ. Lớp tôi tiến về mọi mặt.

Tính thầy lúc nghiêm thì rất nghiêm nhưng lúc vui thì rất vui, rất hồn nhiên. Gặp lúc thoải mái, thầy nghiêng nghiêng đầu, bảo chúng tôi: "Này, các cậu, hãy nhìn vào tai tớ đây, tớ sẽ vẫy tai cho mà xem!". Thế rồi thầy vẫy tai được thật, bọn học trò chúng tôi reo lên lên khoái chí, thầy cũng ngửa mặt cười khà khà. Nhà thày đông con, rất nghèo, các bạn nữ hay đến đỡ đần công việc cho vợ thầy. Nghe nói về sau thầy vẫn tiếp tục dạy, nhưng gia đình sa sút quá, thầy ngày càng ốm yếu rồi qua đời do bị lao phổi. Cho đến nay, vẫn chưa tìm được gia đình thầy, chỉ nghe nói gia đình thầy dời về ngõ Hoàng An, chúng tôi tới ngõ ấy, nhưng ngõ dài hun hút, vừa sâu, vừa nhiều ngóc ngách, biết đâu mà tìm...

Suối nguồn tinh khiết thì nước sông trong trẻo, đất nước đang dong buồm ra khơi, biển lớn đang vẫy gọi!

Xin gửi những tình cảm thắm thiết nhất tới các thầy cô và các bạn từng học trường Lê Ngọc Hân!

Hà Nội, mùa thu năm Bính Tuất, 2006
VÕ CHÂU TẤN

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết