LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Châu Tấn - Người bạn học cũ (nhớ về Đức Thắng)

Go down

Châu Tấn - Người bạn học cũ (nhớ về Đức Thắng) Empty Châu Tấn - Người bạn học cũ (nhớ về Đức Thắng)

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 2:35 pm

NGƯỜI BẠN HỌC CŨ

Như một thói quen, cứ sau mỗi biến cố lớn, người ta thường điểm danh lại những người còn, mất. Ở nước ta, vì biến cố quá nhiều, biến cố liên miên, nên việc ấy hầu như đã thành thường xuyên, thành thói quen, thành một phản xạ tự nhiên.

Thế hệ chúng tôi, được sinh ra trải dọc từ khoảng năm 1945 cho tới 1950, cho tới nay là năm 2010, suốt 65 năm ấy là giai đoạn biến cố nhiều nhất, dữ dội nhất của Lịch sử Việt Nam cận đại.

Như vậy việc xem lại ai mất ai còn đối với chúng tôi âu cũng là chuyện tự nhiên.

Thời điểm năm 1975 đối với chúng tôi là một thời điểm quan trọng. Vì từ năm đó dất nước chúng ta mới thật sự thống nhất, có hoà bình. Chúng tôi, những cựu học sinh Lê Ngọc Hân, tuy hồi ấy chưa có dịp gặp lại nhau, vẫn phải mỗi người một nơi, nhưng theo một phản xạ tự nhiên, lập tức nhớ tới công việc ấy.

Qua những tin tức truyền miệng cho nhau, ít nhất chúng tôi cũng biết được: Phạm Đức Thắng, Bùi Đức Lưu và Nguyễn Thanh Hà không còn nữa! Ba người bạn này chỉ biết là đã hy sinh ở chiến trường nhưng không rõ là ở đâu.

Ba gương mặt ấy quá đỗi thân thiết và quen thuộc. Xưa, ngày nào chúng tôi chả gặp nhau, đá bóng cùng nhau, tới nhà nhau chơi, học nhóm với nhau, tham gia công tác xã hội với nhau, cùng đi lao động, cùng cắm trại với nhau và ngoài ra không còn biết bao nhiêu trò chơi, những trò nghịch ngợm với nhau,... Bây giờ nhớ và kể lại mới thấy thật thấm thía.

Nhà Phạm Đức Thắng chỉ cách nhà tôi khoảng 300, 400 mét nên biết rõ nhau tới từng ly. Có những hôm có thể đi từ 117 Lò Đúc lên thẳng trường, nhưng Thắng lại quẹo qua phố Hàng Chuối rủ tôi cùng đi, chẳng vì một lý do nào cả, chỉ vì thích đi với nhau, thế thôi.

Tôi cũng thế, có những hôm học bài xong, ngó qua cửa sổ, chưa biết phải làm gì đây, bỗng sực nhớ tới Thắng thế là lao vội xuống cầu thang, chạy sang nhà Thắng chơi. Cả cái khu nhà Thắng trở nên qua quen thuộc với tôi, nhắm mắt cũng vào được. Khu nhà ấy có rất nhiều gia đình chung sống. Mỗi nhà một nghè. Tầng dưới còn có cả nhà nuôi gấu và làm nghề thuộc da, đi qua chỗ ấy hôi nồng hôi nặc, nhưng vẫn thích tò mò đứng lại xem. Nhà Thắng tít phía trong trên tầng 2, nhỏ hẹp. Tôi không biết có phải là thật sự nhỏ hẹp hay không, vì trong nhà chổ nào cũng thấy bày đầy những nan tre dùng để đan các bố đựng giấy thời bấy giờ. Có lúc nan tre nhiều quá, nhà không đủ chỗ phơi, phải đem phơi cả ra ngoài đường.

Tre được chẻ ra, rồi chẻ mỏng hơn nữa, sau đấy là đem nhộm các màu đỏ, xanh, vàng... Mẹ Đức Thắng người mảnh mai, đầu vấn khăn, nhuộm răng và ăn trầu nên trông bà rất nền nã, bà rất khéo léo, đan những chiếc bồ nhanh một cách phi thường. Dưới những ngón tay thoăn thoăt diệu nghệ của bà, các loại nan tre với màu sắc khác nhau chỉ một thoáng qua đã kết hợp với nhau hài hòa, tạo ra những hoa văn đan cài vào nhau rất đẹp mắt, hết chiệc bồ này đến chiếc bồ kia hình thành. Hồi ấy đan gia công như thế giá rẻ mạt, một ngày không biết bà đan bao nhiêu chiếc để có được tiền mua gạo cho các con mình.

Vì thích những “tác phẩm” xinh xắn như thế, nên mỗi lần đến chơi nhà Thắng, thể nào tôi cũng để 10, 15 phút ngắm bà đan và lấy làm khâm phục lắm. Về sau trong những giờ thủ công ở trường, khi tới phần đan giấy là tôi lại tìm tới nhà Thắng, nhìn mẹ Thắng làm để học cách lồng các màu vào nhau để tạo thành các loại hoa văn. Nhờ thế nên tôi tạo ra được một số mẫu hoa văn đẹp, được thầy giáo khen.

Đó là một gia đình lao động nghèo mà người ta thường gọi là “dân nghèo thành thị”. Nhưng tôi ngẫm ra, chính ở những gia đình thư thế, thường họ lại có nề nếp và những tình cảm gia đình thắm thiết, chưa nói là ý thức lao động và ý thức tự lập từ bé đã được sớm hình thành. Xuất phát điểm từ những tình cảm tốt đẹp như thế, sau này con cái của những gia đình như thế thường có được những ý thức rất tốt về bổn phận đối với xã hội cũng như những nghĩa vụ công dân của mình. Không phải chỉ gia đình Đức Thắng đâu mà cả với gia đình của Bùi Đức Lưu, gia đình của Nguyễn Thanh Hà cũng vậy. Lòng yêu đất nước, những tình cảm lớn lao, những hành động dấn thân nghĩa cả từ đâu mà ra vậy? Chính là từ những gia đình như thế.

Đưc Thắng người cân đối, hơi cao hơn chúng tôi một chút, nước da hơi ngăm ngăm, hàm răng trắng, tóc để tự nhiên chứ không rẽ ngôi, khuôn mặt chữ điền, miệng hơi rộng, đi đứng nhẹ nhàng, lanh lẹn nhưng không hấp tấp, làm cái gì thì làm chăm chú, ít khi để ý đến những chuyện chung quanh. Khi nói chuyện với bạn bè thường lắng nghe một cách chăm chú, rất ít khi tranh luận dài dòng. Quan niệm về cuộc đời của Thắng khá đơn giản, không có vấn đề gì Thắng coi là phức tạp cả hay phải quá suy nghĩ, đắn đo cả. Trên Thắng còn có các anh các chị đã trưởng thành, đi làm cả, Thắng là con áp út, dưới Thắng còn có một cô em gái nữa tên là Thoa, vì thế nên trông Thắng lúc nào cũng vô tư, nhẹ nhõm.

Đức Thắng là một người bạn sớm hình thành cá tính, không bị lệ thuộc vào ai, tự mình lo liệu các vấn đề của mình và đặc biệt là rất trọng tình bạn bè. Gặp bạn bè là Thắng bao giờ cũng vui, nói chuyện cở mở và thoải mái, không bao giờ chấp vặt, bỏ qua mọi tranh chấp cách rất nhẹ nhàng, nên dù hay bị bè bạn trêu đùa nhưng cậu ta chẳng khi nào phật ý hay tự ái.

Tất cả bọn con trai của cả trường không đứa nào là không biết Thắng, tất nhiên là cũng có khá đông bạn nữ biết đến Thắng, nhưng tôi muốn nói trước hết là bọn con trai vì Thắng tham gia với chúng tôi không thiếu một trò gì: đá bóng, đánh ngựa, tắm sông, đi chơi với nhau, học nhóm với nhau, làm công tác xã hội với nhau, luôn tới nhà nhau...

Nói cho chính xác thì chung quanh Thắng có nhiều ánh mắt vị nể bời vì Thắng có một cái biệt tài nổi bật là đá bóng. Thắng đá bóng cực giỏi. Có lẽ đây là một khả năng thiên phú, nhất là tài rê dắt bóng của thắng thì ai nhìn thấy cũng phải thán phục trầm trồ, nhất là những pha Thắng dắt bóng qua ngang mặt gôn đối phương rồi, không chịu sút vào ngay, mà tiếp tục dắt bóng ra ngoài rồi lại một mình dắt bóng trở lại cầu môn đối phương một lần nữa rồi mới tung chân sút. Quả là một sự tự tin và hài hước đến lạ. Đó là một cuộc biểu diễn nghệ thuật nức lòng. Bên phe của Thắng thì nở mặt nở mày gào tướng lên vì sung sướng, mà cả bên đối phương cũng phải lắc đầu “khẩu phục tâm phục”.

Đá giỏi nên Thắng không thèm chơi xấu, không cần “mua giò” đối phương. Khi Thắng làm động tác giả thì ngoạn mục hết chỗ nói: hậu vệ đối phương cứ phải hết nghiêng bên này lại ngả bên kia theo sự “điều khiển” của Thắng. Lắm khi có bóng, Thắng đưa bóng giật lùi, lùi mãi làm cho đối phương rất sốt ruột chồm theo, bất thần Thắng tâng bóng lên cao chạy vọt qua, đối phương hoảng hốt nhao lên cố cản lại, chỉ đợi có thế, Thắng giật phắt ngay bóng lại, làm cho hậu vệ đối phương lỡ đà đến bốn năm bước chân, rồi Thắng dùng hai chân rê bóng lắt léo loại bỏ cả dàn hậu vệ đội bạn tiến thắng tới gôn đối phương. Thủ môn vội vã lao ra cản phà, Thắng lại động tác giả vượt qua nốt, thế là cái gôn trở nên trống rỗng. Thắng từ từ dắt tiếp bóng vào giữa gôn. Đứng chặn chân lên bóng, cười khì khì.

Những pha bóng thư thế còn in mãi vào trong trí nhớ chúng tôi và Thắng trở thành một thủ lĩnh đương nhiên khi chúng tôi ra sân. Tuy nhiên Thắng lại không nhận lấy vai trò thủ lĩnh ấy. Cứ ra sân chia hai bên thì người khác chia chứ không phải Thắng chia, khi được phân về bên nào là Thắng ngoan ngoãn về phía bên ấy. Thăng có tài như thế nhưng lại rất hay ở chỗ: không chơi ăn mảnh một mình mà thấy cần chuyền cho ai là chuyền ngay. Lắm lúc Thắng cũng tự nguyện rút về làm hậu vệ.

Có trận khi đội bên Thắng bị thua, trong đội chỉ trích lẫn nhau, lắm khi mọi người chỉ trích cả Thắng, Thắng cũng gật gù công nhận, chứ không bao giờ cãi lại hay cáu kỉnh phủ nhận.

Cái sân Pastơ ngày ấy còn rộng mênh mông, không có nhà cửa gì sất, phải gọi là một bãi đất mới đúng. Cùng một lúc có cả mười đội bóng chơi thì vẫn còn dư chỗ (không phải là đội chính quy mà là những đội nghiệp dư như chúng tôi), nên khi nào, dù chúng tôi ra muộn hay ra sớm vẫn còn chỗ. Tan học là chúng tôi ra sân Pastơ luôn. Bây giờ nhớ lại tôi cũng ngạc nhiên mà tự hỏi vì sao trong các trận đá bóng của chúng tôi, có lúc vắng thằng này thắng kia, nhưng hình như lúc nào cũng đủ mặt ba thằng bạn liệt sĩ của chúng tôi: Phạm Đức Thắng, Bùi Đức Lưu và Nguyễn Thanh Hà.

Tiện đây, cũng coi như những kỷ niệm bạn bè tôi sẽ vẽ chân dung của ba thằng này trên sân bóng: Bùi Đức Lưu bao giờ ra sân cũng vui vẻ. Cậu ta quan niệm đá bóng chỉ là trò vui chứ không phải là một trận dấu hay một trận so tài gì hết. Cậu ta vừa chơi bóng vừa hò hét, vừa cười ha hả khi có những pha bóng ngộ nghĩnh hay những lời diễu cợt giữa các “cầu thủ”. Với Đức Lưu thì mọi cái thật nhẹ nhõm: một bên có thua tới 7, 8 quả cũng chẳng sao, hoặc có thằng thủ thành bỏ chạy khỏi khung thành để khỏi bị nhận một quả sút “vỡ mặt” thì cũng là chuyện thường tình. Đức Lưu đá bóng với tâm trạng như thế nên cậu ta chẳng bao giờ vội vàng. Đức Lưu hay chơi ở vị trí hậu vệ. Khi có bóng cậu ta còn đưa mắt chán chê nhìn lên phía trên xem thắng nào đáng được nhận bóng thì mới thủng thẳng chuyền lên, hoặc khi cản được bóng thì cứ việc dắt ra thật xa khỏi khung thành cho an toàn, mặc cho bọn tiền đạo phía trên hét khản cả tiếng đòi đưa nhanh lên để tranh thủ tấn công.

Khi có điều gì xảy ra: như một thắng nào đó chơi xấu đá vào chân một thắng khác, sinh ra cãi nhau thì Đức Lưu là đứa có mặt đầu tiên giảng hoà. Cậu nhanh chóng nhảy vào giữa đẩy hai thắng ra xa rồi mau lẹ dập tắt “đám cháy”. Tất cả những gì cậu ta làm như muốn gửi tới các bạn một thông điệp “Đừng quan trọng hoá những chuyện vớ vẩn, đang vui chơi với nhau mà!” Sau này khi Đức Lưu ra chiến trường và hy sinh, tôi vẫn nhớ mãi khuôn mặt thư sinh, làn da trắng, cặp môi hồng đẹp như con gái của anh và đặc biệt là tình bạn bao la, tính hào phóng, rộng rãi, yêu đời của anh ngay khi anh còn ở trang lứa thiếu niên.

Nguyễn Thanh Hà thì có vẻ cục mịch hơn Bùi Đức Lưu. Gia đình anh phải lao động cực nhọc mới đủ sống. Thanh Hà đậm người, vạm vỡ, khuôn mặt tròn, chân chất nhưng được cái rất hay cười, cười tít cả mắt. Thanh Hà hầu như không mấy khi chơi ở vị trí tiền đạo hay hậu vệ. Vị trí chính của Thanh Hà là đứng chính giữa hai cột gôn. Đó là một thủ thành khá tài ba của chúng tôi. Thanh Hà có phản xạ nhanh lạ thường và bắt bóng rất dính, cậu ta không cao nhưng đổi ại lại bắt rất tận tình và dũng cảm, dám lăn xả vào chân đối phương. Có lẽ cấu tạo cơ thế của cậu ra khiến cậu ta có vẻ ít bị đau hơn chúng tôi. Chứ giá như một thắng gầy nhom mà lao vào chân một thắng khác bắt bóng thì ắt hẳn dễ gãy xương hay thành tật có ngày.

Thanh Hà rất yêu bạn bè, tôi nói thế vì chưa thấy khi nào Hà cáu với bạn bè cả. Cậu ta có một cái răng cửa bị mẻ một bên, còn nguyên nhân nào gây ra chuyện bị mẻ thì quả thật chúng tôi chưa kịp hỏi. Nhưng vì cái răng đó mà cậu ta được đặt biệt danh là “Hà sứt”. Cách đặt biệt hiệu được Thanh Hà chấp nhận một cách vô điều kiện.

Nhưng nếu nói người chấp nhận những lời trên chọc, những biệt danh kỳ quái của bè bạn gán cho giỏi nhất lại chính là Phạm Đức Thắng. Khi cậu ra bị đặt biệt danh là Thắng “Ba dê” thì mọi người cứ nghĩ cậu ta phải phát khùng lên. Bởi vì với bọn con trai chung tôi thuở ấy đứa nào bị gán là “dê” là có nghĩa rất xấu, chưa nói cách đặt như thế vừa thiếu tế nhị, vừa thô lỗ. Các bạn nữ mà nghe thấy thằng nào bị đặt là “dê” thì cũng ngại lắm chứ. Thế mà Thắng lại bị gán một cách oan uổng một cái tên nghe dễ sợ như thế, trong lúc cậu vô tư và ngây ngô chứ bao giờ động gì đến chuyện dê đâu!

Thế nhưng Thắng không phản ứng, không phản bác, cũng không có một lời cằn nhằn. Kệ chúng mày, muốn đặt gì thì đặt, tao là tao, chúng mày là bạn bè, chẳng hơi đâu mà chấp. Thế là trong mấy năm học ở Lê Ngọc Hân, Thắng cứ mang biệt hiệu ấy, cả các bạn nữ cũng gọi Thắng như vậy. Con người của Thắng vẫn vô tư như thế. Cuối cùng thì lạ thay, chẳng ai còn thấy cái biệt hiệu ấy là ‘chối tai” cả, mà còn cảm thấy có cái gì đó độc đáo, hay hay, vui vui để gọi một người bạn tốt tính tốt nết của mình. Chính Thắng đã tự mình tạo ra sự chuyển hường một từ ngữ tưởng là xấu lại sang tốt như vậy đó. Thật là những điều kỳ diệu của tuổi niên thiếu, của tình bằng hữu thật trong sáng và thắm thiết của chúng tôi. Điều này cũng là một trong những lý giải vì sao Lê Ngọc Hân chúng tôi còn giữ quan hệ với nhau cho mãi đến ngày nay một cách quá đỗu thân thiết như vậy!

Đến bay giờ ngay bản thân chúng tôi cũng không lý giải nổi tại sao trong những năm tháng học ở Lê Ngọc Hân, chúng tôi lại có quan hệ với nhau nhiều thế và bền chặt thế. Sau này khi gặp lại nhau thì những tình cảm ấy vẫn cứ tự nhiên và trào dâng một cách mãnh liệt. Tôi đã đi dự bao nhiêu là lớp cựu học sinh: từ cấp 3 đến đại học, đến những người bạn cùng đơn vị, cùng cơ quan, cùng những lớp, những trường huấn luyện... Nhưng quả thật không ở đâu có một không khí hiểu nhau một cách lạ kỳ như ở các cựu học sinh Lê Ngọc Hân. Không hề có chút màu mè, khách sáo. Tuổi tác, vị trí công tác, kinh tế, hoàn cảnh gia đình, sức khoẻ có thể khác nhau và rất khác nhau, nhưng cái tính “học sinh” thì không bao giờ thay đổi. Nói cho thật lòng thì cũng có vài trường hợp cá biệt khó hoà nhập trở lại, nhưng đó là những con số quá ít ỏi, bị chi phối bởi những hoàn cảnh đặc biệt mà thôi.

Ngày chúng tôi xa rời mái trường Lê Ngọc Hân là những ngày hè thật sự cảm động và bồi hồi. Chúng ta sẽ xa nhau từ đây ư? Hình như là một sự việc khó được chấp nhận. Chúng tôi trầm ngâm hơn, tuy vẫn cùng đá bóng, cùng đi ăn kem... nhưng có cái gì đó nhớ nhung quá. Vẫn biết đó là những điều không thể tránh được, chúng tôi không đợi, nó cũng từ từ tới. Thế là chúng tôi bèn sắm những quyển sổ nhỏ và ghi lưu niệm cho nhau. Bây giờ đọc lại những dòng lưu niệm thuở ấu thơ ấy mà muốn chảy nước mắt. Nó dạt dào tình cảm, nó thật lòng, nó thân thương quá, nó trong sáng như gương, nó ngây thơ như trang giấy trắng.

Các quyển lưu niệm của từng bạn đưa cho nhau, viết cho hết bạn này đến bạn khác. Thật lòng nghĩ sao viết vậy, dành cho nhau những tình cảm chan chứa và thân yêu nhất. Bạn mình sắp xa mình đây. Ra đời, học lên... biết bao giờ gặp lại. Bọn con gái đưa sổ cho nhau sớm nhất, rồi đến bọn con trai, rồi con gái đưa cho con trai, con trai đưa cho con gái, những tấm ảnh cá nhân tặng cho nhau, những trang viết được dán kín lại với lời hẹn: khi xa nhau mới được giở ra đọc, hoặc “đừng cho bạn khác xem nhé!”.

Phạm Đức thắng đưa cho tôi quyển lưu niệm của Thắng. Tất nhiên là tôi viết ngay. Rồi tôi đưa quyển lưu niệm của tôi cho Thắng. Ngày ấy chúng tôi có những ấn tượng riêng và những mơ ước rất là ngộ nghĩnh. Chẳng hạn có lần tôi nói với Thắng: "Lớn lên thể nào tao cũng phải để được một bộ râu kiểu Stalin!". Bởi vì tôi thấy bộ râu của Stalin là một bộ râu rất đẹp, rất oai vệ. Trong lời chúc cuối cùng dành cho tôi trong cuốn sổ lưu niệm, Thắng viết: "Chúc Châu Tấn khi 30 tuổi để được một bộ râu kiểu Stalin!".

Oái oăm thay, khi tôi 30 tuổi, tức là khi tôi lấy vợ thì tôi chợt nhớ lại một ước mơ thoáng qua thời học sinh và cũng bởi lời chúc còn đó của Phạm Đức Thắng, tôi bèn bắt đầu để râu. Thời đó đối với chung quanh mà nhất là ở trong một cơ quan nhà nước như cơ quan tôi, chuyện một thằng tự nhiên để râu được coi như một việc quái dị, khác đời, dở hơi, thậm chí còn đựơc coi như một hành động bất mãn, chống đối. Cũng như những ai dám mặc quần ống loe, ống túm. Cái thời ấy nó là như thế, khắt khe lắm chứ không thoải mái như bây giờ. Tôi bị đập tơi bời vì cái vụ dám để râu này, dù tôi cố dẫn ra câu sấm truyền nổi tiếng của ông cha để lại:

Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con!

Một buổi chiều tôi được ông bạn cùng phòng gọi ra cắt tóc. Chẳng nói chẳng rằng, việc đầu tiên của hắn ta là cạo phăng ngay nửa bộ râu bên phải của tôi, rồi nhìn vào mặt tôi mà cười hà hà:”Chừa lại cho ông một nửa để làm dáng với đời nhé!”.

Câu chuyện dở khóc dở mếu về bộ râu của tôi đến đây là chấm dứt. Nhưng cái kỷ niệm đầy ấn tượng về lời chúc của Phạm Đức Thắng với tôi thì còn mãi.

Chúng tôi xa nhau từ cuối năm lớp 7. Cuộc sống đưa đẩy tôi tới bao miền đất xa xôi và khác lạ, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn giở lại những trang lưu bút của bạn bè ra đọc lại, có khi chỉ là được lướt qua, nhưng âm hưởng của tình bạn bè bào giờ cũng khiến tôi như đang quay về một thuở xa xôi, nồng nàn.

Sau năm 1975 tôi về miền Nam nhận công tác. Chẳng mấy khi tôi được về Thủ Đô. Nhưng sau đó qua bạn bè công tác đi ngang qua Đà Nẵng mà tôi được biết Đức Thắng đã hy sinh. Tôi vô cùng ngậm ngùi, nước mắt trào ra. Nhưng không ai cho tôi biết là Thắng hy sinh trong trường hợp nào, ở đâu và đã có nơi an nghỉ cuối cùng chưa.

Năm 1995 tôi đưa gia đình riêng của mình ra hẳn Hà Nội.

Những năm ấy vẫn còn khó khăn. Tôi khá bỡ ngỡ về những sự đổi thay của Hà Nội. Do dân số tăng quá đông nên nhà cửa được phân chia ra và cơi nới thêm quá nhiều khiến không còn nhận được ra những ngôi nhà thoáng đãng ngày xưa nữa. Cửa mỗi gia đình được đục thêm một lỗ nhỏ để chủ nhân bên trong có thể nhận dạng khách đến nhà, các tụ điểm bán hàng mọc lên như nấm... Tôi phải làm quen với cuộc sống mới và cố gắng trong cuộc mưu sinh để nuôi được gia đình.

Qua vài ba năm tôi quen dần.

Tôi cũng nghĩ rắng những người bạn mình cũng đều vất vả như mình thôi.
Nhưng dù gì thì gì mình vẫn còn những người bạn.

Tôi bắt đầu đi tìm bạn bè, trước hết là bạn bè cùng học ở Lê Ngọc Hân.

Đến năm 2000 thì chúng tôi đã có những buổi tụ tập đầu tiên. Và ngay trong những lần đầu tiên ấy chúng tôi đã nhắc ngay tới những người bạn đã hy sinh nơi chiến trường. Năm 2001 thì chúng tôi tới nhà Bùi Đức Lưu để đón nhận tin đã tìm được mộ Bùi Đức Lưu đưa về nghĩa trang gia đình ở thôn Giáp Nhị xã Giáp Bát. Nhưng với Phạm Đức Thắng thì vẫn chưa có thêm một tin tức gì.

Tôi lại đến số nhà 117 phố Lò Đúc, ngôi nhà nằm ở ngã tư Nguyễn Công Trứ cắt Lò Đúc. Bây giờ ở đó đã là một khu tập thể đông đúc. Chung quanh hình thành rất nhiều cửa hàng buôn bán đủ thứ. Tôi cồ tìm hỏi tung tích của gia đình Thắng, nhưng những khuôn mặt xa lạ đều lắc đầu không biết. Hơn 30 năm rồi còn gì!

Tôi thường tâm sự với Tấn Định điều băn khoăn của mình, Tấn Định là một người bạn tốt, thế nhưng lại học ở Lê Ngọc Hân không nhiều và ít biết đến Thắng. Nhưng rất may cho tôi là tôi đã tâm sự đúng người, đúng chỗ.

Một buổi tối, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận được một bức thư khá dài của Tấn Định báo cho tôi biết một sự việc rất quan trọng: Định đã đến 117 Lò Đúc và đã dò hỏi ra được một địa chỉ của người thân trong gia đình Phạm Đức Thắng.

Không thể để muộn hơn, chúng tôi tìm ngay đến nhà chị Điểm, chị dâu của Thắng. Anh Đắc, chồng chị, anh ruột của Thắng đã mất rồi.

Đó là một ngôi nhà nhỏ ở một ngõ phố đường Thái Hà. Căn phòng phía dưới cho Bưu điện thuê. Phía trên là một phòng, cầu thang lên khá dốc. Chị Điểm vẫn đang đi làm ở một cơ sở sản xuất. Chị ở cùng một người con trai, tên là Cường, con dâu và hai đứa cháu nội gái dễ thương. Lần đầu tiên chúng tôi đến ấy, chị có vẻ ngạc nhiên.

Tôi và Tấn Định gặp cả nhà, chúng tôi thắp hương trên bàn thờ đặt ngay trên nói tủ. Có ảnh các cụ thân sinh ra Thắng, anh trai Thắng và ảnh Thắng. Lần đầu tiên chúng tôi thấy lại được Đức Thắng qua tấm ảnh duy nhất còn lại của Đức Thắng. Phải nói là tôi sững sờ. Bao nhiêu năm rồi, tìm nhau mãi, giờ mới thấy bóng hình của mày!

Ảnh chụp hơi nghiêng, rất giống nhưng trông có vẻ “dữ” hơn nhiều với so với Thắng vui tính và xuề xoà trong đời thường. Gia đình cho biết là không còn giữ lại được thêm một tấm ảnh nào khác nữa. Hôm ấy tôi mang theo máy ảnh, xin phép chị Điểm cho chụp lại bức chân dung Thắng.

Câu chuyện hôm ấy của gia đình nói về Thắng đã khiến chúng tôi vén được bức màn thời gian bao phủ bao nhiêu năm nay. Có nhiều chi tiết cảm động. Chúng tôi ngồi yên lắng nghe. Đó là bước ngoặt trong cuộc tìm kiếm bạn bè. Đó là những thông tin đích thực mà chúng tôi có được về Thắng. Nó quý giá vô cùng. Từ đó hầu như năm nào vào dịp giỗ Thắng, chúng tôi cũng đến thắp hương cho Thắng và thăm gia đình chị Điểm. Chỉ duy năm 2009 là không đến mà thôi. Đó chính là năm có một biến cố phi thường, xin đựơc kể sau.

Theo sự chỉ dẫn của chị Điểm và cháu Cường chúng tôi mau chóng tìm được nhà anh Hóa, anh ruột Thắng, ở gần Giáp bát. Đó là một gian nhà nhỏ, khá chật trong ngõ. Anh đã già, trông ốm yếu. Vợ anh nghe nói cũng bị bệnh. Nghe chúng tôi hỏi thăm về Thắng anh Hoá cũng hơi ngạc nhiên. Và như nhớ lại tất cả những gì về đứa em mình, anh kể cho chúng tôi nghe rất dài về Thắng. Có những đoạn nước mắt anh rơi lã chã. Thực tình chúng tôi cũng không nén nổi xúc động. Cuộc chiến tàn bạo, nhất là cuộc chiến Mậu Thân lại càng kinh khủng. Thực chất, đó là một cuộc tàn sát đẫm máu.

Hệ thống hoá tất cả những lời kể và tư liệu của gia đình thì những năm cuối cùng của Phạm Đức Thắng diễn ra như sau:

Từ trường phổ thông, Thắng vào làm việc ở nhà máy cơ khí. Năm 1967 Thắng vào quân đội. Việc huấn luyện diễn ra cấp tốc rồi hành quân rất nhanh vào Nam. Anh Hoá còn nhớ là có đến thăm em mình khi Thắng còn đóng quân ở ngoại thành Hà Nội. Anh nhớ lại: “Nhìn thấy nó mà thương quá, thức ăn thức uống chả có gì, chỉ có rau muống xào qua. Tôi định động viên nó, nhưng nó bảo ngay với tôi:”Anh yên tâm, đánh thắng giặc em mới về” “Ngày nó lên đường, cả nhà đều đưa tiễn nó. Có một cô bạn gái chạy theo xe của nói thêm một quãng dài. Hình như cũng mới quen nhau nên cô ta cũng ngại gặp gia đình chúng tôi. Chúng tôi cũng quên không hỏi tên và địa chỉ của cô ấy. Hình như cô tên là Thủy. Không biết cô ta bây giờ thế nào.”

Đơn vị của Thắng hành quân theo đường Trường Sơn lên Tây Nguyên. Đi bộ, vác nặng, leo núi, thiếu thốn đủ thứ, dãi nắng dầm mưa, ăn đất nằm sương để cấp tốc vào chiến trường. Đó là những năm tháng gian lao nhất, ác liệt nhất của đất nước. Thắng đã lên đường trong một thời điểm lịch sử như thế. Nhiều nhà viết sử sau này chắc sẽ còn nói nhiều đến cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

Thắng có viết thư về nhà. Bức thư cuối cùng được viết vào dịp gần Tết Mậu Thân. Ngoài những lời hỏi thăm bố mẹ và gia đình, Thắng cho biết: ăn Tết mà không còn một cái quần áo nào, trừ bộ trên người. Chiếc quần đùi mới cuối cùng phải đem đổi để có được một lon nếp ăn Tết.

Cực khổ và thiếu thốn đến mức ấy. Tiếp theo là hành quân và hành quân liên tục, vượt cho hết giải Trường Sơn để kịp tập kết tới Tây Ninh, sát biên giới với Capuchia. Từ Tây Ninh hành quân tiếp về ngoại ô Sài Gòn, chiến trường ác liệt nhất của miền Nam lúc bấy giờ và cũng là điểm quyết chiến chiến lược của cuộc tiến công lúc bấy giờ.

Một người cùng làng cũng đi đợt ấy về sau kể lại với anh Hoá rằng, trước ngày mở đợt công kích vào Sài Gòn còn gặp Thắng ở trong một cánh rừng của huyện Củ Chi.

Khi đơn vị Thắng được điều về đây thì cấp trên cần một số người biết về cơ khí để đưa vào chiến khu làm công tác hậu cần và bảo dưỡng khí tài. Thắng chính là một thợ cơ khí chuyên kiểm ra các loại sản phẳm cơ khí. Những người được chọn được rút đi và sau này đều sống sót. Khi được hỏi biết làm nghề gì, Thắng trả lời là làm OTK. Cán bộ không biết OTK là cái gì nên không rút Thắng, mà Thắng cũng không yêu cầu gì thêm, vì vậy Thắng vẫn ở lại mặt trận.

Đóng quân ở Củ Chi ban ngày phải ngâm mình trong nước dưới những đám lục bình trôi nổi trên sông hồ cho khỏi bị lộ, ban đêm mới được lên bờ. Gian khổ vô cùng. Chàng trai Hà Nội Phạm Đức Thắng, chỉ qua một năm trời thôi mà phải đối diện với biết bao thử thách và hiểm nghèo, giữa cái sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc.Anh đã chứng tỏ được lòng dũng cảm vô bờ bến, tinh thần chịu đựng phi thường. Tất cả chúng tôi khâm phục và tự hào về người bạn học của mình.

Đến khi công kích vào Sài Gòn thì bộ đội ta bị đánh bật ra. Những người làng sống sót được sau trận ấy kể lại: “Trên trời thì máy bay địch bay kín và thả bom liên tục, chết rất nhiều. Dưới đất thì pháo dội liên tục vào bất kể quân ta hay quân nó, cũng chết vô kể. Nhiều xác người bị tung lên khỏi mặt đất, ruột gan bị treo lên các cành cây. Sau những đợt tàn sát như thế thì mặt đất trở thành một nấm mộ chung không lồ với hàng nghìn xác chết.”

Thắng có còn sống được sau những trận hủy diệt ấy không thì người làng không biết, vì các đơn vị tan tác, mạnh ai nấy chạy, không còn tự thu gom lại được. Những người lính nông dân ở quê Phạm Đức Thắng sống sót đã kể lại cảnh tượng của năm đó ở vùng ngoại ô Sài Gòn, qua lời của anh Hoá, khiến chúng tôi thấu hiểu thêm về hoàn cảnh vô cùng dữ dội mà bạn tôi, một thanh niên mới 20 tuổi lúc ấy phải trải qua.

Sự đau đớn hiện lên trên nét mặt đầy đau khổ của anh Hoá khi nói về em mình, chốc chốc anh lại lấy tay quệt nước mắt, tim hai thằng chúng tôi cũng thắt lại, cố ngăn những giọt lệ cũng sắp rơi!

Đợi cho câu chuyện trôi qua, lắng xuống, chúng tôi mới hỏi anh rằng, thế từ bấy đến nay gia đình đã thử đi tìm mộ Thắng chưa?

Anh Hoá nói:”Các chú có biết không. Cái số nó sao mà khổ. Sau khi nó hy sinh, tuy chưa có tin tức gì thì các cụ nhà tôi đã nằm mơ thấy điều chẳng lành. Chắc là nó về báo mộng. Cô em, cái Thoa đấy, cũng được báo mộng. Cứ hồi hộp, bồn chồn, lo lắng, hoang mang bao trùm không khí trong gia đình. Ác một nỗi trong lý lịch khi đi bộ đội Thắng khai là quê Đông Mỹ, Hà Tây, còn nhà thì bao nhiêu năm ở Hà Nội đây. Người ta lại không báo về nhà mà cứ gửi giấy báo tử về quê. Ở quê thì còn ai biết, còn nhớ tới nó đâu, thành ra cái giấy báo tử lạc mất. Thế là người thân đã mất mà gia đình không thể biết để còn làm lễ cúng tế, để lập bàn thờ, để tìm hiểu xem nó đã hy sinh như thế nào, thế đấy...! Chả biết được một cái gì sất cả.

Giời ôi, mãi về sau, lâu lắm, chả biết là mấy năm, có ai đó ở quê mới cho biết là có giấy báo tử, cả nhà mới hoảng hốt tìm tới, thì đó chính là giấy báo tử của Thắng.

Cái Thoa nó hay bói chén, nó bói luôn đấy, nhưng lần nào cũng không thấy nói gì về chuyện hy sinh như thế nào, ở đâu để còn tìm. Các cụ nhà tôi héo ruột héo gan, khổ tâm lắm các anh ạ...”

Thế là cả nhà cứ cố đi tìm tung tích về sự hy sinh của Thắng, nhất là ở những người từ quân ngũ trở về. Nhưng chả còn được mấy người chết trận trong những năm ấy nhiều quá. Năm 1968 dần dần lui vào quá khứ. Những người sống sót nhớ gì kể nấy, mỗi người một phách, không sao hệ thống lại được

Chúng tôi cố hỏi thêm, thế những lần cô em gái bói như thế thì Thắng nói gì?

Anh Hoá nhớ lại rằng những lần đó Thắng bảo gia đình đừng tìm nữa, có muốn tìm cũng không tìm được.

Cái hồi năm 2000-2001 ấy, phong trào tìm mộ thân nhân tìm mộ liệt sĩ đựơc đồn đại khắp nơi và quả thật có những người có khả năng ấy. Tấn Định có quen và tôi cũng biết một vài người. Chúng tôi giới thiệu một vài người như thế với anh Hoá, nhưng anh cho biết cũng đã thử nhưng không ăn thua.
Nhưng chúng tôi vẫn bàn nhau cứ thử xem sao.

Mùa hè năm 2002 khi đi công tác phía Nam, tôi quyết định tranh thủ cơ hội này tìm gặp gia đình các anh chị còn lại của Đức Thắng đang ở Thành phố Vũng Tàu. Ở đó tôi đã gặp được vợ chồng người chị và cô em của Phạm Đức Thắng, họ tiếp tôi thân mật, chúng tôi hỏi thăm nhau và tâm sự nhiều điều, nhưng trong đó chủ yếu là nói về Phạm Đức Thắng. Tôi gợi ý việc đi tìm mộ. Tôi cho số điện thoại của một nhà ngoại cảm đang ở Sài Gòn, địa chỉ và số điện thoại của người này do Tấn Định cung cấp. Các anh chị của Phạm Đức Thắng rất cảm ơn chúng tôi nhưng cũng nói đã đi tìm nhưng không kết quả. Gợi ý của tôi vẫn còn làm gia đình phân vân, bởi thật sự trong tay họ chẳng có một tư liệu hay một cơ sở nào cà. Hơn nữa sự việc đã trôi qua đã hơn 30 năm!

Buổi tối hôm đó tôi gọi ngay điện thoại ra Hà Nội cho Tấn Định, tôi kể lại tất cả cho Định nghe. Tấn Định nói: điều quan trọng nhất trong việc đi tìm mộ là những người ruột thịt trong gia đình, quyết định của họ là tối hậu. Tôi hiểu ý Định và tắt máy. Dù sao chúng tôi cũng hài lòng vì đã gặp được hầu hết những người trong gia đình Phạm Đức Thắng để nghe và tìm hiểu về trường hợp hy sinh của bạn mình và thông báo cho lớp những tin tức về người bạn mình đã hy sinh.

Sáng sớm hôm sau tôi rời Vũng Tàu. Các anh chị em của Đức Thắng rất chu đáo và ân tình tới khách sạn tôi ở để tiễn và gửi quà cho tôi, nhưng họ không biết là tôi vội đi sớm, nên rốt cuộc là không gặp nhau.

Tôi phải đi gấp là bởi còn về Sài Gòn cho kịp bắt xe đi Củ Chi, vùng ”đất thép thành đồng” mà lúc ấy tôi đinh ninh rằng Đức Thắng đã hy sinh ở đó.
Thể nào cũng phải tìm ra một manh mối gì chứ!

Chuyến xe bus đi Củ Chi vùn vụt lao nhanh. Nhà cửa thưa dần, dần dà chỉ còn cánh đồng, mặt nước thênh thang. Tôi đem theo một chiếc máy quay phim to tướng nhãn hiệu Panasonic nặng gần 4 kg. Trên xe tôi tranh thủ quay các cảnh vật hai bên đường, Xe đi ngang qua những cánh đồng, cánh rừng vắng vẻ, qua những đầm nước. Tôi vừa lia máy vừa nghĩ bụng: chỗ này biết đâu là chỗ Thắng phải “chém vè suốt ngày để tránh máy bay địch” hay “chỗ này biết đâu chính là nơi Thắng hy sinh”. Những dòng cảm nghĩ như thế theo tôi trong suốt thời gian trên xe.

Tôi bước xuống xe ở khu chứng tích địa đạo Củ Chi nổi tiếng. Ấn tượng đầu tiên là những cánh rừng, những con đường nhỏ quanh co. Ấn tượng thứ hai là ở đây đúng là xứ sở của đạn, bom, mìn, sắt thép. Ở đâu cũng có sự hiện diện của các thứ đó. Ở các cửa hàng lưu niệm người ta bán toàn những đồ vật được làm từ vỏ đạn vàng choé, đủ loại vỏ đạn lớn có, nhỏ có ghép lại thành những đồ vật trông thật lạ mắt và cũng khá xinh xẻo, lại có ý nghĩa nữa. Có những chiếc lược con con làm từ các mảnh nhôm của xe tăng hay máy bay. Còn trên mặt đất thì bày la liệt những súng ống, bom đạn, xe tăng. Có thể nói tôi đã lạc vào một thủ đô của vũ khí. Sâu hơn nữa là những địa đạo ngầm dưới đất. Tôi đã từng sống dưới hầm chán chê mà vào đến địa đạo Củ Chi tôi vẫn giật mình vì đủ thứ bất ngờ và suýt nữa chết ngạt vì những đường hầm sâu hun hút, tối om om và chật tới mức kinh người.

Có một đoàn các chàng trai khoẻ mạng và nhanh nhẹn trong nhóm tham quan thấy tôi lệt bệt quá bèn hò nhau đẩy tôi, díu tôi đi theo họ để được tham quan cho đủ hết các loại hầm ngầm, địa đạo cực kỳ phi thường ở đây. Cũng dưới lòng đất người ta làm những căn hầm rộng để hội họp, giờ thì thành những phòng chiếu phim. Chủ các căn hầm mênh mông này mới chúng tôi ăn sắn. Thăm quan xong, khi ngoi lên mặt đất qua một cửa hầm chật chội được nguỵ trang kỹ càng, tôi như bước sang một thế giới khác. Thế giới của không khí và ánh sáng rất đỗi bình thường mà ta vẫn sống hàng ngày.

Tôi nhớ tới cả một cái làng dưới lòng đất mình vừa đi qua mà cứ tưởng như mình vừa nằm mơ. Đồng bào mình đã sống và chiến đấu như vậy, Đàn bà trẻ con, ông lão, bà lão đã sống dưới lòng đất như thế bao nhiêu năm không thấy ánh mặt trời, thiếu không khí, ẩm thấp ngột ngạt nhường ấy, với bên trên là những trận bom dự đội hàng ngày trút xuống như thế... ghê gớm quá, phi thường quá.

Rời địa đạo, tôi sang khu đền thờ Bến Dược nguy nga tráng lệ không sao kể xiết. Đây là khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đền Bến Dược rộng mênh mông, đồ sộ với tầng tầng lớp lớp tháp và nhà. Trong ngôi đền chính khói hương nghi ngút. Trên những bước tường to rộng, cao chót vót khắc tên có đến hàng vạn liệt sĩ đã hy sinh ở đây. Tên họ nhiều quá nên phải khắc chữ nhỏ li ty, lại ở khỏang cách xa nên không sao đọc nổi. Có rất nhiều liệt sĩ quê ở miền Bắc.

Khi tôi nâng chiếc máy quay lên, cho phóng to hình lên để quay tên các liệt sĩ miền Bắc hy sinh, hy vọng sẽ tìm được tên Đức Thắng, thì một nhân viên khu tưởng niệm, còn khá trẻ tới nhắc khẽ tôi là nơi này không được quay phim. Tôi nói:”Con ơi, chú muốn quay các dòng chữ kia để hy vọng tìm được tên bạn chú đã hy sinh ở đây mà” chàng thanh niên người bản địa, mang dáng dấp đồng quê nhìn tôi bằng cặp mắt thông cảm, hỏi “Chú ở đâu vô đây?” Khi biết tôi từ Hà Nội vào cậu ta nói:”Cả mấy ngàn cái tên, đông lắm chú ơi, chú quay sao cho hết. Bạn chú người ở tỉnh nào vậy? Gia đình của con ở đây cũng đông người hy sinh lắm!”

Tôi thắp hương, đứng một lúc lâu, dán mắt vào những dòng chữ gần nhất để cố đọc các tên có thể nhìn thấy được. Không có tên nào là Phạm Đức Thắng cả. Tuy nhiên tôi cũng cầu nguyện cho Thắng, lòng buồn khôn tả:”Tao đã tìm tới nơi người ta nói rằng mày đã hy sinh. Mày sống khôn chết thiêng thì hãy nhận lấy nén hương này. Đó không phải của riêng tao mà là tấm lòng của tất cả các bạn Lê Ngọc Hân luôn tưởng nhớ tới mày, cố công cùng gia đình đi tìm mày. Mày cho chúng tao biết về mày đi. Mày nhìn tao đây, nhận ra tao chứ!...” Khói hương bay cuồn cuộn khắp nơi trong phòng, vì có rất nhiều người vào thắp hương. Tôi nhìn lên những vòng khói dày đặc ấy và thầm nghĩ “Biết đâu Thắng đang hiện về!”

Tôi bước ra ngoài khu đền thờ, đi qua những chiếc cổng cao lớn tới đài sen cao vút, đó là đài liệt sĩ hình bông hoa sen, thiết kế độc đáo và hùng vĩ đặt giữa một hồ nước. Trong hồ cũng có rất nhiều sen, hương sen thơm ngát. Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ những người con thân yêu của mình!

Hy vọng tìm một manh mối hay tin tức gì của thắng đến đó được coi là chấm dứt. Nhưng thật ra nó vẫn là mốt day dứt khôn nguôi của gia đình và của chúng tôi. Nó như một đám tro tàn đã nguội lạnh nhưng bên trong vẫn còn ấp ủ một cục than hồng và biết đâu, khi có cơ hội, cục than hồng ấy sẽ cháy sáng lên, thành một ngọn lửa rực rỡ và Thắng sẽ về lại với chúng tôi.

Nhưng đó lại là câu chuyện của hơn 8 năm sau.

Tôi quay về Sài Gòn kể lại chuyện với các bạn cựu học sinh Lê Ngọc Hân đang sống tại Thành phố HCM. Ai cũng ngậm ngùi.

Về Hà Nội, tôi nói lại với Tấn Định và các bạn tất cả những gì đã gặp gỡ trong chuyến đi vừa rồi. Mọi người chăm chú lắng nghe. Không ai bàn luận gì thêm.

Từ đó, hàng năm chúng tôi vẫn tới nhà chị Điểm thắp hương cho Thắng vào ngày Thắng hy sinh (14 tháng Tư âm lịch) hay ngày Thương Binh liệt sĩ 27 tháng 7.

Mỗi khi chúng tôi tổ chức gặp mặt, thể nào mọi người cũng lại kể về những kỷ niệm xưa, trong đó thể nào cũng nhắc tới Phạm Đức Thắng, Bùi Đức Lưu, Nguyễn Thanh Hà...

Có những đêm khuya, vào năm 2009, ngồi một mình bên chiếc máy vi tính, mệt mỏi quá, tôi lại nhớ tới Thắng, lại ân hận vì lần này không tới thăm Thắng được. Tự nhiên như một linh cảm, tôi như nghe thấy Thắng nói:”Tao sẽ về với chúng mày mà!” Tôi nghĩ: “Lạy trời, thật hay mơ thế này nhỉ, tao cũng chỉ mong có thế!”

Vào Tháng Tám của năm 2009 đáng nhờ ấy, khi chuông nhà tôi đổ hồi, tôi ra mở cửa thì thật bất ngờ nhận ra chị Điểm và cháu Cường. Sao chị biết nhà tôi mà tới đây, chắc phải có chuyện gì đây hệ trọng. Khi chị và cháu Cường cho biết là đã tìm thấy mộ Thắng ở tỉnh Bình Dương và ngày mai tiến hành đào để đưa Thắng ra Bắc hoặc là đào lên đưa vào nghĩa trang của địa phương vài năm sau mới đưa ra Bắc.

Tôi sững sờ không nói nên lời, cứ ngồi im nghe, không có bất cứ một phản ứng nào. Tâm trí tôi như bay đi đâu đâu, trăm mối ngổn ngang, chắp nối đủ mọi thứ để hình dung cái sự thât này như thế nào, nó quá bất ngờ và hoàn toàn toàn không trùng khớp gì với những gì tôi đã đựơc biết về địa điểm và ngày tháng Thắng đã hy sinh. Củ Chi hay Bình Dương đây, hai nơi xa nhau lắm chứ? Hy sinh trong trường hợp nào? Tên người chỉ dẫn để tìm ra Thắng xưa nay tôi chưa từng nghe tới. Mà các nhà ngoại cảm nổi tiếng tôi hầu như đều biết vì chình tôi đi tìm được mộ ông ngoại tôi mất từ 60 năm trước cũng nhờ một nhà ngoại cảm. Mấy năm nay chuyện đi tìm mộ đã thành phổ biến, nhưng cả chục năm qua việc tìm mộ Thắng đã rơi vào dĩ vãng, đột nhiên lại có chuện này, làm tôi vừa hồi hộp vừa phân vân đến khó tả. Có thể đây là một thời cơ duy nhất, thời cơ linh thiêng chăng.

Tôi tiễn chị Điểm và cháu ra về mà trong lòng vẫn chưa hết bàng hoàng. Chắc rằng sự im lặng của tôi cũng khiến cho chị Điểm và cháu Cường lấy làm lạ.

Việc đầu tiên mà tôi làm là gọi ngay điện thoại cho Tấn Định. Té ra Định cũng đã gặp hai mẹ con chị Điểm, chị và cháu đã đến nhà Định. Chúng tôi trao đổi rất nhanh với nhau và tôi đề nghị Định theo dõi thật sát sao với gia đình chị Điểm trong việc này và gọi ngay cho các bạn phía Nam hỗ trợ, nhấy là với Huệ Chí. Linh tính, tình cảm và lý trí mách bảo cho tôi rằng phân công như thế là đúng nhất. Tấn Định và Huệ Chí, họ là những người lính. Không gì thiêng liêng hơn tình đồng đội trong quân ngũ. Tôi đã nghe không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về những tình cảm giữa những chiến binh với nhau, biết bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng để tìm kiếm đồng đội của mình. Chỉ có những con người này vào cuộc thì mới thật sự có hiệu quả, thật sự tạo ra những tín hiệu mạnh để gọi Đức Thắng về với chúng ta.

Chính Tấn Định là người đầu tiên đã tìm ra địa chỉ của anh chị Thắng, để chúng tôi có được những thông tin quý báu đầu tiên về người bạn của mình. Chính tấn Định đã giới thiệu những nhà ngoại cảm để gia đình thử tìm mộ Thắng. Chính Định trong nhiều năm đã cùng tôi tới nhà chị Điểm thắp hương vào ngày giỗ Thắng. Con người này hoàn toàn có thể tin tưởng.

Nhưng còn hơn thế nữa: Chính Tấn Định trong một chuyến đi công tác, khi qua Yên Viên, lại là người đầu tiên phát hiện ra mộ Phạm Trọng Vinh. Lần ấy Định về hồ hởi báo tin cho tôi và cho biết cái bình hương trên mộ Phạm Trọng Vinh đã bị vỡ. Chuyện ấy tới tai Nguyễn Huệ. Hôm sau Huệ mang tới cho chúng tôi một gói xi măng, một chai nước. Mấy hôm sau, tôi cùng với Tấn Định lọ mọ sang Yên Viên, đem theo một cái lọ hoa mới và đồ cúng. Khi vào tới mộ Phạm Trọng Vinh thì ban nghĩa trang ở đó cũng đã thay thế cái lọ hoa vỡ bằng một cáo lọ hoa mới rồi. Thật cảm ơn sự chu đáo của ban quản lý mộ nghĩa trang liệt sĩ. Chúng tôi thắp hương cho Phạm Trọng Vinh và sau này nhiều lần chúng tôi còn qua đó, những lần sau còn có vợ con và bố vợ của Phạm Trọng Vinh nữa, và cũng như với Phạm Đức Thắng, năm nào chúng tôi cũng tới nhà vợ con của Phạm Trọng Vinh vào dịp giỗ. Với Bùi Đức Lưu cũng vậy.

Còn với Thái Huệ Chí thì khỏi phải nói, người lính đã từng bôn ba chiến trận trong những năm tháng ác liệt trên chiến trường miền Nam, luôn hết mình vì bạn bè, nhất là với đồng ngũ. Với Thái Huệ Chí thì tôi tuyệt đối tin tưởng. Tác phong làm việc, lòng nhiệt tình và những kiến thức có được ở Huệ Chí vô cùng thích hợp cho một việc trọng đại như thế này. Việc kết hợp với gia đình nhất thiết phải có hai con người này, không thể khác được. Nhưng còn hơn thế nữa, chúng tôi còn có thêm Kinh Luân (vợ chồng Kinh Luân) tình nguyện “ra quân”. Không những có mặt trong suốt thời gian tìm mộ mà ở vào những thời điểm tế nhị, chính tài giao tiếp và cách tháo gỡ có tình có lý của Kinh Luân đã góp phần không nhỏ cho thủ tục đưa Thắng ra Bắc được giải quyết êm đẹp.

Trong Nam điện ra: đã đến giờ khai quật.

Tôi lên sân gác thượng nhà tôi, thắp hương, quay về phương Nam, khấn cầu cho mọi việc thành công. Hình ảnh Đức Thắng lại hiện lên rõ mồn một trong tâm trí tôi.

Tôi tự hỏi: liệu có sự kỳ diệu như thế chăng?

Hôm sau nữa thì tin báo về: cuộc tìm kiếm đã thất bại, đã đào xới toàn bộ khu vườn, nhưng không tìm thấy gì cả.

Tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Đến như thế mà còn thất bại nữa là. Còn mong đợi gì nữa! Đêm đó, dười ánh đèn con, bên cạnh chiếc máy vi tính, tôi làm bài thơ, một bài thơ vĩnh biệt, một bài thơ tuyệt vọng:

Thế là hết, ảo mộng đà tan vỡ
Bạn xưa ôi, mãi mãi chẳng trở về
Mưa tầm tã dập tắt niềm hy vọng
Đất lại lấp lên, lạ lẫm một làng quê...!

Bọn mình hướng cả về Nam chờ đợi
Nén hương thắp lên hồi hộp, ngóng trông
Hương đã tắt, tất cả đều vô vọng
Nỗi đau này đã 41 năm!

Đâu lời nhắn hãy ra ga đón bạn
Về với quê hương về với gia đình
Tàu về đấy mà nào thấy bóng
Gọi tên bạn mình, bạn vẫn lặng thinh

Vĩnh viễn mất rồi, ơi Thắng ơi!
Vắng bặt tăm hơi bấy năm trời
Hy vọng loé lên rồi tắt ngấm
Nằm đâu Thắng hỡi, chốn xa xôi?

Các bạn mày đây tóc bạc rồi
Chẳng còn xa nữa cuối đường đời
Chẳng đón được mày thì đành vậy
Hãy đón chúng tao, cũng chóng thôi!

Đến khi năm cùng tháng tận của năm 2009, tôi lại nhận được tin từ chị Điểm là gia đình lại đi tìm mộ Thắng, lần này đã có được những chỉ dẫn mới. Cũng như lần trước, đường dây Lê Ngọc Hân của chúng tôi lập tức phát sóng, Tấn Định lại gọi cho Huệ Chí, Kinh Luân ở Sài Gòn, Bình Dương lên đường. Các bạn ấy đều đã sẵn sàng. Chúng tôi giữ vững liên lạc với nhau từng ngày, thậm chí có khi từng giờ. Còn nước còn tát, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ của mình tới cùng.

Thắng hiện về, qua lần gọi vong, đã nhắn cho chúng tôi:”Khi mình về, các bạn hãy ra ga đón mình!”

Cuối cùng, vào lúc 4 giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 2009 con tàu từ phương Nam ra từ từ dừng bánh ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội, mang theo di hài của Phạm Đức Thắng. Chúng tôi, những bạn học cũ, đã ra ga đón, đúng theo lời dặn dò của Đức Thắng.

Phần còn lại, những diễn biến cụ thể của những đợt tìm mộ đã được Kinh Luân hồi ức lại trong những chương sách tuyệt hay “Đường về quê mẹ”, “Bao giờ cho đến tháng 10”... cùng những bài của Huệ Chí, Tấn Định, mời các bạn cùng đọc tiếp.

Viết những dòng này, tôi và các bạn tôi xin gửi tới gia đính Phạm Đức Thắng lòng biết ơn sâu sắc vì sự kiên trì và lòng quyết tâm vô bờ để đưa được Đức Thắng, bặt vô âm tín trong hơn 40 năm, về với quê cha đất tổ, thể hiện những tình cảm thiêng liêng trong gia tộc với người đã khuất và cũng để chúng tôi, những người bạn học xưa của Phạm Đức Thắng thoả lòng mong ước.

Xin nói lời cảm ơn tới những người bạn của chúng ta đã tận tình đồng hành cùng gia đình Phạm Đức Thắng trong cuộc hành trình tìm kiếm này, mà nổi bật là Thái Huệ Chí, vợ chồng Nguyễn Kinh Luân và bạn Nguyễn Tấn Định, người hết lòng vì đồng đội trong mọi trường hợp.

Ở đây cũng phải nhắc tới công lao vô cùng to lớn của các nhà ngoại cảm (bây giờ người ta tạm dùng danh từ này), những người ngoài khả năng siêu phàm, còn có một tấm lòng cao cả, một tình nhân ái, bao dung đáng khâm phục, như bà Nguyện trong trường hợp này. Nói rộng ra, chính họ đã trả lại cho biết bao nhiêu gia đình những người cha, người chồng, người con, người anh em, người đồng đội đã ngã xuống, về với gia đình, đoàn tụ với người thân, làm vợi đi biết bao nhiêu nỗi đau thương, hờn tủi, khắc khoải... Chính họ là những người đã phát hiện những gì người đời không phát hiện, như trường hợp Phan Thị Bích Hằng tìm ra nấm mộ tập thể khổng lồ ở Knak, mà do vô tình hay cố ý đã bị lãng quên trong chừng ấy năm. Hàng năm, bảy trăm liệt sĩ đã hy sinh trong một trận đánh ấy sẽ mãi mãi bị chôn vùi trong vô danh, hàng nghìn gia đình còn mãi mãi đau đớn khôn nguôi, nếu không có sự tận tâm kỳ lạ của một nhà ngoại cảm mà họ chưa hề quen biết...

Đức Thắng yêu quý,

Bây giờ Thắng đã về tới quê hương, cũng là đang ở bên cạnh chúng mình đây. Chỉ cần đi một chuyến xe bus hay xe máy về Đông Mỹ là sẽ thăm được Thắng.

Bia mộ Thắng đẹp đẽ, rõ ràng, có cả ảnh khắc trên bia đá. Chúng mình thắp hương, trò chuyện với Thắng, đưa bánh cho Thắng ăn, đốt thuốc lá cho Thắng hút... Phải chăng trong bây nhiêu năm, ngoài gia đình và người thân ra, Thắng cón có cả một tập thể bạn học Lê Ngọc Hân thời ấy, luôn nhớ tới Thắng với tình cảm yêu quý, thân thương, luôn mong đợi Thắng trở về. Biết đâu chính tất cả những điều ấy mà Thắng không thể nằm mãi nơi đất khách quê người được, nó góp phần thôi thúc Thắng trở về chăng?

Và kỳ diệu thay, vào một ngày mùa Đông của năm 2009 đáng nhớ, điều ấy đã thành sự thật!

CHÂU TẤN

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết