LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trường Lê Ngọc Hân

Go down

Trường Lê Ngọc Hân Empty Trường Lê Ngọc Hân

Bài gửi  Admin Thu Nov 25, 2010 10:30 am

TRƯỜNG LÊ NGỌC HÂN
Trường Lê Ngọc Hân Truong10

Trường Lê Ngọc Hân nằm ở số nhà 41 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng thuộc Thủ đô Hà Nội.

Phố Lò Đúc thẳng tắp, hai bên đường là hai hàng cây sao cao vút, tán lá bên trên rộng giao nhau, bốn mùa tươi tốt, tạo thành những vòm lá xanh khiến đường phố lúc nào cũng râm mát, dễ chịu, nhất là vào mùa hè. Bên trên vòm lá xanh, năm xưa vô số cò các nơi về làm tổ, sinh sôi nảy nở. Những cánh cò trắng vút lên, đậu xuống xào xạc ngày đêm giữa lòng thành phố tạo nên nét đôc đáo hiếm có. Có lẽ ai mà chẳng có gốc gác từ những làng quê, nơi có những cánh đồng lúa mênh mông, cây đa bến nước và nhất là những cánh cò trắng phau là là trên biển lúa hay tung cánh vút cao trên bầu trời xanh biếc hoặc trong ánh hoàng hôn vàng rực mỗi chiều về.

Ngày nay cò không còn nữa, những vòm lá cũng không còn ken dày rậm rạp như xưa, nhưng những kỷ niệm về “phố cò” chắc chắn vẫn chưa phai mờ trong ký ức của nhiều người.

Trường được người Pháp xây dựng năm 1921, vào loại sớm nhất Hà Nội cùng với các trường Albert Saro, trường Thanh Quan,... Lúc đầu nó mang tên Pháp.

Thời Pháp các trường nam sinh và nữ sinh học tách biệt nhau. Trường Lê Ngọc Hân vốn dành cho nữ sinh, có lẽ vì vậy mà kiến trúc của trường rất nền nã, thanh lịch. Dù đã trải qua hơn 85 năm nhưng cho tới tận năm 2005, trường hầu như còn nguyên vẹn. Các hàng gạch trang trí, cửa chính, cửa sổ vẫn như xưa.

Tất cả, từ cầu thang, bàn ghế, các loại cửa... đều được làm từ gỗ lim đen tuyền. Có lẽ ít trường được làm tất cả bằng thứ gỗ quý như thế. Thời gian cứ thế trôi qua nhưng cũng chưa thấy có hiện tượng mối mọt. Đến nỗi chiếc cầu thang duy nhất, với hàng triệu lượt chân học sinh bước lên, chạy xuống rầm rập hết năm này qua năm kia, ngót một thế kỷ, mà vẫn giữ được chất gỗ bền lạ lùng.

Trường gồm hai tầng, chưa kể một tầng hầm phía dưới. Mặt tiền của trường quay về hướng Nam, mùa hè mát mẻ còn mùa đông tránh được gió bấc hun hút thổi về. Hành lang qua các lớp rộng rãi, đến giờ ra chơi, học sinh các lớp cùng ùa ra mà vẫn không bị chật chội. Cửa hành lang, cửa sổ từng lớp đều rất rộng, trần cao thoáng, mái lợp ngói. Trường có 2 phòng lớn đầu hồi. Phòng lớn phía dưới là phòng Ban giám hiệu, phòng lớn phía trên là lớp học. Còn lại là 8 phòng nhỡ. Mỗi phòng kê hai dãy bàn. Đó là những chiếc bàn dài, mặt bàn hơi dốc, phía trên có những lỗ tròn nho nhỏ để đặt những lọ mực viết bằng sứ tí tẹo. Thuở xưa, học sinh đi học còn phải mang lọ mực theo, về sau người ta đặt vào lỗ đó những lọ mực, hàng ngày các cô các cậu học trò trực nhật tới sớm có nhiệm vụ rót mực tím vào. Tất cả học trò vào thời đó (những năm 50 - 60 của thế kỷ trước) đều viết bằng bút mực, khi đó còn gọi là bút là tre, cán bút và ngòi bút tách riêng, khi ngòi bút cùn thì thay ngòi bút khác. Chữ viết của các thầy cô và học sinh thời đó thường nắn nót, chuẩn mực, đẹp, cả khi viết trên bảng đen cũng như khi viết vào vở. Nhiều thấy cô và học sinh viết chữ đẹp lạ thường.

Trường có hai sân rộng: sân dưới và sân trên, sân dưới có hai cây cổ thụ to, bóng chẻ râm mát cả sân, Mùa thu đến, lớp lớp lá vàng li ti rơi xuống, vàng ối cả mặt sân trường. Sân làm nơi cho học sinh vui chơi thoả thích trong giờ ra chơi, cũng là nơi diễn ra những nghi thức học đường, những lễ khai giảng đông vui, những buổi liên hoan văn nghệ tưng bừng hàng năm.

Bước lên mấy bậc đá xanh là sân trên. Sân này hoàn toàn để trống cho học sinh vui chơi, thể dục, thực hành, sân trên còn có một vườn thực vật ở phía góc, trồng đủ loại cây, tiếp giáp với một bức tường thấp ngăn cách với các khu nhà dân lân cận.

Với số trường học ít ỏi của Hà Nội vào những năm đầu của thế kỷ 20, trường có quy mô kiến trúc như thế, chắc chắn nó phải là một niềm tự hào của dân cư quanh vùng. Phố Lò Đúc ngày ấy nhà cửa còn nhỏ bé, thưa thớt, không có nhà tầng, chưa đông đúc, nhộn nhịp như bây giờ thì ngôi trường tự nhiên nổi bật trên đường phố. Sự học thời bấy giờ chưa phải đại trà được như bây giờ, thời mà các bé gái còn ít được tới trường, thì trường nữ sinh này gây một ấn tượng không nhỏ về một nền học thức văn minh mới và một minh chứng rõ ràng về sự bình đẳng giữa nam sinh và nữ sinh. Chắc chắn các nữ sinh được vào trường này không khỏi cảm thấy sung sướng và hãnh diện.

Theo những gì còn biết được, khi mới thành lập trường mang tên Pháp, như hầu hết các trường được xây dựng thời bấy giờ, từ năm 1921 cho tới năm 1930 hiệu trưởng của trường là người Pháp. Người dân quanh vùng, phần đông là những người làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ, giống như ở một thị trấn con con vậy, họ không chú ý lắm tới cái tên Pháp mà thường thường gọi trường bằng cái tên Việt thân mật, dân dã: trường tiểu học Lò Đúc.

Khoảng từ sau năm 1930, lần đầu tiên một phụ nữ Việt Nam được thay người Pháp làm hiệu trưởng. Đó là một bà giáo có tên là Trịnh Thục Oanh. Ngày nay còn quá ít tư liệu về bà, nhưng được biết hồi đó, để làm được hiệu trưởng, chắc chắn bà Thục Oanh phải là người có đủ trình độ học vấn, uy tín và đức độ. Người Pháp có nền văn hóa khá cao, nên việc họ chọn người làm hiệu trưởng một trường như thế ắt là phải kỹ càng. Hơn thế nữa, trước khi làm hiệu trưởng trường này bà Thục Oanh còn đang làm hiệu trưởng một trường khác cũng khá nổi tiếng là trường Bơrie (sau này đổi tên là trường Thanh Quan, dân dã gọi là trường Hàng Cót vì nằm trên phố Hàng Cót). Như vậy, bà giáo Thục Oanh làm hiệu trưởng cùng một lúc hai trường.

Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 trường thay tên Pháp bằng tên công chúa Lê Ngọc Hân, người vợ hiền của Hoàng đế Quang Trung, vị anh hùng vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử cứu nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam. Lê Ngọc Hân cũng được mãi mãi ghi danh vào sử sách nước nhà bởi bà còn là người phụ nữ tài hoa, đức độ, giỏi văn chương, thơ phú. Trong số tác phẩm của bà còn được lưu giữ tới bây giờ, có bài “Ai tư vãn” nổi tiếng với câu thơ “Mới hay áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước xiết bao công trình...”. Lê Ngọc Hân qua đời khi còn quá trẻ, chưa tới 30 tuổi. Tiểu sử của bà khiến người đời đều tiếc thương.

Tên trường Lê Ngọc Hân được giữ mãi cho tới ngày nay.

Từ năm 1947 đến năm 1952, Thủ đô bị tạm chiếm, trường đóng cửa và trở thành nơi đóng quân của lính Pháp.

Từ năm 1953, trường mở cửa trở lại. Hiệu trưởng là bà giáo Giếc. Cho tới nay về bà giáo Giếc chúng ta cũng chưa được biết gì nhiều. Tiện đây cũng xin nói thêm, nếu ai biết thêm những gì thuộc về lịch sử trường Lê Ngọc Hân, về các thầy cô giáo, về học sinh, về những biến cố của trường, xin vui lòng cho chúng tôi biết để bổ sung, xin trân trọng cảm ơn trước.

Ngày 10 tháng 10 năm 1954 Thủ đô giải phóng, trường tiếp tục nhận học sinh. Từ năm 1955 đến năm 1960 Lê Ngọc Hân vẫn là trường tiểu học (từ lớp 1 tới lớp 4) do cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hòa làm hiệu trưởng.

Khoảng từ năm 1958-1959 trường bắt đầu nhận cả nam sinh vào học.

Từ năm học 1960-1961 trở đi trường gồm cả trường cấp 1 và cấp 2 theo hệ 7 năm. Cô giáo Tô Thị Hiền nguyên là giáo viên của trường Trưng Vương về làm hiệu trưởng trường Lê Ngọc Hân. Lúc này nam sinh trong trường đã khá đông.

Lê Ngọc Hân là trường có tiếng chăm ngoan.

Trường có một đội ngũ các thầy cô gương mẫu, dạy giỏi, hết lòng vì học sinh. Các giáo viên lúc đó đều sống rất gần gũi cởi mở với học trò mình. Với gia đình của học sinh thì mối quan hệ ấy càng thân thiết, gắn bó. Cho tới ngày nay, dù tất cả các học sinh cũ của trường đã trưởng thành, thành đạt, nhưng hình ảnh các thầy cô trong những năm tháng ấy vẫn mãi mãi thân yêu, mỗi thầy cô đều để lại những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong lòng các học trò của mình.

Từ năm học 1963-1964 trở đi trường Lê Ngọc Hân chỉ còn cấp 1 (các học sinh lớp 5 và lớp 6 chuyển sang các trường Vân Hồ và Lương Yên)
Trong thời kháng chiến chống Mỹ, học sinh trường Lê Ngọc Hân đi sơ tán, học ở các nơi xa xôi.

Năm 1973 trường lại tiếp tục mở, là trường cấp 1 và cấp 2 (tức là trường tiểu học và trung học cơ sở) cho tới bây giờ. Trên sân trường phía trên đã xây thêm một ngôi trường mới cao tầng, có nhiều lớp học, số học sinh tăng lên gấp bội.

Từ năm 1997 tách riêng thành 2 trường: Tiểu học (buổi chiều) và Trung học cơ sở (buổi sáng). Tính tổng số học sinh của cả hai trường thì có khoảng 3000 học sinh đang hàng ngày theo học và khoảng 150 thầy cô giáo, cán bộ viên chức.

Từ ngày đó cho tới nay, trường Lê Ngọc Hân vẫn tiếp tục giữ gìn được truyền thống tốt. Các thầy cô và học sinh các thế hệ sau đã phấn đấu không ngừng, làm vẻ vang cho tên tuổi nhà trường. Đã có nhiều nhà giáo ưu tú, giáo viên xuất sắc, học sinh tiêu biểu xuất hiện dưới mái trường này. Trong ba thập niên qua, từ năm 1980 cho tới năm 2001 nhà trường đã được Nhà nước ba lần trao tặng các Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất.

Chúng ta gửi gắm những tình cảm thương yêu trìu mến tới các thế hệ học sinh nối tiếp sau này, nhiều học sinh chăm ngoan, giỏi giang, có nhiều em là học sinh tiêu biểu, xuất sắc.

Sau năm học 2004 - 2005 toàn bộ ngôi trường Lê Ngọc Hân xưa đã không còn nữa. Năm học 2005 - 2006 học sinh và thầy cô sơ tán đi học tập ở một nơi khác, khá xa và khá vất vả. Trong một năm ấy, một ngôi trường mới hoàn toàn đã mọc lên trên nền trường cũ. Năm học 2006 - 2007 học sinh bước vào các lớp học mới ở ngôi trường 4 tầng cao vút, bề thế. Nhà kiến trúc sư nào đó khi thiết kế trường mới cũng đã giữ lại được những nét kiến trúc xưa của trường, nên khi bước chân vào ngôi trường mới ta như vẫn còn thấy bóng dáng của ngôi trường xưa.

Các cựu học sinh Lê Ngọc Hân ngày nay gồm phần lớn học tại trường từ năm 1955 cho tới năm 1963

Sau năm 1963 học sinh Lê Ngọc Hân được chia tới nhiều trường. Vào những năm cuối cấp 3 thì chiến tranh ở miền Bắc bùng nổ. Một số lên đường nhập ngũ, một số vào thanh niên xung phong, một số bạn đi làm, một số bạn tiếp tục học lên...

Vào khoảng những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70 hầu như tất cả đều đã vào đời, bước vào cuộc sống, cuộc chiến đấu thật sự, công tác tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học, các đơn vị bộ đội, quốc phòng, quân y, các viện nghiên cứu... Một số làm việc, chiến đấu ở các tỉnh khác, ở những vùng xa, ở miền Nam...

Đó là những năm gian khổ nhất: Chiến tranh ác liệt trên cả hai miền đất nước, một số bạn trực tiếp chiến đấu. Số còn lại sống và lao động dưới bom đạn, đời sống vô cùng gian nan thiếu thốn. Năm 1972 là một năm vô cùng ác liệt khi máy bay B52 của Mỹ đánh trực tiếp và ném bom rải thảm vào Thủ Đô.

Đến năm 1975 hòa bình lập lại, chúng ta đều đã trên dưới 30, phần lớn đã có gia đình và tất cả lại bước vào thời kỳ bao cấp, tem phiếu, cấm chợ ngăn sông, đó là chưa kể cuộc chiến lại bùng phát ở biên giới Tây Nam và tiếp theo đó là cuộc chiến ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Việt Nam bị cấm vận trong suốt 10 năm liền. Kinh tế khốn đốn, lạm phát tăng vùn vụt, hầu như không có giao lưu với thế giới.

Lại phải qua những năm tháng vất vả cam go bởi lúc đó hầu hết các bạn đều phải nuôi nấng con nhỏ và khi ấy bố mẹ mình cũng bước vào tuổi già.
Nói như thế để thấy cả một thế hệ chúng ta, nếu sinh ra từ những năm 1945 tới 1949 thì trong suốt 45 - 50 năm tiếp theo (tức là phần lớn cuộc đời) đã trải qua liên tục chiến tranh, liên tục những thời kỳ khó khăn, vất vả thăng trầm nhất của đất nước. Đó là một đặc điểm mà ít có cả một thế hệ nào trên một đất nước nào trên thế giới phải hứng chịu

Ôn lại cả một khoảng thời gian dài như thế, để có một cái nhìn tổng quát về toàn bộ cuộc đời của mình từ lúc còn ấu thơ trong vòng tay cha mẹ, cho đến hôm nay, khi mái tóc đã điểm sương. Nhắc tới như thế để thêm nhớ thương các bạn đã hy sinh từ khi còn rất trẻ.

Nhắc tới như thế để các thế hệ sau, lớp con cháu của chúng ta, biết được những gì cha mẹ, ông bà chúng đã trải qua.

Cho đến hôm nay, chúng ta có thể tự hào nói với các thầy cô giáo của mình rằng: chúng em đã lớn lên, vượt qua thử thách, đã trở thành những con người hữu ích, không phụ công lao dạy dỗ của các thầy cô.

Phải đến đầu những năm 90, tình hình mới sáng sủa hơn, cuộc sống được cải thiện và cởi mở hơn. Như suối chảy về sông, sông đổ ra biển cả.

Sau hơn 40 năm, các thầy cô và các cựu học sinh Lê Ngọc Hân tổ chức cuộc họp mặt toàn thể. Từ ngày đó hình thành “Lớp cựu học sinh Lê Ngọc Hân”, gặp mặt đều đặn hàng năm.

Không phải chỉ có học sinh của những năm 50 - 60 mà một số các bạn học trường Lê Ngọc Hân muộn hơn sau này cũng tham gia, vì xét cho cùng tất cả đều lớn lên từ dưới cùng một mái trường thân yêu!

Ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một số bạn cựu học sinh Lê Ngọc Hân tập hợp thành một nhóm, giữ liên hệ mật thiết với các bạn ở Hà Nội. Nhiều bạn đã ra Hà Nội và đã có nhiều cuộc gặp mặt thân thiết.

Các bạn ở Hà Nội khi có dịp vào phía Nam cũng thường gặp gỡ với “nhóm phía Nam”.

Hầu hết các bạn phía Nam đã về Thủ Đô chơi, gặp gỡ thầy cô và các bạn.

Hàng năm, cuộc gặp mặt đầy đủ và đông đảo nhất là vào dịp lễ Quốc tế các nhà giáo 20 tháng 11.

Ngoài ra còn có rất nhiều cuộc gặp gỡ khác nhân các dịp vui, các ngày kỷ niệm, sinh nhật, những dịp cưới xin con cháu mình,... Vào những ngày như 27 tháng Bảy hay các ngày giỗ, các bạn cùng nhau tổ chức viếng mộ các bạn đã hy sinh, tới thăm gia đình các bạn đã mất.

Ngày nay chúng ta vẫn còn nhớ những gương mặt quen thuộc từng ngồi học cùng bàn, cùng lớp với chúng ta, mà về sau đã trở thành “người của công chúng”.

Đó là LƯU QUANG VŨ, nhà thơ, nhà viết kịch được cả nước biết đến với tài năng trời phú, với trái tim nồng cháy với cuộc đời, với lòng can đảm của một nghệ sĩ chân chính. Hàng chục vở kịch, hàng trăm bài thơ của Quang Vũ làm xúc động lòng người, góp phần thức tỉnh lương tâm con người, chống lại cái xấu cái ác trong xã hội, hướng con người tới cái thiện, cái hoàn mỹ. Với những vần thơ yêu thương, buồn vui nồng cháy, dấu ấn của Lưu Quang Vũ trên kịch trường, trên văn đàn là khá sâu đậm.

Cái chết bi thảm của vợ chồng Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh thực sự đã gây xúc động sâu sắc, tiếc thương vô hạn trong cả nước, tên tuổi của họ vẫn sống mãi với lịch sử văn học nước nhà.

Đó là ca sĩ NGỌC BÉ, cô bé lớn lên từ xóm lao động nghèo khó ở 18 Phạm Đình Hồ có một giọng ca trời phú trong trẻo, mạnh mẽ làm sao. Tiếng hát vút cao, tưng bừng của Ngọc Bé vang lên vượt qua bom đạn tới các chiến hào, tiếng hát vang lên khi bầu trời Hà Nội đỏ rực tên lửa, pháo cao xạ rền vang. Ngọc Bé là ca sĩ một thời được đông đảo quần chúng yêu mến.

Đó là NGUYỄN TRƯỜNG PHƯỚC, một nhà báo, một bình luận viên, một trong những thành viên kỳ cựu của Đài truyền hình Việt Nam, với những bài bình luận sắc sảo, những bài báo đầy tâm huyết với cuộc sống, với công cuộc đổi mới của đất nước...

Nhưng còn có những gương mặt mãi mãi tuổi hai mươi.

Đó là những người bạn thân yêu của chúng ta đã ngã xuống giữa tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình. Đó là PHẠM ĐỨC THẮNG, BÙI ĐỨC LƯU, NGUYỄN THANH HÀ... Có bạn hy sinh trong khi công tác trên đất bạn Lào như PHẠM TRỌNG VINH, DƯƠNG BẢO LÂN... biết bao kỷ niệm về các bạn mãi mãi còn trong trái tim chúng tôi. Hình ảnh các bạn vẫn tươi rói, hồn nhiên, như thuở còn cùng học với nhau.

Mỗi người đều đã cố gắng đóng góp sức lực và tâm huyết của mình cho cuộc sống của đất nước. Đa số sống cuộc sống bình thường, giản dị của người lao động, của người viên chức. Tuy nhiên cũng có một số bạn được đào tạo tốt và do sự nỗ lực của bản thân đã trở thành các nhà quản lý, chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, là thầy giáo, cô giáo, hiệu trưởng hiệu phó các trường. Một số là viện trưởng, viện phó các viện khoa học, một số là giáo sư, tiến sĩ, một số trưởng thành từ Quân đội với các cấp bậc sĩ quan cao cấp., một số là Phó Tổng giám đốc, Giám đốc các công ty, một số là bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ, một số trở thành các nhà kinh doanh, một số là nghệ sĩ, nhà báo, họa sĩ...

Hơn 40 năm đã trôi qua, biết bao sự kiện, biết bao biến cố xã hội. Thầy cô đã dạy hàng trăm lớp, hàng nghìn học trò, nhưng rốt cuộc ai cũng nhớ về ngôi trường thân yêu ngày xưa của mình.

Sau đây là một vài diễn biến từ ngày gặp đầu tiên:

Vào năm 2000, lần đầu tiên một nhóm nhỏ các bạn học Lê Ngọc Hân đã gặp nhau bên bờ hồ Hoàn Kiếm, tại một nhà hàng có tên là An Tiêm. Cuộc gặp do Võ Châu Tấn và Đào Việt Sơn khởi xướng, dự cuộc gặp còn có thêm 10 bạn nữa. Đây được coi là cuộc họp trù bị đầu tiên, chuẩn bị cho cuộc họp mặt chính thức sau này.

Ngày mồng 7 Tết âm lịch Tân Tỵ đầu năm 2001, cuộc gặp mặt toàn thể các thầy cô và cựu học sinh trường Lê Ngọc Hân lần đầu tiên diễn ra tại khách sạn ATS, số 33 Phạm Ngũ Lão. Sau hơn 40 năm xa cách thật là cảm động, nhiều thầy cô và bạn bè đã không ngăn được giọt nước mắt vui mừng. Lần gặp đầu tiên ấy, giáo viên chỉ có thầy Lê Ngọc Thanh.

Đến tháng 5 năm đó, diễn ra cuộc gặp mặt thứ hai. Lần gặp này có thêm các cô giáo Tô Thị Hiền, Nguyễn Thị Bắc Thành, Trần Mai Khôi.

Trong thời gian này các bạn đã cố gắng tìm tung tích các bạn đã hy sinh. Người có công lớn trong việc tìm kiếm này là Nguyễn Tấn Định: tìm được địa chỉ nhà của anh chị Phạm Đức Thắng, từ đó biết được trường hợp Đức Thắng hy sinh, tìm được mộ Phạm Trọng Vinh ở Yên Viên.
Cũng trong năm 2001 này, trường Lê Ngọc Hân tổ chức buổi lễ trọng thể kỷ niện 80 năm ngày thành lập trường (1921 - 2001) và đón nhận Huân chương Lao Động hạng nhất của Nhà nước trao tặng. Thầy Lê Ngọc Thanh được mời về dự lễ và một vài bạn cựu học sinh cũng đã tới dự và ghi lại một số hình ảnh buổi lễ trọng thể này.

Ngày 12 tết âm lịch năm Mậu Ngọ (2002) gặp mặt ở khách sạn ATS với sự có mặt của nhiều bạn mới. Có thêm các cô giáo Vũ Thị Tuyết, Phạm Kim Sa, Đỗ Ngọc Oanh, Nguyễn Thị Vinh.

Trong năm này cũng đã hình thành nhóm cựu học sinh Lê Ngọc Hân ở thành phố Hồ Chí Minh, có các bạn Trần Kiều Nga, Thái Huệ Chí, Thái Minh Tâm, Hà Chí Huy, Nguyễn Kinh Luân, Trần Thị Huệ, Hoàng Việt Hùng, Ngô Kim Thu và sau đó có thêm một số bạn nữa.

Vào dịp Tết Qúy Mùi (2003) cuộc gặp mặt được tổ chức tại khách sạn 97 Phố Huế.

Từ năm 2004, cuộc gặp mặt toàn thể hàng năm được chuyển sang tháng 11, dịp kỷ niệm Quốc tế các Nhà giáo. Cuộc gặp tổ chức tại tại nhà hàng Hữu Nghị đại tửu lầu.

Năm 2005 tổ chức gặp mặt vào tháng 11 tại nha hàng Hai Cây Si trong khuôn viên Cung Văn hóa hữu nghị.

Năm 2006 tổ chức gặp mặt tại nhà hàng Hoa Đô, số 53 đường Thái Thịnh.
Năm 2007 tổ chức tại nhà hàng Gió Mới trong công viênThống Nhất
Năm 2008 tổ chức tại Nhà hàng Bia Tiệp tại phố Lò Đúc.
Năm 2009 tổ chức tại Khác sạn Thanh niên trên đường Hồ Xuân Hương bên hồ Thiền Quang.

Hơn 10 năm qua còn có Nguyễn Văn Hà từ Bình Định ra, Nguyễn Thị Minh Châu từ Đức về,... gặp mặt rất ấm cúng, thân tình.

Không khí của “hội” Lê Ngọc Hân lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái.

Nhưng không chỉ có toàn niềm vui, mà còn có những nỗi buồn cũng ập đến.

Nguyễn Như Hải, người bạn giản dị, hiền lành, khiêm nhường là thế mà đã phải vĩnh biệt mọi người vì căn bệnh hiểm nghèo. Trước khi mất, Như Hải còn gửi lời chào vĩnh biệt thầy cô và bạn bè .

Cô hiệu trưởng Tô Thị Hiền kính yêu cũng không còn nữa.

Rồi cô giáo cao tuổi Vũ Thị Tuyết cũng đã vĩnh biệt chúng ta sau những năm tháng dài bị bệnh.

Nguyễn Trường Phước sau lần đầu ghép thận thành công, mhưmg đến lần ghép thận thứ hai thì anh không qua khỏi được, đã mãi mãi ra đi.

Bạn Vũ Thị Tuyết (trùng tên với cô giáo Vũ Thị Tuyết) sau mấy năm bị bệnh cũng đã vĩnh biệt chúng ta..

Gần đây nhất là sự ra đi đột ngột của một trong số những người bạn gái được yêu quý nhất của lớp là Tạ Minh Hảo.

Cuối năm 2009, nhờ sự cố gắng của gia đình, kết hợp với các nhà ngoại cảm và có cả sự tham gia của một số cựu học sinh Lê Ngọc Hân là Thái Huệ Chí và Nguyễn Kinh Luân, đã tìm thấy di hài của liệt sĩ Phạm Đức Thắng và đưa về quê ở Ninh Sở (ngoại thành Hà Nội) an táng.

Giờ đây phải chăng đã tới lúc chúng ta cùng làm một cái gì đó để kỷ niệm đối với ngôi trường chúng ta từng học, từng có một thời trẻ trung tuơi đẹp để nhớ, để thương. Cũng là để sẻ chia những tình cảm đối với thầy cô và với nhau. Để có một món quà dành cho các thế hệ mai sau.

Nhóm biên tập và Ban liên lạc rất mong ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo và của các bạn.

NHÓM BIÊN TẬP

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Trường Lê Ngọc Hân Empty Ghi chú

Bài gửi  Admin Sat Nov 27, 2010 6:00 am

Ai có ảnh cũ chụp trường Lê Ngọc Hân, xin gửi cho Ban biên tập

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết