LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Ngô Như Ý - Những kỷ niệm không thể nào quên

Go down

Ngô Như Ý - Những kỷ niệm không thể nào quên Empty Ngô Như Ý - Những kỷ niệm không thể nào quên

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 11:24 am

NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Hơn nửa thế kỷ trước đây, vào năm 1956, khi ấy tôi còn là một cô bé 9 tuổi, tôi được nhận vào học tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân ở phố Lò Đúc, Hà Nội.

Nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, tôi không thể nào quên mái trường Lê Ngọc Hân của tôi, của các bạn bè tôi.

Nơi ấy, tôi và các bạn đã lớn lên với sự dạy dỗ ân cần và tình thương yêu rất mực dịu hiền của các thầy cô.

Quê tôi ở Hà Tĩnh, nhưng tôi đã sống ở Hà Nội từ những ngày còn thơ bé. Mái trường Lê Ngọc Hân đã thực sự là cái nôi tinh thần trong cuộc đời tôi. Tôi được nhận vào học lớp của cô giáo Thịnh. Đó là một cô giáo mẫu mực, hết lòng tận tâm với học sinh. Nhớ cô, tôi nhớ mãi tà áo dài duyên dáng, mềm mại của cô - người phụ nữ Hà Thành nhẹ nhàng, thanh lịch, mang đậm nét tinh tế của người phụ nữ trí thức, yêu nghề, yêu trẻ.

Một năm sau đó, tôi vào lớp của cô Phạm Kim Sa. Cô như một người mẹ hiền. Cô để lại trong tâm trí và tình cảm của tôi những ấn tượng thật sâu sắc và lâu bền. Khi còn thơ bé, tôi cũng như các bạn luôn cảm thấy các cô giáo của mình như người mẹ. Ấm áp tình thương yêu, dịu hiền trong lời nói, trong ánh mắt và trong nụ cười. Các cô giáo đã dạy dỗ chúng ta không chỉ bằng sự hiểu biết, sự cẩn thận và chu đáo mà còn bằng cả tình cảm và tâm hồn của mình. Tôi đã nghĩ như vậy khi vào tuổi lớn khôn và trưởng thành. Những năm tháng được làm học trò của các thầy cô là những năm tháng hạnh phúc trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Tôi đã chọn nghề dạy học bởi tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các cô giáo kính yêu của tôi như cô Thịnh, cô Sa - những người thầy mà tôi ngưỡng mộ và biết ơn vô hạn, những người mẹ có trái tim nhân hậu.

Tạm biệt mái trường Lê Ngọc Hân trong những năm Tiểu học (cấp 1), tôi vào trường Trung học cơ sở (cấp 2) Trưng Vương và trường Phổ thông trung học (cấp 3) Lý Thường Kiệt rồi sau đó tôi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Cũng như các bạn, đó là những chặng đường mà chúng ta đã đi từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành.

Mái trường nào cũng là tổ ấm, đầy ắp kỷ niệm hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò. Dưới những mái trường ấy, chúng ta có bao nhiêu thầy cô và bạn bè. Nhưng mái trường Lê Ngọc Hân sao lại thân thương trìu mến và sâu nặng tình nghĩa với tôi đến thế. Nó như bến đậu, neo giữ trong tâm hồn tôi những kỷ niệm không thể nào quên.

Tôi có khoảng thời gian gần 30 năm trong nghề dạy học với rất nhiều bạn bè đồng nghiệp và các thế hệ học trò mà tôi yêu quý. Thời gian càng lùi xa, tôi càng cảm nhận thấy những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với mái trường tuổi thơ Lê Ngọc Hân của tôi sâu nặng và có ý nghĩa đến như thế nào.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội giữa những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, tôi và các bạn tôi hồi đó, với nhiệt huyết tuổi 20, đã xung phong về dạy học ở nông thôn tại huyện Đông Anh, vùng xa nhất của ngoại thành Hà Nội. Tôi được cử về dạy tại trường cấp 2 Vân Hà, một trong những xã xa nhất và nghèo khó nhất của huyện Đông Anh lúc bấy giờ. Tôi nhớ mãi về ngôi trường ấy, về lứa học sinh đầu tiên trong cuộc đời dạy học của tôi. Đó là mùa thu năm 1968, lúc chiến tranh đang rất ác liệt, cách đây đã 42 năm.

Tôi đã dạy học ở xã Vân Hà và xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh gần 6 năm, sau đó được chuyển về Hà Nội.

Thật bồi hồi, xúc động khi tôi tạm biệt một vùng quê với tình cảm lưu luyến, chân thành của đồng nghiệp và học trò trong một thời gian khổ nhưng rất đỗi tự hào.

Và tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi trở về Hà Nội tôi lại cử về dạy học tại trường Lê Ngọc Hân, bắt đầu từ năm học 1974-1975. Tôi đã giảng dạy tại ngôi trường này đúng 10 năm. Có ngờ đâu tôi lại may mắn như vậy.
Tôi xúc động đến nghẹn ngào khi gặp lại cô giáo Phạm Kim Sa của tôi. Tôi dạy Văn và cô giáo Phạm Kim Sa dạy Toán tại lớp mà tôi làm chủ nhiệm. Cô đã ân cần dìu dắt tôi trong những buổi đầu bỡ ngỡ và lúc nào cô cũng dành cho tôi tình cảm của một người Thầy, người đồng nghiệp lớn đi trước, hơn thế nữa, đó còn là tấm lòng của người mẹ hiền mà tôi vô cùng kính trọng, biết ơn và yêu thương.

Các bạn yêu quý của tôi, chúng ta sung sướng và tự hào đã có một thời thơ ấu êm đềm dưới mái trường Lê Ngọc Hân.

Niềm sung sướng, hạnh phúc của riêng tôi còn nhân lên gấp bội, khi tôi trở lại ngôi trường này, từ một học sinh nay trở thành cô giáo. Tình nghĩa Thầy - Trò, tình bạn đồng nghiệp sâu nặng biết chừng nào.

Tại đây, suốt 10 năm đứng trên bục giảng, tôi được sống trong môi trường đồng nghiệp thân ái và đầy tin cậy với những tấm gương sáng của những Thầy - Cô tâm huyết với nghề. Trong trí nhớ của tôi hiện lên tất cả - cô Thái Hà, thầy Nông Ích Doãn - thầy Nguyễn Tô, cô Phan Thị Ninh, cô Nguyễn Thị Tân, cô Phùng Mỹ Ngọc, cô Lệ Hằng, cô Minh Tâm, cô Mai Ánh Tuyết và nhiều thầy cô khác. Trong số các bạn bè đồng nghiệp của chúng tôi, còn có thầy Lê Dũng Nhi mà sau này đã trở thành diễn viên điện ảnh rất ấn tượng trong nhiều vai diễn.

Tôi thương mến và tự hào về các anh chị, các bạn bè đồng nghiệp của mình. Tôi đặc biệt trân trọng, nâng niu kỷ niệm về tình thầy trò và đồng nghiệp với cô giáo Phạm Kim Sa của tôi.

Tôi muốn nói ở đây, tự đáy lòng những tình cảm biết ơn và kính trọng với cô. Em cảm ơn cô rất nhiều về tất cả những gì cô đã dành cho em. Em đặc biệt cảm ơn cô bằng tình yêu nghề, yêu người, cô đã truyền cho em, đã đưa em đến với nghề dạy học và có hạnh phúc được ở gần cô. Em coi cô như người Mẹ và tình cảm của em với cô mãi mãi và mãi mãi như tình yêu của con gái nhỏ với Mẹ dịu hiền, vị tha, nhân hậu.

Tôi yêu quý và thương nhớ các em tôi - những học trò bé nhỏ hồi nào, hồn nhiên, tinh nghịch nay đã khôn lớn, trưởng thành - trong số đó, nhiều em đã thành đạt, đã có hạnh phúc gia đình - Cao Thái Bình, Cao Thu Mai, Trịnh Bảo Trâm, Phạm Nguyệt Linh... và nhiều em khác nữa.

Cô yêu quý và thương nhớ tất cả các em. Cảm ơn mái trường Lê Ngọc Hân thân yêu, cảm ơn các thầy cô, các bạn bè đồng nghiệp và tất cả các em học sinh mà tôi từng dạy dỗ, yêu quý và tin cậy.

Nói bao nhiêu lời cảm ơn cũng là không đủ, nhất là với các thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt chúng ta.

Tôi xin dẫn lời của đại thi hào Ấn Độ Ta-Go-Rơ để một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng và mãi mãi yêu quý các thầy cô:

“Giáo dục một người đàn ông được một người,
Giáo dục một người đàn bà được cả gia đình
Giáo dục người Thầy được cả một thế hệ”

Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 2010
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam

NGÔ NHƯ Ý

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết