LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÔ NGỌC OANH: CÁI THUỞ BAN ĐẦU

Go down

CÔ NGỌC OANH: CÁI THUỞ BAN ĐẦU Empty CÔ NGỌC OANH: CÁI THUỞ BAN ĐẦU

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 12:05 am

CÁI THUỞ BAN ĐẦU...
CÔ NGỌC OANH: CÁI THUỞ BAN ĐẦU Co_ngo10

Tôi chỉ có 2 năm dạy học tại trường cấp 1, 2 Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhưng đó là quãng thời gian rất có ý nghĩa, nó đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm mãi cho đến tận bây giờ.

Tháng 9 năm 1960 tôi cầm quyết định của Sở Giáo dục Hà Nội về bổ sung giáo viên dạy văn lớp 7 cho trường. Hai mươi hai tuổi đời, lần đầu tiên tôi vào nghề, tôi có nhiều cảm giác lẫn lộn: mừng vì được làm việc tại quê nhà, gần gũi gia đình (trong khi rất nhiều bạn cùng lớp với tôi phải đi xa), nhưng cũng không vui vì mình phải làm một nghề mà mình không yêu thích. Cánh sinh viên Đại học Tổng hợp chúng tôi ngày ấy, ai cũng mơ mộng sẽ được làm một cán bộ nghiên cứu gì đó rất oách kia!!

Trường Lê Ngọc Hân nằm ở đầu phố Lò Đúc vốn là một trường tiểu học được xây dựng từ thời thuộc Pháp. Ngày ấy trường chỉ có một ngôi nhà hai tầng lợp ngói có 6 phòng học chính và 2 phòng đầu hồi hẹp hơn được tận dụng làm lớp học. Đầu phía trong là một căn nhà cấp 4 nhỏ dành cho bác gác trường - bà Mạc, tiếp đến là một sân đất chạy dài, được ngăn một khoảng làm vườn trường. Phía trước hành lang lớp học là hai cây cổ thụ toả bóng mát xuống sân trường. Tất cả nho nhỏ, xinh xinh nhưng ngăn nắp, thân thương, ấm cúng.

Đó là năm đầu tiên, nhà trường có 6 lớp cấp 2 học buổi sáng, buổi chiều vẫn dành cho cấp 1, chị Tô Thị Hiền làm hiệu trưởng, chị Vũ Thị Chúc làm bí thư chi bộ Đảng kiêm hiệu phó, bác Tâm Hòa làm hiệu phó phụ trách cấp 1.

Tôi được phân công dạy một lớp văn 7, một lớp văn 5, hai lớp địa 7, chủ nhiệm lớp 7B (lớp 7A do chị Vũ Lục Vi, vợ giáo sư Trần Hữu Tước làm chủ nhiệm dạy văn).

Tôi chỉ có một mớ kiến thức văn học được trang bị ở Đại học, kiến thức Địa lý ở cấp 3, không được học tâm lý, giáo dục học, không học giáo học pháp bộ môn... Nhưng như cha ông mình đã dạy "cờ đến tay thì phất", "Đi một ngày đàng ..." tôi vẫn say sưa lao vào chuẩn bị bài giảng và lên lớp. Tôi 'uống thuốc liều" vì lớp 7 là lớp cuối cấp đi thi mà tôi thì chẳng biết gì nhiều về cách luyện thi cả. Ngày ấy chúng tôi sinh hoạt chuyên môn liên trường "Trưng Vương và Lê Ngọc Hân", tôi học tập kinh nghiệm của nhóm văn Trưng Vương (lúc ấy do chị Vũ Bội Trâm, vợ nhà thơ Phùng Quán làm nhóm trưởng). Cứ thế, một thời gian sau, tôi đã cảm thấy mình đứng được trên lớp học và hình như cũng được học sinh yêu mến, tin cậy. Lứa học sinh ngày ấy sao mà đáng yêu ! Các em, dù một số là con em cán bộ có chức có quyền nhưng thật hồn nhiên, giản dị, ngoan hiền tuy vẫn hiếu động, nghịch ngợm đúng với lứa tuổi nhưng rất biết nghe lời và chăm học.

Thầy trò chúng tôi ngoài dạy và học, cũng hoạt động ngoại khóa ra trò: ra báo tường, văn nghệ hát, múa, kịch rất say sưa náo nức. Trong rất nhiều kỷ niệm nho nhỏ, có hai kỷ niệm là tôi nhớ hơn cả, nó gắn với một trò và một thầy.

Trong một lần làm báo tường kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến, Lưu Quang Vũ đã viết một chuyện ngắn kể lại một kỷ niệm buồn về một người bạn trong ngày hòa bình đầu tiên và tham gia trang trí tờ báo. Tôi không hỏi đó là chuyện thực hay hư cấu nhưng đó là lần đầu tiên tôi biết rõ năng khiếu văn học của Vũ. Về sau, thầy trò tôi còn có một số lần gặp mặt thân thiết nữa. Trong số vô vàn sáng tác nổi tiếng của Vũ, tôi vẫn thích nhất những vần thơ của em trong tập "Hương cây - Bếp lửa" in chung với Bằng Việt.

Cuối năm học, thầy trò khênh bàn ghế ra sân trường làm sân khấu để biểu diễn văn nghệ. Không chỉ có trò mà cả các thầy cô cũng lên ngâm thơ, đàn hát. Buổi ấy, thầy Phạm Cát Tường (dạy văn) đã kéo đàn violon đệm cho tôi hát "Bài ca hy vọng". Tôi nhớ mãi kỷ niệm đó vì sau đó mấy năm tôi nghe tin anh Tường bị trúng bom Mỹ ở ngay trụ sở Phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng. Ngày đưa anh đi tôi ở nơi sơ tán, không về tiễn anh được.

Về công tác chủ nhiệm, tôi đặt cho mình nhiệm vụ phải hiểu các em càng nhiều càng tốt mới hy vọng làm công tác giáo dục có hiệu quả. Vì vậy tôi tranh thủ những ngày nghỉ đi thăm nhà các em, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc có vấn đề gì đặc biệt. Ngày ấy việc đi thăm nhà học sinh là bình thường và rất vô tư. Nhờ những buổi đi thăm ấy, tôi thấy mình hiểu biết thêm được rất nhiều điều và có một số gia đình, một số học sinh tôi vẫn nhớ được tới bây giờ. Công tác chủ nhiệm của tôi cũng bình thường. Có một kỷ niệm nhỏ ngày nay tôi vẫn nhớ. Lớp tôi chủ nhiệm có một em nữ sinh tên là Đ T H. Em học rất khá, chữ viết đẹp, có điều em ít nói, nét mặt lúc nào cũng buồn. Tôi đến nhà em để biết lý do. Em tâm sự muốn thôi học. Một buổi trưa tan học tôi giữ em ở lại trường, thầy trò ngồi dưới gốc cây tâm sự. Chuyện khá dài tôi không còn nhớ rõ, nhưng đến lúc ra về, thầy trò đều rơm rớm nước mắt. Em Đ T H sau đó tiếp tục đi học và cuối năm đã thi đỗ tối nghiệp cấp 2. Sau này, tôi không bao giờ có dịp gặp lại Đ T H nữa, giờ đây chắc chắn em đã ở tuổi 60 rồi. Em ở phương trời nào? đôi lúc tôi vẫn mong gặp lại.

Hết hai năm học, tôi được Bộ giáo dục điều đi dạy ở trường Bổ túc công nông trung ương. Tôi còn chuyển đi hai trường nữa rồi cuối cùng chuyển đến Trường Cao đẳng Sư phạm rồi trụ lại đó cho đến ngày về hưu. Như thế là tôi đã dành trọn ba mươi ba năm của cuộc đời mình cho nghề dạy học. Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không rõ tự lúc nào, mình không còn ao ước làm một nghề gì khác ngoài nghề dạy học. Chắc chắn hai năm dạy ở trường Lê Ngọc Hân đã góp phần quan trọng làm nên tình cảm nghề nghiệp sâu sắc cho tôi.

Cho tới một ngày cách đây 5 năm, tôi đột nhiên được mời tới dự cuộc họp mặt cựu giáo viên và học sinh trường Lê Ngọc Hân. Ban tổ chức là những học sinh cũ của trường. Ai là người đầu tiên nghĩ ra sáng kiến này tôi không rõ. Đã mấy chục năm trôi qua rồi, để làm được một việc như thế phải có một tấm lòng, một tình cảm mãnh liệt và rất nhiều công sức. Tôi đã rất vui mừng tới dự. Đồng nghiệp của tôi, người đã mất, người còn sống thì tóc đã bạc, sức khoẻ đã giảm sút rất nhiều. Trò cũng thay đổi rất nhiều. Ngày xưa họ là những thiếu niên nhí nhảnh đeo khăn quàng đỏ. Ngày nay nhiều em tóc đã bạc, đã nghỉ hưu, đã "lên chức ông, bà" Thầy trò tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi đã chảy nước mắt cảm ơn trò. Nhớ các em tôi thấy yêu trò hơn, yêu người hơn; sự thủy chung của các em làm lòng tôi vô cùng ấm áp.

Từ đó, năm nào thầy trò tôi cũng gặp nhau. Thỉnh thoảng có chuyện gì vui buồn cũng liên lạc với nhau để cùng chia sẻ. Chắc chắn những người học trò đầu tiên ấy và những cuộc gặp mặt với các em đã và sẽ đem lại cho tôi niềm vui không gì thay thế được ở tuổi hoàng hôn của cuộc đời mình.

Tháng 11 năm 2006
CÔ GIÁO ĐỖ NGỌC OANH

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết