LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Kinh Luân - Đường về quê mẹ (Hành trình tìm mộ liệt sỹ Phạm Đức Thắng)

Go down

Kinh Luân - Đường về quê mẹ (Hành trình tìm mộ liệt sỹ Phạm Đức Thắng) Empty Kinh Luân - Đường về quê mẹ (Hành trình tìm mộ liệt sỹ Phạm Đức Thắng)

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 2:34 pm

ĐƯỜNG VỀ QUÊ MẸ

Đó là một buổi chiều, gần tối Thứ Bẩy, ngày 15/8/2009.

Tôi nhận được tin nhắn của Huệ Chí. Đoạn tin quá ngắn ngủi… Hắn hỏi tôi có thể thay mặt bạn bè lớp cũ để đi Dầu Giây dự lễ bốc mộ Đức Thắng được không? Tôi chẳng hiểu gì cả? Đành phải gọi điện thoại trực tiếp cho Huệ Chí. Mỗi lần gọi điện thoại cho hắn, ác cảm đầu tiên đối với tôi là phải đợi nghe xong một bài ca hoặc một bản nhạc dài lê thê rồi nó mới nhấc máy. Bài thì rên rỉ ướt át, bài thì du dương, bài thì hùng tráng, có bài mở đầu bằng tiếng huýt gió của một bản hành khúc ca … Hắn thay đổi nhạc luôn luôn, tùy hứng. Tôi cũng khoái nghe nhạc, thậm chí mê nhạc giao hưởng và cả hòa tấu nhưng phải là lúc thư giãn, cần thưởng thức đúng lúc, đúng chỗ. “Thời giờ là vàng bạc”, chờ nói chuyện được với nó là mất đứt vài phút! Ghét thật!

Huệ Chí cho biết:
- Gia đình Đức Thắng vào Đồng Nai tìm mộ, nếu công việc thuận lợi sẽ tạm đưa nó vào nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh, vài ba năm sau sẽ chuyển ra Bắc.

Tôi hỏi: Thế sao bảo nó hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn, mạn Củ Chi, Hóc Môn – Bà Điểm?

Huệ Chí giải thích: "Tao cũng không biết gì hơn mày, chỉ nghe vậy thôi! Mày chịu khó lên đó, sẽ biết rõ hơn. Nghe đâu gia đình có nhờ nhà ngoại cảm nào đó ở ngoài Bắc chỉ dẫn, bà ấy nổi tiếng lắm, đã chỉ dẫn cho cả nghìn gia đình tìm thấy hài cốt. Không chỉ của Liệt sĩ mà cả hài cốt những danh nhân, những người thân của nhiều gia đình, có người mất cả trăm năm nay mà vẫn tìm thấy! Cũng là dịp để mày tìm hiểu thực hư ra sao, đi về kể cho bọn tao biết với nhé!"

Tôi chỉ biết chừng đó thông tin, và biết thêm rằng Chủ Nhật này Kiều Nga và mấy đứa bạn chẳng thể sắp xếp đi được. Riêng Huệ Chí phải đón tiếp họ nhà trai mang lễ tới chạm ngõ, hắn chuẩn bị “bán con gái rượu” để lên chức “bố vợ phải đấm”. Chuyện quan trọng đến cả đời người, không thể bỏ đi được!... Bởi vậy, người duy nhất có thể đi được đó là tôi.
Đã hai tháng nay, tôi cũng bận tối mắt, tối mũi với chuyện “Ra đi”của ông nhạc. Tuổi cao sức yếu, hơn một tháng trời con cháu túc trực, thay nhau chăm sóc, trong đó có vợ chồng tôi – thế mà cụ vẫn còn nhùng nhằng, luyến tiếc cõi đời hơn cả tháng . Khi sống cụ thường đùa, nói với tôi: “Ba tên là Thái Minh, bởi vậy không dễ gì mặt trời tắt ngay được!”. Chẳng thế cụ chết đi sống lại mấy lần, nhưng rồi cũng phải lên đường sang thế giới bên kia ở cái tuổi 82 Đại thọ “xưa nay hiếm”, để khi ra đi được khoác “Hoàng Y” lên cửa Niết bàn (!). Sau lễ tang là đủ cả chục cái lễ lớn nhỏ. Gia đình bên vợ tôi là dòng dõi “Người đến từ Triều Châu” chính cống nên thủ tục hiếu – hỷ rất rườm rà! Đến hôm nay vừa đúng 40 ngày, “Bà Xã” buồn lắm, gầy đét và ốm nhom. Tôi cũng chẳng hơn gì! Thế mà tôi còn trêu chọc gọi nàng là “Đét- như- mo- nang” (Desdemona trong Otello). Nàng chỉ cười, tức lắm nhưng không làm gì được.

Sau khi trao đổi điện thoại với Huệ Chí, nếu vào lúc khác, tôi sẵn sàng lên đường “giúp bạn”. Nhưng lần này tôi không muốn đi, lưỡng lự vì không muốn bỏ vợ ở nhà một mình. Tú Khanh đang cần người an ủi, và ngày Chủ Nhật các con tôi thường đưa cháu nội về chơi với ông bà. Tính đi tính lại, tôi phải đổi kế hoạch: Tôi sẽ đưa Tú Khanh đi cùng. Chúng tôi sẽ đi Dầu Giây dự bốc mộ Đức Thắng, cũng là để “Bà Xã” được thay đổi không khí ngột ngạt sau những ngày quá mệt mỏi vì tang lễ. Phần nữa cũng là nghĩa vụ, tình cảm và trách nhiệm của những người đang sống đền đáp những hy sinh mất mát to lớn của người đã khuất.

Huệ Chí cho tôi số điện thoại của cháu Tùng – con chị Tín, theo Huệ Chí thì “tao cũng không quen biết và chưa hề gặp mặt nó”. Tôi liên lạc ngay với Tùng: 0909. 55. 1968 – Một con số thật ấn tượng! số của VIP? Đầu giây bên kia la một thanh niên đã lớn tuổi, giọng rắn rỏi, mạnh mẽ và chắc nịch, rất nhiệt tình: “...Cậu ở đâu, sáng mai con mang xe đến đón cậu nhé!”. Tôi từ chối vì không muốn phiền tới gia đình và được biết thêm, Tùng cùng cả nhà đang ở Vũng Tầu, sáng mai sẽ xuất phát sớm. Bởi vậy nếu xe đi qua đón tôi, phải ngược lại một quãng đường khá xa, như thế khi đến Dầu Giây chắc chắn sẽ muộn. Tôi cảm ơn và cho biết sẽ tự lo liệu để đến nơi. Tùng hẹn tôi đúng 7 giờ 30 sáng Chủ Nhật sẽ gặp nhau ở chỗ hẹn.

TIẾNG GỌI TỪ LÒNG ĐẤT

Một ngày Chủ Nhật rất mát mẻ và đẹp trời. 5 giờ sáng, hai vợ chồng tôi lên đường. Từ Thủ Đức chúng tôi đi theo đường 1K (Quốc lộ 1A cũ) xuyên qua thành phố Biên Hòa, thị trấn Hố Nai, Trảng Bom và tới Dầu Giây đúng 7 giờ sáng. Trên đường đi chúng tôi còn tạt qua chợ mua hoa quả và chục cây nến vì biết gia đình Đức Thắng theo đạo Công giáo! Nếu không có chuyện tang gia, tôi tin rằng chuyến đi này Tú Khanh rất vui vẻ. Tôi gọi điện hỏi Tùng thì nhận được trả lời: “… xe cháu giờ mới tới ngã ba Vũng Tầu”. Thế mà chúng tôi còn đến nơi hẹn sớm hơn nửa tiếng! Gần 8 giờ vợ chồng tôi mới nhận được điện thoại liên lạc. Tùng cho biết xe đang đợi tôi ở gần cột đèn tín hiệu giao thông, ngã ba rẽ đi Đà Lạt.

Xuất hiện trước mặt tôi là Tùng, một thanh niên cao to, đẹp trai, người chắc nịch, nói đúng ra phải xếp hạng Su-mô của Việt Nam. Tôi thầm nghĩ: Nếu Đức Thắng còn sống, chắc cũng phải cỡ này, hồi học Phổ thông sức nó đã hơn hẳn nhiều đứa trong lớp. Dân Việt Nam mình có bao nhiêu % người được như thế, chắc chắn không có nổi phần vạn. Tôi thoáng nhìn, trên chiếc xe con chật ních người, nếu đón tôi thì ngồi vào đâu?… Tùng thông báo cho tôi sơ lược về kế hoạch bốc mộ và mời tôi quay về trụ sở UBND xã Bầu Hàm 2, thuộc huyện Thống Nhất. Trụ sở UBND xã Bầu Hàm nằm trong khuôn viên rộng rãi và thoáng mát. Hôm nay Chủ Nhật, Ủy ban nghỉ làm việc nên dành riêng phòng họp hội trường để tiếp đón gia đình. Sau vài lời ngắn gọn của đại diện UB, của đại diện Hội cựu chiến binh xã là ý kiến phát biểu của gia đình. Chị Tín – chị ruột của Đức Thắng, mái tóc bạc quá nửa đầu, lặn lội từ Bắc vào Nam tìm em. Chị nói lên nguyện vọng của gia đình, kể lại quá trình gia đình bền bỉ, theo sát dể dược tiếp xúc với nhà Ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện nổi tiếng, nhận được sự chỉ dẫn tận tình của “Cô Nguyện” và bước đầu công việc tiến triển rất thuận lợi, có lòng tin cộng với lòng quyết tâm của gia đình, chắc chắn sẽ đưa được đứa em trai đã hy sinh và mất tích 41 năm trở về quê nhà...:

“Đã 41 năm nay, từ ngày biết tin Thắng hy sinh, đó là nỗi mất mát to lớn, là nỗi trăn trở của gia đình khi chưa biết tin chính xác về em. Cha mẹ già giờ không còn nữa, nguyện vọng khi các cụ mất là tìm thấy mộ của Thắng, dù chỉ là nắm xương tàn cũng đưa em về an táng tại quê nhà để có điều kiện chăm sóc … Ngày nào còn chưa tìm thấy em, chưa đưa được em về, ngày đó chúng tôi chưa làm tròn bổn phận của mình …”.

Chị Tín nói rất hùng hồn mà tình cảm. Người phụ nữ này chắc là “cán bộ thứ thiệt” nên ăn nói rất trơn tru, lưu loát và có sức thuyết phục người nghe. Chính bản thân chị cũng xúc động, người nghe cũng xúc động và giọng chị như khóc. Cũng giống như khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc Văn điếu trong lễ truy điệu Bác Hồ, giọng thật là đặc biệt, sau này ai cũng bảo đó là “giọng Vàng”, rất đắt giá trong hoàn cảnh đó. Tôi nghĩ: giọng chị Tín hôm nay cũng khác thường, dù không dược là giọng Vàng thì ít ra cũng làm cho người nghe biết khóc, và trái tim mọi người biết thổn thức…! Tú Khanh ở ngoài trông xe máy, em không vào. Nếu có vào nghe “bài diễn văn mộc mạc, giản dị ” của chị Tín, chắc chắn sẽ đỏ hoe mắt. Một vài người tiếp tục lên nói, có cả Thoa - em gái Đức Thắng, dần dần tôi mới hiểu:

Chuyện đi tìm mộ Đức Thắng bây giờ mới bắt đầu. Bắt đầu từ CON SỐ KHÔNG (O) cũng đúng, mà không phải CON SỐ KHÔNG cũng đúng. Nó có thể là tiếp tục của hành trình đi tìm mộ trong nhiều năm nay, nhưng bây giờ đã có thêm rất nhiều dữ liệu khá chuẩn xác, có người chỉ đường dẫn lối đúng hướng là NHÀ NGOẠI CẢM nổi tiếng Nguyễn Thị Nguyện, mà tôi được biết mỗi lần gia đình Thắng nhắc đến tên “cô Nguyện”, tôi có cảm giác như họ tôn thờ một vị Thánh, tôi thấy mọi người đều ngưỡng mộ và tỏ lòng kính phục.

Tôi đèo Tú Khanh đi theo sau chiếc xe con dẫn đường. Trên xe chở gia đình Đức Thắng và vài ba cán bộ UB xã Bầu Hàm 2. Con đường nhựa từ UB tới địa điểm đào tìm theo chỉ dẫn của nhà Ngoại cảm phải vượt qua đường Quốc lộ 1. Tiếp theo là con đường nhựa liên xã, đi khoảng nửa cây số, vượt qua cây cầu gỗ nhỏ, hỏi thăm chủ nhà nào có tên gọi bắt đầu từ vần V là đúng… “ Tất tần tật ” đều khớp như chỉ dẫn của nhà Ngoại cảm. Tôi đi bên cạnh anh bạn làm việc trong Ủy ban, anh ta cho biết như vậy. Rồi anh ta kết luận: “Có nhiều chuyện ly kỳ lắm, đến nơi anh sẽ biết!”

Chủ của căn nhà có khuôn viên cần đào tìm là một gia đình Công giáo. Tìm hiểu kỹ dân cư trong khu vực này, họ đều theo đạo Thiên chúa, nhiều người gốc di cư từ năm đất nước chia cắt, và nghiễm nhiên mang thương hiệu “Dân 54”. Sau này đan xen thêm nhiều đợt di chuyển nên có “Dân 75”, “Dân Kinh tế mới”… Họ đến từ những thành phố hoặc những tỉnh lớn, mang nếp sống văn minh đô thị nên ngăn nắp, gọn gàng. Nhà cửa của họ đều khang trang và tài sản có giá trị. Chủ nhà đi làm xa, thỉnh thoảng mới về. Ở nhà chỉ có vợ và mấy đứa con, cả trai lẫn gái, thế mà có tới ba phòng ngủ rất rộng rãi. Ngoài phòng khách, phòng ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh rất sạch sẽ và khá lớn còn có chỗ để xe hơi và khuôn viên vườn rất rộng. Khu chuồng heo có cả chục con heo nuôi cho lấy đực, mỗi con vài ba tạ. Tôi kể sơ qua như vậy để biết rằng dân cư ở đây là tầng lớp thị dân trung lưu, có mức sống khá cao và để có sự thông cảm, tạo điều kiện cho mình đến đào bới, xáo trộn cuộc sống của họ là một điều lẽ ra cấm kỵ.

“Tùng Sumo” gọi điện thoại liên lạc với “cô Nguyện”. Ở đầu bên kia có tiếng người trả lời, giọng nữ cao của người phụ nữ khoảng bốn chục tuổi, dứt khoát và rõ ràng. Theo sự chỉ dẫn của nhà Ngoại cảm, công việc bắt đầu được tiến hành. Mọi hành động của Tùng đều răm rắp tuân theo sự điều khiển của nhà Ngoại cảm. Tôi đưa đồ cúng cho Thoa – em gái Đức Thắng để xếp chung lên bàn thiên, cúng ngay chỗ dự kiến đào. Người trong gia đình, cả đại diện UB, hội CCB lần lượt tới thắp nhang. Tôi thay mặt anh em, bạn bè hồi học Phổ thông (cả trong Nam, ngoài Bắc) vào thắp nén hương cho Đức Thắng, tôi cầu mong thằng bạn sớm được đoàn tụ với gia đình.

Người đến xem rất đông, có nhiều người ở địa phương khác nghe tin lạ, rủ nhau đi xe máy tới xem thực hư thế nào? hầu hết do tính hiếu kỳ, họ bảo nhau “bao đời nay chưa ai được thấy cách tìm mộ kỳ lạ như vậy”. Thanh niên thay nhau xuống đào, họ cẩn thận từng nhát cuốc theo sự chỉ đạo của Tùng Sumo. Mà Tùng cũng lại theo sự điều khiển của “cô Nguyện” đang ở cách xa 2000 cây số, và khoảng không gian vô hình đó chỉ được liên thông qua chiếc điện thoại cầm tay của Tùng. Chỉ có thế! Và bí mật vẫn là bí mật, mọi điều khó có thể giải thích! Bản thân tôi cũng vậy, tôi cũng loáng thoáng được biết phương pháp tìm mộ thông qua trung gian là những nhà Ngoại cảm. Những thông tin tôi được đọc trên báo giấy và báo điện tử, rất sơ sài nên không được tôi chú ý!

Đã hơn hai tiếng nhưng chưa thấy hiện tượng gì khả nghi, mọi người vẫn tuân theo sự chỉ dẫn của nhà Ngoại cảm thông qua “phát ngôn viên” là Tùng. Trong khi chờ đợi, tôi được chị Tính tiếp chuyện, qua chị tôi được biết quá trình gia đình liên hệ với nhà Ngoại cảm: “Gian truân lắm chú ạ!...”. Đó không phải là lời kêu than, mà điều đó chứng minh sự bền bỉ, lòng kiên nhẫn của từng cá nhân, thành viên trong gia đình, dòng họ hay đồng đội của những người có chung mục đích đi tìm mộ Liệt sĩ, trong đó có gia đình Đức Thắng. Gian khổ còn đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại, bên cạnh đó là lòng tin tuyệt đối vào nhà Ngoại cảm. Phải có “lòng tin” và hai chữ “quyết tâm” luôn theo sát suốt chặng đường tìm kiếm. Đã nhiều người thành công, và không ít người thất bại, chỉ khác nhau ở hai chữ “quyết tâm”!

Chị Tính đưa tôi xem 3 tấm ảnh mầu khổ 10x15. Cả 3 tấm đều mô tả những quả trứng nằm trên những chiếc đũa cắm thẳng hàng. Ảnh rất rõ nét, không dùng kỹ xảo. Chị bảo do người nhà tự chụp. Chị Tín còn đưa tôi nghe đoạn ghi âm buổi đầu tiên gia đình tiếp xúc với nhà Ngoại cảm. Một đoạn ghi âm khá dài, đối thoại trực tiếp, âm thanh rõ ràng, câu hỏi và trả lời ngắn gọn. Khoảng cách Âm – Dương như xích lại gần nhau, hòa tan thành một. Người chết nói chuyện với người sống như hai người nói chuyện điện thoại qua thông dịch viên. Vong người chết chỉ dẫn cho nhà Ngoại cảm từng ly, từng tý … kẻ cả những chi tiết nhỏ nhất.

“Mọi sự việc bà ấy nói đều đúng, sau này còn chứng minh thêm những gì đang và sắp xẩy ra càng kỳ lạ hơn. “Bà ấy” ở tận ngoài Bắc mà chỉ đường dẫn lối còn thông thạo hơn người dân địa phương ở tại đây. Cứ như bà ấy biết hết, nghe thấy điều mình nói, nhìn thấy việc mình làm.”

Chị Tín kể mà cứ như nói đùa: “ Thằng Tùng gọi điện thoại ra ngoài đó hỏi chỗ cắm đũa để đặt 3 quả trứng, “cô Nguyện” bảo nó tìm chỗ cắm đũa cách gốc mít 3m. Nó tìm quanh không thấy, hỏi đi hỏi lại mấy lần. “Cô Nguyện” nhắc lại qua điện thoại: Từ bé đến giờ chưa biết cây và lá mít thật sao, lưng đang dựa vào cây mít mà không nhìn thấy à? Hóa ra có một cây mít rất to, thân cây lớn cả người ôm ở ngay sát lưng mà Tùng không biết.”

Chị tâm sự với tôi về Đức Thắng hồi còn bé. Chị kể rất tự nhiên, nhưng trong giọng nói tôi biết chị rất xúc động. Người phụ nữ này đã trải qua không chỉ hai cuộc chiến tranh, đã đi quá nửa đời người nhưng lòng vẫn nặng trĩu nỗi băn khoăn chưa tìm thấy đứa em trai hy sinh trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước! Mỗi lời nói của Thắng truyền qua “ Cô Nguyện”, nó giống như tiếng nói từ trong lòng đất, vừa thiết tha, thổn thức, vừa như cầu khẩn người đang sống hãy nghĩ về họ, hãy đi tìm họ. Tôi thấy chị lặng đi, thoáng buồn khi có tin báo “... vẫn chưa thấy gì cả!”

Gần trưa, hai vợ chồng tôi ra phố ăn, tôi không muốn phiền đến gia đình nếu phải báo thêm 2 xuất cơm hộp, họ phải mang từ ngoài phố vào. Chúng tôi và gia đình chị Tín, cô Thoa được chủ nhà dành riêng phòng khách để nghỉ ngơi. Kể cả chuyện nấu nướng, tắm giặt chủ nhà cũng cho mình dùng tự nhiên trong nhà bếp và toilet của họ, họ rất thông cảm và nhiệt tình giúp đỡ. Ngoài vườn, mọi người vẫn hăng say, nhiệt tình làm việc. Người đào, kẻ cuốc. Cả một không gian trước kia im ắng, phẳng lặng và thanh bình - khung cảnh một vùng thôn ấp pha nửa thị thành của miền Đông Nam Bộ - bây giờ được một đám người này kéo từ đâu đến đào bới, xới tung lên như đi tìm kho báu. Kho báu đó thật vô giá, nó mang lại giá trị tinh thần hơn là vật chất. Nó không quay mặt với lịch sử một thời đau thương, mất mát nhưng hào hùng của dân tộc. Nó không cho phép những người đang sống, những người đang hưởng thụ hai chữ “Hòa bình-Hạnh phúc” lãng quên quá khứ, lãng quên những anh hùng, liệt sĩ đã làm nên những trang Vàng lịch sử của dân tộc.

Tôi lặng yên đứng nhìn mọi người làm, chợt nghĩ về Đức Thắng, đầu mũi tôi cay cay, tôi rất buồn. Tôi nhớ lại những ngày còn học phổ thông: cái tuổi thơ còn quàng khăn đỏ, cắp sách tới trường. Thấm thoắt gần 50 năm - 50 mùa hoa Phượng đỏ. Nửa thế kỷ trôi qua: thời gian và không gian thay đổi quá nhiều. Tôi nhớ lại những kỷ niệm với Đức Thắng, cái thằng có biệt danh là “Thắng Ba-Dê”, cái thằng hay mang truyẹn kiếm hiệp đến trường đọc trộm rồi say sưa kể cho bạn bè trong lớp, hết “Tống Nhạc Phi”, “Kiếm hiệp giang hồ” đến “Chiến sĩ Hùng Minh”… Nhưng nó mê nhất là “ Tam quốc chí diễn nghĩa”. Hồi đó Tam Quốc không đóng sẵn thành quyển như bây giờ. Nhà in Phổ thông bán từng tờ như trang báo. Nó mua từng kỳ, về cắt ra khâu thành quyển. Nó chờ đón từng kỳ còn hơn chờ kẻng tan lớp. Cũng chính vì tính mê truyện Tầu và truyện Kiếm hiệp mà nó với Thế Trường kết nghĩa anh em. Có lần nó gợi ý rủ tôi nhập bọn thành “Lưu Quan Trương”, và cũng chỉ vì nó đòi làm anh nên tôi không đồng ý, nó bảo tôi ít tuổi hơn nó để nó làm Lưu Bị, đời nào tôi chịu mặc dù điều nó nói là hợp lý . Sau này chẳng hiểu chuyện gì mà cái cặp đôi Thắng – Trường tan rã thì tôi không được biết (?).

Nhà tôi ở Tô Hiến Thành (sau này chuyển về 10 ngõ Chùa Vua, mẹ tôi để toàn bộ căn nhà 74 THT cho gia đình ông giáo dạy Sử ở Trung học Albesaro thuê trọn gói). Hàng ngày đi học, dù ở Chùa Vua hay Tô Hiến Thành thì tôi vẫn phải qua nhà Đức Thắng. Bởi vậy tôi trở thành chiếc Đồng hồ cho nó đến trường. Ở dưới hè đường, tôi gọi “Thắng ơi” là nó ở trên gác xuống. Bên cạnh nhà có thằng Đỗ Trọng học cùng lớp tôi, nhưng thấy chúng nó ít đi học cùng nhau. Khi tôi viết “Những Chiến binh trên cát”, mô tả những trận chiến “ ngựa người – người ngựa” vật nhau trên sân cát của trường. Hình ảnh Đức Thắng – Thế Trường là một trong nhiều cặp tôi nhắc đến nhiều nhất!

Đức Thắng không thích đánh nhau và biết nhường nhịn bạn. Nó mê truyện kiếm hiệp, giang hồ, hào kiệt … nên thường rủ tôi đi xem phim thùng ở Bờ Hồ vì biết tôi có tiền. Tôi đãi bạn vì tính ngay thật của nó, nó nói thẳng với tôi “Tao hết tiền rồi, nhưng phim này hay lắm!”. Có lần tôi không đồng ý, tôi bảo để tôi xem xong sẽ kể cho nó. Nhưng tôi không có biệt tài kể chuyện kiếm hiệp … bởi vậy tính đi rồi tính lại, nó bảo tôi “mày có tiền, mày có quyền xem trước, còn nửa sau cho tao xem, hai thằng kể cho nhau”. Tính nó như vậy đó, không muốn để thiệt cho ai. Tôi đồng ý vì thấy như vậy là hợp lý, mỗi thằng được xem 15 phút. Hồi đó phim thùng là một thú vui của chúng tôi. Chiếc xe phim di động được đóng thành một thùng dài, hai bên xe mỗi bên gắn năm bộ ống nhòm, người xem nhòm qua những cặp ống đó. Xe phim lưu động tại vườn Chí Linh hoặc chạy quanh Bờ Hồ. Trẻ con người lớn kéo theo vây quanh rất đông. Người có tiền xem không nhiều, nhưng người “nghe ké” thì đông lắm. Nó hấp dẫn chưa chắc ở nội dung phim, mà chính ở tài thuyết minh của người dẫn truyện. Bởi vậy cứ mỗi lần vào đoạn gây cấn, tiếng thanh la, não bạt, tiếng trống ầm ĩ nổi lên là thằng Thắng giục tôi nhường cho nó. Trông cái bộ mặt khổ sở của nó là tôi khó có thể từ chối được...

Kết thúc một ngày tìm kiếm chưa có kết quả. Vợ chồng tôi xin phép quay về Sài Gòn, tối hôm đó tôi lại “dính” một tiệc cưới con anh bạn thân ở cơ quan cũ tại khách sạn Victory ở Quạn 3. Không từ chối được, tôi phải đi một mình sau khi đưa Tú Khanh về nhà ở Nguyễn Đình Chiểu. Sáng sớm, khi đưa Tú Khanh đi làm, tôi dự định về ngay Thủ Đức. Nhưng tôi nghĩ mình nên qua Huệ Chí báo cho hắn biết kết quả chuyến đi. Ngồi chơi với Huệ Chí tại quán Cafe cóc đầu hẻm nhà nó, tôi đề nghị sáng thứ ba, tôi và Huệ Chí sẽ lên Dầu Giây một lần nữa: “Hy vọng chuyến đi ngày mai cũng là lúc gia đình sẽ tìm thấy Thắng! Nếu tìm thấy nó mà không có chúng mình ở đó, chắc nó tủi và buồn lắm. Như vậy chúng mình không chỉ có lỗi với Thắng, mà còn có lỗi với các bạn …!”.

Không chỉ có tôi mà cả Huệ Chí cùng chung ý nghĩ như vậy.


“... BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI?”

Tôi hẹn Huệ Chí sẽ gặp nhau ở Suối Tiên rồi cùng đi. Tôi đến trước Huệ Chí 15 phút, đó là thói quen của tôi. Vừa định bấm số liên lạc với Huệ Chí thì thấy hắn xuống xe ở chân cầu vượt, tay hắn còn toòng teng thêm chiếc “ nồi cơm điện”nặng chình chịch. Tôi bảo: “Đi xe Bus mà ông mang cái của nợ này theo làm gì? ”. - “Để đội đầu chứ làm gì? Mũ nón của mấy thằng xe ôm bẩn khủng khiếp!”. - “ Chỉ có một quãng đường liên xã thôi mà, có đi xe máy ngoài quốc lộ đâu mà cần đội mũ. Nếu phải đội mũ, nón của cánh xe ôm thì lấy giấy lót mũ là xong. Cẩn thận như ông là tốt nhưng cũng hơi phiền toái đấy! Mang đi vướng víu, đến nhà người ta thấy kỳ quá!”. Huệ Chí cười hềnh hệch: - “ Quen rồi, đi đâu cũng phải mang nó theo, để ở nhà nhớ nó còn hơn bà xã!”.

Chúng tôi lên xe Bus đi Dầu Giây, tôi nhắc:

- Chỉ cần đến Ủy Ban xã ở ven đường, cách ngã ba Dầu Giây 1 trạm xe Buýt thì bọn mình xuống, đối diện Ủy Ban xã là nơi rẽ vào rồi ”.

Thế nhưng vì mải nói chuyện trên trời, dưới đất - mới lên xe là ông bạn già của tôi đủ thứ chuyện đông, tây, kim, cổ. Hết chuyện chiến trường xa xưa lại đến chuyện điều, cafe và rừng ngày nay - bởi vậy khi nhìn thấy UB thì xe đã lướt qua rồi. Chúng tôi đành “ngậm ngùi” xuống trạm cuối Dầu Giây. Xui thật! thế là tính sai một quãng. Tôi tính gọi 2 chiếc xe ôm, nhưng Huệ Chí bảo chỉ cần một chiếc là đủ. Nếu thuê một chiếc xe ôm, đương nhiên chỉ có một chiếc mũ Bảo hiểm cho một đứa (!). Huệ Chí được dịp, cười đắc chí, phân vua với tay tài:

- “Chú em thấy chưa, anh tính không sai. Bây giờ anh lấy “nồi cơm điện” của chú em nhường cho anh bạn này đấy!”

Chiếc xe chở ba quay ngược lại một quãng quốc lộ không xa lắm, rồi tạt vào con đường bên phải trải nhựa liên xã. Hai bên đường là những hàng cây cao râm mát. Phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp. Biết rằng chở ba là sai luật nhưng đường rất vắng vẻ, lại được Huệ Chí cam kết “mấy chú em này chở ba quen rồi” nên tôi cũng tạm yên tâm. Huệ Chí còn hứng chí hát hai câu cuối trong bài thơ của tôi làm: "... Ngày xưa ta đội mũ rơm,/ Ngày nay ta đội nồi cơm trên đầu!".

Lượn đi, lượn lại vài “cua”, tôi bảo tài xe dừng ngay chỗ rẽ vào một con đường đất hơi dốc. Lần trước đi xe máy với Tú Khanh tôi chở nàng vào tới cửa nhà. Lần này chở 3 lại lên dốc, tôi sợ xe leo không nổi. Vả lại “3 thằng ngự lâm quân trên một chiếc xe tăng” ầm ầm đổ bộ tới nhà người ta cũng khó coi lắm! Tôi trả tiền xe ôm, cùng Huệ Chí thủng thẳng đi bộ:

- “Tới nơi rồi... ở cái nhà thứ hai, có hàng rào và cổng sắt xanh trên dốc kia kìa!”. Huệ Chí suýt xoa, thán phục:

- “Thằng Thắng chỉ bằng hai chân đất mà từ Bắc “lội bộ” vào được tới đây, tao nể phục đấy!”. Tôi phụ họa thêm:

- “Mấy thằng đi bộ làm Từ thiện, đi tới đâu có nhà hàng, khách sạn và người bảo vệ, phục vụ đến đó. Chúng nó bầy chuyện đi bộ “quyên góp quỹ này, quỹ nọ” để thu tiền, chưa chắc làm “ từ thật ” mà làm “từ giả” để tiện tay đút tiền vào túi . Kiểu đó thì mình cũng cố đi vài nghìn cây số... Còn như Đức Thắng, nó ngày nghỉ - đêm đi, trèo đèo – lội suối, tránh kẻ thù- trốn thú rừng, đói ăn, bệnh tật và cái chết luôn rình rập. Cả năm trời đi bộ từ Bắc mới vào tới đây, thật khủng khiếp! Thương nó và cũng nể nó!

Ngoài sân vườn rất đông người, không ai chú ý tới hai chúng tôi mới đến. Mọi người đi đi, lại lại vội vã, tôi thoáng nhìn bãi đất, vẫn thấy rất nhiều người đang cầm cuốc, xẻng để đào. Lại có một chiếc máy cuốc, xúc đa năng loại nhỏ chình ình trong vườn. Tôi nói vừa đủ cho Huệ Chí nghe:

- “Họ vẫn còn đào tìm chưa xong, mà lại mang cả máy cơ giới đến nữa!”.

- “Đào bằng cả máy xúc cơ à? Đào như thế thì ầm ĩ quá.”, Huệ Chí hỏi lại tôi và phàn nàn.

Tôi thấy cũng lạ và tự thắc mắc. Tôi chỉ nghĩ đơn giản khi khai quật các ngôi mộ, dù đã xác định hay chưa rõ ràng vị trí địa điểm, chẳng bao giờ người ta xử dụng máy móc cơ giới khai quật kiểu Công nghiệp như vậy. Hiện đại, văn minh như thằng Mỹ, Anh, Pháp, Đức... mà nó còn “tỷ mà, tỷ mẩn “đào bới bằng tay …! Điều này, luật bất thành văn, tuyệt đối cấm kỵ. (!)

Cô Thoa trông thấy tôi trước, vui mừng, chào hỏi ngay:

- “Anh mới lên à? Anh có đưa chị đi cùng không?”

Tôi giới thiệu Huệ Chí với cả nhà và giải thích sự vắng mặt của “bà xã”. Chỉ một lúc sau Huệ Chí và mọi người đã quen nhau. Ngồi ở ngoài hiên, Huệ Chí cùng chồng Thoa và mấy vị ở UB xã thoáng chốc đã chuyện trò rôm rả. Đề tài của mọi người xoay quanh chuyện về những ngôi mộ và Nhà Ngoại cảm.

Chúng tôi đi ra vườn, cả một vùng lớn đất đai trước đây trồng khoai lang, lấy rau dùng nuôi đàn heo giống hơn chục con, mỗi con vài ba tạ. Nay khu vườn được gầu xúc moi lên, đất đào sâu khoảng hai mét rưỡi, trải rộng và phá nát. Cả khu vườn mấy hôm trước rau lang xanh mơn mởn, nay nham nhở, chỗ cao chỗ thấp. Chẳng phải gia chủ, tôi nhìn còn tiếc rẻ, vì không chỉ có rau khoai lang mà còn phá cả chục bụi mía, có cả chanh, bưởi và mấy cây mít nữa. Chúng tôi đứng hỏi chuyện những ông bà già cao tuổi ở đây, nhiều người cùng kể giống nhau:

“....Trước đây, khu vực này là một ấp chiến lược có hào sâu và kẽm gai kiên cố. Mỹ –ngụy dồn dân, lập các ấp chiến lược để thực hiện chính sách Bình định: nhằm quản lý và tách dân khỏi Cách mạng. Những năm sáu mươi, đầu năm bẩy mươi, có hàng nghìn hàng vạn ấp chiến lược và chi khu quân sự mọc lên như nấm ở miền Nam, thực hiện chính sách “người Việt đánh người Việt”. Kẻ thù không từ thủ đoạn thâm độc để chống phá Cách mạng. Mỗi ấp chiến lược đều có hàng rào kẽm gai vây quanh, không phải một lớp mà nhiều lớp. Giữa những lớp kẽm gai bùng nhùng là những bãi mìn hay vũ khí sát thương dầy đặc. Ra vào ấp chiến lược chỉ có một hai con đường, có barie, có bốt canh và được kiểm soát chặt chẽ....

Hàng ngày, người dân ra ruộng, ra rẫy làm việc dưới sự kiểm soát của lính ác ôn và cảnh sát, mật vụ địa phương dầy đặc. Cả miền Nam nói chung và từng người dân nói riêng sống trong nỗi lo âu, sợ hãi và nghi kỵ. Muốn cách ly dân, không cho dân tiếp xúc để nuôi dấu Cách mạng, chúng còn thực hiện xóa sạch, đốt sạch phát quang những “vùng Trắng” chiến lược. Và nơi đây, chính trên mảnh đất chúng tôi đang đứng, đồng bào địa phương kể rõ như in: “Chỗ này là hàng rào kẽm gai, cái hào có chỗ sâu ngập đầu người, chạy vòng quanh ấp làm hai ba lớp..., chỗ này là bãi mìn, chỗ kia là trại giam, cách xa hơn trăm mét về phía Nam là chiếc bốt xây bằng gạch, mái tôn và bê tông kiên cố, ở trên đó nhìn xa cả cây số... Chỗ này bọn ác ôn giết mấy ông cách mạng nằm vùng, chúng phơi xác ngay bên hàng rào kẽm gai hai ba ngày, không cho chôn...”.

Rất đông người đến đây xem tìm mộ liệt sĩ qua Nhà ngoại cảm, một phần vì tính hiếu kỳ, một phần cũng để cung cấp thông tin cho gia đình Thắng và chính quyền được rõ. Những lời kể đó dù chỉ qua ít người già còn sống, đem chắp vá từng mảnh lại với nhau cũng đủ minh chứng một thời kỳ ngục tù đen tối, bao trùm mầu đen chiến tranh trên quê hương miền Nam đau thương và anh dũng.

Trong hoàn cảnh đó, muốn tiếp xúc với dân, người chiến sĩ cách mạng phải chấp nhận hy sinh, vượt vòng vây kẻ thù để đến với dân, để tuyên truyền và gây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Những chiến sĩ giải phóng quân là chiếc cầu nối dân với Đảng với Cách mạng, và Đức Thắng là một trong những chiến sĩ giải phóng – những cán bộ địch vận quả cảm đó!

Huệ Chí lấy máy ảnh ra chụp khu vườn, nơi mọi người đào tìm mộ: - “Tối nay về nhà, tao sẽ gửi ảnh cho chúng nó biết nơi tìm thằng Thắng, chắc chúng nó cũng mong lắm!”

Hôm nay không có “Tùng Sumo” chỉ huy, chị Tín và vợ chồng cô Thoa cho chúng tôi biết, tối qua Tùng phải về Vũng Tầu để ra giàn khoan, không thể nghỉ thêm được. Tùng dặn lại, cố tìm hết hôm nay mà không được sẽ tạm gác lại. Sau một thời gian sẽ tính, nhưng không bao giờ bỏ cuộc. Ý nghĩ của Tùng cũng là tâm nguyện của cả nhà!

Tôi và Huệ Chí thắp thêm một tuần nhang mới, chúng tôi thầm cầu nguyện mau chóng tìm thấy Thắng: “Thắng ơi! mày có linh thiêng thì tìm cách báo chỗ nằm cho gia đình mày và chúng tao biết để sớm đưa mày về”.

Phía sau lưng tôi, tiếng cô Thoa vừa khấn vừa vái, nói trong nước mắt. Lời của đứa em gái nghe chân chất, rất cảm động và đau lòng, nghe mà quặn đau, thắt từng khúc ruột. Trong khói hương nghi ngút, tôi như có cảm giác lâng lâng, còn tâm trí thì như bay bổng.

Tôi nhớ lại những ngày đầu của năm học cấp hai. Cái lớp 5A nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm. Hồi đó, tuy là chuyễn cấp, nhưng chúng tôi đã quen và nhanh chóng thân nhau vì năm học lớp bốn chung trường. Những năm cấp Một, chúng tôi học mỗi lớp một cô. Năm lớp 4B tôi học cô Tân già, lớp có 6 thằng con trai: Công cò, Tú lợn, Lâm bẹt, Bá Thắng, tôi và Hồng cận (thằng Hồng sau này là chồng của MC) còn có Nguyên Hạnh, “Cà Nghiêu”... học với tôi từ những năm cấp một. Bọn con trai chúng tôi như “mì chính cánh”. Thế mà chuyển lên cấp hai, mỗi môn học một thầy, một cô, thật là bỡ ngỡ. Trong lớp số học sinh nam, nữ suýt soát bằng nhau. Thương hiệu “Nữ sinh Lê Ngọc Hân” không còn độc quyền nữa.

Mới vào đầu năm học, chúng tôi học bàn tính Trung quốc. Học sinh phải tự làm giáo cụ trực quan vừa để học, cũng là chấm điểm. Được sự trợ giúp của ông ngoại, tôi là đứa học sinh duy nhất trong lớp lấy hạt bồ hòn đen nhánh làm hạt bàn tính. Nhìn bàn tính của tôi, ai cũng mê thích vì nó không khác gì bàn tính của người Tầu bán thuốc Bắc. Tôi được cô Mai Khôi dạy Toán và là Chủ nhiệm lớp cho tôi 5 điểm.

Trong lớp cũng rất nhiều đứa được điểm 5. Có đứa dùng hạt cườm, hạt ngọc nhựa hay hạt ý dĩ. Có đứa thì nặn bằng đất sét phơi khô rồi tô mầu, riêng Đức Thắng, nó làm hạt tính bằng đốt trúc cắt nhỏ, trong đốt trúc đã có sẵn lỗ! Hồi đó chúng tôi rất khéo tay và cả nam cũng như nữ, giờ Thủ công đều thực hiện chung một công việc. Bọn con gái cũng học cưa và đục, bọn nam chúng tôi cũng kim chỉ, thêu thùa hình răng cưa, xương cá như con gái. Bởi vậy mỗi lần học nữ công là bọn nam chúng tôi rất khổ sở. Trái lại học mộc lại là những món sở trường của chúng tôi. Chúng tôi còn phải đan rổ rá và làm đèn Trung Thu. Những lần đó tôi đều hợp tác với Đức Thắng! Nó thì làm xương đèn, còn tôi thì dán và trang trí cho cả hai đứa.

Tôi còn nhớ, hồi đó ngoài chuyện đá bóng, thể thao và đánh ngựa, Đức Thắng còn thích văn công, văn nghệ và làm báo tường. Lớp 5A chúng tôi làm tờ “Quyết Tâm”, sang 6A làm tờ “Quyết Tiến”, chỉ đến lớp 7A khi làm báo ở nhà Thạch Sơn, 53b Hàng Chuối chúng tôi mới đổi tên là “Cá Sấu” (cái tên báo của học sinh Nga thường dùng), chẳng lần nào thiếu mặt Đức Thắng để chép bài và vẽ (hai chúng tôi học vẽ ở thầy Mạnh Quỳnh phố Hàng Trống).

Những lần múa tập thể ở sân trường, Đức Thắng và Xuân Hùng thường xung phong làm mẫu cho các bạn. Xuân Hùng là thằng rất kỹ tính, mỗi khi mặc áo mới, nó sợ bẩn cổ nên thường lấy chiếc khăn mùi – xoa đeo lót phía trong. Đức Thắng và Xuân Hùng thường xung phong ra trước để mời bạn múa: - “Sòl sòl, sòl đô sòl... - Sòl sòl sòl đô rê...”

Chúng tôi đứng thành vòng tròn, vỗ tay và hát... Thường thì Hùng và Thắng đi gần hết một vòng, dừng lại trước một bạn nữ, mời người đó cùng múa. Tay cầm tay, chân nhịp nhàng theo điệu nhẩy (Hồi đó theo quy định, người được mời phải là người khác giới tính, và người được mời không được phép từ chối!)

Đức Thắng tham gia tổ kịch của lớp sớm nhất. Hồi đó lớp tôi dự định biểu diễn một vở kịch thiếu nhi trong buổi Tổng kết cuối năm học. Nội dung vở kịch được lấy trong cuốn tuyển tập kịch thiếu nhi của NXB Kim Đồng do cô Mai Khôi chọn! Tôi không nhớ nội dung vở kịch, nhưng tôi nhớ vở kịch có 4 nhân vật, kể về sinh hoạt của gia đình một bạn học sinh nam Trung quốc.

Đức Thắng, Thế Trường, Minh Châu và một bạn nữa (tôi không nhớ rõ) hóa thân vào những nhân vật kịch đó. Nơi tập thoại của các bạn không phải ở trong lớp mà ở chiếc hẻm nhỏ phía sau trường, nơi đó rất yên tĩnh. Vở kịch chưa bao giờ được biểu diễn ở trường, nhưng học sinh lớp tôi được xem 4 bạn tập cũng vài lần. Tôi tin rằng khi tôi nhắc lại chuyện này vẫn có nhiều bạn còn nhớ. Không tin, các bạn cứ hỏi Minh Châu hoặc Thế Trường thì rõ. (Riêng nhân vật thứ 4, tuy tôi vẫn còn nhớ nhưng không chắc chắn, nên không nhắc tên ở đây).

Hồi học cấp hai, chúng tôi có phong trào kết bạn với học sinh nước ngoài. Hồi đó tôi với cô bạn gái Nadia ở Matskva kết bạn với nhau, chúng tôi viết thư và tặng nhau khăn quàng đỏ, tặng ảnh và kể chuyện học hành. Đức Thắng với một bạn nữ, còn Thế Trường với một bạn nam Trung Quốc ở Thượng Hải. Tuy là bạn của riêng từng đứa, nhưng nếu nhận được thư chúng tôi đều cho nhau xem chung. Chúng tôi còn rủ nhau tới nhà Thế Trường tập hát Quốc ca Trung Quốc. Trong túi quần chúng tôi lúc đó thường có mảnh giấy ghi nội dung bài hát được phiên bằng âm Việt... Chúng tôi “Xì lai, xì lái …” suốt ngày.

Tôi với Đức Thắng có rất nhiều kỷ niệm: nào là rủ nhau đi học lớp vẽ hè của thầy Mạnh Quỳnh ở Hàng Trống. Rồi có lần tôi cùng với Đức Thắng đến nhà Văn Hà rủ nó đi chơi và bị ba của Văn Hà đuổi mắng, còn dọa đến mách nhà trường. Thằng Thắng cáu lắm, nó thề sẽ không bao giờ đến nhà Văn Hà nữa.

Có lần Đức Thắng –Việt Sơn không chỉ vận động mà còn “chịu khó sao chép không công”, giúp các bạn gửi bài dự thi “Vũ trụ”, đợt thi đó do Thông tấn xã Novositi tổ chức. Hơn hai chục câu hỏi tìm hiểu về đất nước Liên-xô, về “Gagarỉn... bay vào vũ chu”, về Ti Tov, Nhikolaiev... và chúng tôi dù không được giải, người nào cũng được ẵm “1 món quà lưu niệm”. Hồi đó, Đức Thắng rất nhiệt tình sưu tầm, nhưng vẫn chịu thua Châu Tấn và Thạch Sơn vì hai thằng này có cả kho tài liệu quý báu.

Đã quá trưa, gần hết 3 ngày đào, bới, xới tung mà chưa thấy một chút hy vọng. Mọi người rất mỏi mệt. Cảnh trời và đất rất kỳ lạ. Cứ mỗi lần có người nào đó gợi ý: “Nếu chiều nay không thấy cốt, ta sẽ san đất, trả lại mặt bằng cho gia chủ... chờ một thời gian sau sẽ tính tiếp”. Những lần như vậy bầu trời ầm ầm kéo mây đen tới, cảnh đất và trời rất sầu thảm, như giận hờn, oán trách. Lộp độp vài giọt mưa như khóc, sau đó là cơn mưa nặng hạt khá lớn. Huệ Chí bảo tôi: “Chắc thằng Thắng nó nghe thấy mọi người bàn chuyện dừng lại, nó buồn đấy!”

Ở trong này gia đình liên tục gọi ra chờ sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. Ở ngoài Bắc “cô Nguyện” cũng trả lời và nói: “tín hiệu hiện nay rất yếu”. Có thể phải dừng lại vì hồn vong mờ nhạt, không kết nối được...

Bọn bạn tôi có Tấn Định, Châu Tấn và Kiều Nga thì gọi điện thoại hỏi thăm tiến độ công việc. Chúng tôi buồn rầu thông báo kết quả cho chúng nó rõ.

Ba giờ chiều chúng tôi phải tính chuyện trở về Sài Gòn. Huệ Chí còn phải đi hai ba chặng xe Bus nên sợ về tới nhà quá tối! Chúng tôi chào chị Tín và vợ chồng cô Thoa, không quên hẹn ngày trở lại.

Ngồi trên xe, nhìn qua ô cửa kính, cơn mưa chưa dứt hẳn, những dòng nước nối nhau chảy dài, tuôn trào, buồn thảm bám trên những ô cửa kính mờ... Huệ Chí chợt nhắc đến bộ phim “Bao giờ cho đến tháng mười”:

- “... Bộ phim độc thật đấy! Những người lính, dù hy sinh ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng muốn tìm về cội nguồn cuộc sống,với người thân yêu của mình. Còn người đang sống không bao giờ quên người đã chết! Người sống và người đã chết đi tìm nhau, dù ở hai thế giới khác nhau nhưng luôn hướng về nhau. Hai cõi âm - dương xa mà gần, gần mà xa vô vọng...”

Huệ Chí ca ngợi bộ phim đó hết lời. Tôi cũng đã xem phim này, không chỉ một lần, mà tới ba lần. Tôi còn gặp cả diễn viên Lê Vân và Hữu Mười trong dịp Lễ Quốc khánh VN tổ chức ở Phnom penh. Hữu Mười ở ngay cạnh phòng tôi tại nhà khách Bộ Văn hóa CPC, đó là dịp 2/9/1985. Tôi sang tổ chức Triển lãm Sách và Hàng văn hóa Nghệ thuật VN, còn Hữu Mười và Lê Vân sang 1 tuần cùng với đạo diễn Đặng Nhật Minh... giới thiệu Phim và ngành Điện ảnh VN ở nước bạn.

Không chỉ ở trong nước, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng mười” rất có tiếng vang trên thế giới bởi nó mang đậm bản sắc dân tộc. Lấy nhân vật chính là người phụ nữ nông dân, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã góp phần làm tăng vẻ đẹp thầm kín cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

Bộ phim kể về Duyên (Lê Vân đóng) một phụ nữ trẻ trở về nhà sau chuyến đi tìm, thăm chồng ở biên giới Tây Nam, cô mang trong mình nỗi đau khôn tả: biết tin chồng cô đã hi sinh. Trên thuyền trở về, cô đã bị ngã xuống sông và được thầy giáo Khang (Hữu Mười đóng) cứu sống. Duyên giấu chuyện chồng hi sinh với mọi người trong gia đình, đặc biệt đối với người cha chồng đang bệnh nặng. Để an ủi cha, Duyên nhờ Khang “thay chồng” viết những bức thư ”giả” hỏi thăm gia đình, từng người một như khi chồng cô còn sống. Những bức thư ”giả” này đã mang lại niềm vui cho gia đình, nhưng nỗi đau thì riêng cô phải âm thầm chịu đựng, nước mắt nuốt vào trong. Thế rồi, có những tiếng đồn dị nghị rằng Duyên và thầy giáo Khang có tư tình. Đến khi người bố chồng cảm thấy mình gần đất, xa trời, ông bảo Duyên gọi điện cho con trai về gặp lần cuối. Chỉ đến lúc này, tin chồng mất mới không giấu được nữa...

Nếu nội dung phim chỉ có vậy thì quá tầm thường. Điều đáng nói ở chỗ: trong phim có hình ảnh Duyên - trong buổi diễn chèo ở sân đình làng, cô đóng vai một người vợ tiễn chồng ra trận. Quá xúc động, cô đã không diễn hết được trích đoạn chèo này và chạy ra miếu thờ Thành Hoàng làng. Ở đây, cô được Thành hoàng cho biết, nếu muốn gặp chồng, thì đợi đến Rằm tháng Bảy, ra chợ Âm phủ sẽ được gặp. Tại chợ Âm phủ, mặc dù gặp được chồng nhưng cô không thể cầm tay được do bây giờ, chồng cô đã là một vong hồn... Cảnh quay cuộc gặp gỡ Âm –Dương cách trở này gây nhiều ấn tượng rất cảm động cho người xem phim.

Huệ Chí xúc động, lẩm bẩm một mình: - “Không biết bao giờ mới tìm được thằng Thắng, nó ở cõi âm, nếu có linh thiêng thì tìm về với gia đình. Thắng ơi! Anh chị em mày, các cháu mày đang đi tìm mày đấy!”. Huệ Chí giải thích: - Phải chờ đến tháng Mười: lúc đó âm dương hòa hợp, đất trời hòa hợp, chắc mới tìm được nó!”. Tôi còn nhớ Huệ Chí nhắc đi nhắc lại vài lần:
- Phim đó hay thật, độc thật! - Thắng ơi! “Bao giờ cho đến tháng Mười” thì mày về nhé!

Gần tới Suối Tiên, chúng tôi còn gọi điện hỏi thăm lần nữa, cô Thoa cho biết mọi người đang san lấp “chiến trường”, công việc sẽ ngừng lại.

Tối hôm đó - khi tôi đã trở về nhà - vợ tôi ở Sài Gòn gọi điện thoại hỏi thăm kết quả chuyến đi, tôi buồn rầu kể lại mọi việc, không quên nhắc lại ý của Huệ Chí. Bởi vậy tôi bảo:

- “Chắc phải chờ vài tháng nữa gia đình anh Thắng mới tiếp tục đi tìm. Nếu đúng tháng Mười, bọn anh sẽ trở lại Đồng Nai lần nữa.”


HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG NHÀ NGOẠI CẢM

Vào một buổi sáng thứ hai vài tuần sau đó, tôi gọi điện thoại hẹn gặp Huệ Chí ở quán café cóc đầu hẻm nhà hắn.

Huệ Chí rất thích Mạc Ngôn, một nhà văn hiện thực đương thời của Trung Quốc. Tôi sưu tầm gần như trọn bộ truyện đã dịch sang tiếng Việt của nhà văn “quỷ đỏ” này. Từ “Trâu thiến”, “Hoan lạc”, “Bạch miên hoa”, qua ”Con đường nước mắt” tới “Châu chấu đỏ”... tôi đã đọc hết và rất khâm phục nhà văn này. Nhưng tôi thích nhất “Ma chiến hữu” bởi cách viết rất kỳ lạ. Thật mà hư, hư mà thật!

“Ma chiến hữu” là một tác phẩm kỳ bí, tác giả cho ta nhìn về cuộc chiến tranh nói chung, đánh giá cuộc chiến tranh biên giới Trung – Việt nói riêng với cách nhìn của những kẻ trong cuộc chán ghét đánh nhau, chán ghét chết chóc một cách vô nghĩa, mơ hồ.

Cuốn tiểu thuyết nổi bật ở những lời đối thoại giữa hai cõi âm – dương, sự vướng lụy giữa con người và ma quỷ. Tác giả dựng những người lính đã chết trên chiến trường Biên giới Việt –Trung, cho họ được “sống lại”, được “suy nghĩ” như những người đang sống, để tự họ phơi bầy mặt thật của chiến tranh, phơi bày sự giả dối, lừa đảo và nhiều điều mà người sống còn kiêng kỵ, không dám nói đến. “Ma chiến hữu” cuốn hút người đọc ở điểm đó!

Trả lại tôi cuốn sách, Huệ Chí cón viết cả một trang nhận xét dài lê thê. Huệ Chí bảo tôi: Thằng Tấn Định có cách nghĩ gần giống Mạc Ngôn, bởi vậy đề tài của nó thường viết về cõi âm, về đồng đội đã hy sinh hoặc bạn bè đã chết. Tấn Định cho chúng nó gặp nhau dưới Âm phủ, hỏi thăm đàm đạo với nhau dưới Âm phủ. Tao khoái bài thơ nó gọi điện thoại cho cái Hảo. Nhiều, nhiều lắm... bài nào nó cũng “dính một chút cõi âm”, cho người sống và người chết gặp gỡ nói chuyện với nhau ... Không hiểu nó đọc “Ma chiến hữu” chưa, tao thấy nếu nó chưa đọc sẽ là một thiếu sót lớn!

Tôi và Huệ Chí ngồi nói chuyện về những nhà ngoại cảm. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể giải thích được nguồn gốc những bí ẩn của các nhà ngoại cảm Việt Nam. Hầu hết các nhà ngoại cảm ở nước ta có được khả năng kỳ lạ là do một biến cố trong đời. Khả năng kỳ diệu đến với Phan Thị Bích Hằng sau một lần thoát chết, Nguyễn Thị Nghi "bắt được" sự thần bí sau khi kết thúc một trận ốm thập tử nhất sinh, còn với anh Đoàn Việt Tiến thì chỉ bằng cách tự rèn luyện mà nên, kiên trì nghiên cứu mà có. Dù mỗi người có những câu chuyện bí ẩn khác nhau nhưng khả năng thần kỳ của họ đã được thực tế chứng minh từ nhiều năm nay. Đó là những điều khó tin đối với con người bình thường nói chung, nhưng lại là niềm tin vô hạn đối với người khác, với những ai tin rằng khả năng của con người là vô cùng - vô tận.

Những gì Phan Thị Bích Hằng đã làm cho đời, thực xứng đáng được trân trọng, không lý lẽ gì có thể bác bỏ. Đã có hàng ngàn gia đình tìm lại được người thân, đã có cả ngàn hài cốt liệt sĩ được trở về đất mẹ sau bao nhiêu năm nằm nơi rừng sâu núi thẳm, mà nhiều đồng đội, người thân đi tìm không thấy. Khoảng 60% trong số các nhà Ngoại cảm có khả năng thực sự tìm kiếm được mộ và tìm rất chính xác. Có nhà ngoại cảm đã tìm chính xác đến 81%. Tuy nhiên, việc lý giải những hiện tượng kỳ lạ này dường như vẫn là một chân trời bí ẩn, rộng mở vô biên, không bờ không bến… Hiện tượng các nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ là rất đặc biệt, kỳ dị, thậm chí khả năng cũng như con người họ dường như đã bị bao phủ bởi màn sương huyền bí, được thần thánh hóa, pha chút ma thuật.

Cũng như tôi, Huệ Chí tin rằng có một “thế giới tâm linh” đang chi phối “thế giới hiện hữu”. Chỉ có một điều người ta đang khám phá… và sẽ đến một lúc nào đó, nó sẽ hé mở (?).

Tối hôm đó, do cảm hứng về buổi nói chuyện với Huệ Chí ở Sài Gòn, tôi lên mạng, sưu tầm và copy nhiều bài viết về những nhà Ngoại cảm của Việt Nam. Tôi lấy máy Epson mầu và in thành hai quyển, một quyển giữ lại xem, còn một quyển gửi ra Bắc cho Tấn Định và Châu Tấn nghiên cứu, giúp đỡ gia đình Đức Thắng tìm hướng đi mới!

Bẵng đi một thời gian khá lâu, vì bận nhiều chuyện trong gia đình: Lễ cúng 100 ngày ông Nhạc. Rồi Hoàng Yến (vợ của Trọng Vinh) cho cháu Chi Mai đi lấy chồng. Hôm đó Châu Tấn và mấy đứa bạn lớp cũ cũng đến dự. Nhưng quan trọng hơn cả là đúng dịp giỗ mẹ tôi. Còn ở ngoài Bắc gia đình tôi bán nhà 74 THT, bố tôi cùng với mấy mẹ con Hoàng Yến chuyển về ở quận Tây Hồ.. . Trong khoảng thời gian đó, tôi không nhận được tin gì của gia đình Đức Thắng, tôi rất muốn biết tin về việc tìm mộ, nhưng không tiện gọi điện thoại hỏi …

Chiều thứ Hai - mùng 7 tháng 12, tôi đang ngồi tiếp mấy anh bạn đến chơi nhà thì nhận được tin báo của Thoa, không hiểu Thoa khóc vì mừng hay vì lý do khác nữa (?,!). Giọng Thoa nghẹn ngào báo tin đã tìm thấy di cốt của Thắng. Không thể diễn tả được cảm xúc trong người tôi lúc đó!

Ngay sau khi nhận được tin, tôi gọi điện thoại báo cho Huệ Chí, tôi rất xúc động, giọng tôi cũng lạc đi. Tôi cho hắn biết 7 giờ sáng mai, ngày 8 tháng 12 gia đình Thắng sẽ cùng UB và Hội CCB tổ chức làm lễ truy điệu tại UBND xã Bầu Hàm II, đồng thời trao "Giấy xác nhận hài cốt liệt sĩ Phạm Đức Thắng” cho gia đình. Trước đó,Thoa cho tôi số điện thoại của cháu Quang để tiện liên hệ, vì Thoa cho biết “tối nay em về Sài Gòn, sợ sáng mai sẽ lên muộn”. Tôi nhờ Huệ Chí báo tin cho tất cả các bạn từ Nam chí Bắc, vì tôi còn tranh thủ đi sắm đồ cúng lúc đó đã 8 giờ tối rồi. Điều tôi còn băn khoăn, chưa rõ lắm khi Quang cho biết thủ tục để có được giấy xác nhận còn gặp khó khăn vì một số lý do có tính nguyên tắc... Quang nói như muốn nghẹn rằng việc có được giấy chứng nhận này rất cần thiết. Rồi Tùng từ ngoài giàn khoan cũng gọi vào hỏi tin…

Tôi nhắc nhở Huệ Chí bằng mọi cách phải có mặt đúng 5 giờ ở Suối Tiên để cùng đi Bầu Hàm II dự lễ truy điệu Thắng.

Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 8 tháng 12, Huệ Chí gọi di động cho biết đã xuất phát từ Bến Thành để đi Suối Tiên. Tôi đến rất đúng giờ, đợi sẵn với đủ đầy hương hoa cùng trái cây để cúng, dự lễ truy điệu ĐứcThắng. Chuyến xe đi Dầu Giây rất thuận lợi, trên xe rất thông thoáng. Trời nắng đẹp, khí hậu mát mẻ.

Một điều khá kỳ lạ và lý thú: Mọi lần xe đỗ đúng trạm ở gần UBND xã, nhưng lần này vì nhiều người xin xuồng sớm một quãng, nơi cách trạm 20 m, vì thế chúng tôi cũng thuận xuống theo. Xe vừa đỗ, hai chúng tôi cùng thốt lên: “Miếu Âm hồn.”

Tôi tưởng mình mơ ngủ, định hỏi thì Huệ Chí đã nói: - Thằng Thắng này thiêng thật,vừa xuống xe là cho tới ngay miếu Âm hồn!

Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý! Tôi mở điện thoại xem: 7 giờ kém 15, chúng tôi đến trước hẹn. Hai thằng lính già đã có mặt, điện thoại báo với Quang: “các chú đang ngồi nhâm nhi uống café ở gần “Miếu âm hồn” của xã Bầu Hàm”.


TÔI ĐI BẦU-HÀM

Nửa giờ sau đó, chồng Thoa và cháu Quang tới, hướng dẫn tôi cùng Huệ Chí vào thắp hương cho Đức Thắng.

Đức Thắng nằm đó, ngay trên bàn làm việc của Chủ tịch Hội CCB Lương Phú Thọ. Như Huệ Chí nhận xét: “Nó bình lặng và âm thầm, nhẹ nhàng mà sâu lắng, tuy cười buồn nhưng chẳng một lời than phiền trách cứ chi ai. Thắng của chúng ta là thế đấy, lúc nào cũng bình dị và vô tư, điềm nhiên như trong di ảnh!”.

Hết tuần nhang này, lại sang tuần nhang khác. Mọi người lần lượt tới viếng và thắp nhang cho Thắng. Chỗ Thắng nằm tạm trong VP Dân chính đảng Xã, trên tường có tấm lịch của Hội CCB, có tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh QĐNDVN, người cha tinh thần của những người lính chiến năm xưa… Và đặt cùng di cốt Thắng là cuốn "Kỷ niệm Trường Lê Ngọc Hân", như Cô Nguyện nói: Thắng nó muốn luôn giữ cuốn sách bên mình …

Chúng tôi ra ngồi ở quán nước ven đường, ngay trước UB. Cháu Quang cho biết: "Đã sáu lần tìm kiếm không thành. Lần này vợ chồng cô Thoa và cháu nghe từ Hà Nội thông báo là có ”đệ tử” của Cô Nguyện vào Bình Phước, dẫn tìm cho hai gia đình có con hy sinh ở đó, họ đã tìm được di cốt và mộ phần, ngay sau đó đã được địa phương chứng nhận để đưa về Bắc. Trường hợp của họ rất thuận lợi khi xin giấy xác nhận hài cốt Liệt sĩ. Riêng của chú Thắng, chính quyền ở đây đòi hỏi phải làm xét nghiệm ADN …”. Giọng nghẹn ngào, cháu Quang kể lại những ngày đi tìm hài cốt:

“ … Cuộc đào tìm bắt đầu, đào từ chân lên tới đầu. Khi những nhát cuốc đào xuống sâu mới hai gang tay đã thấy đất đen. Cuộc đào bới vì thế chùng lại và chậm dần khi hình hài một người nằm nghiêng như đang ngủ, mảnh vải dù vẫn còn cùng với 2 mẩu giây thép gai Mỹ. Không có xương hộp sọ, xương ống tay, xương sườn, hoặc một chiếc răng … mà thông thường một cốt người cần phải có? Làm sao xác định đây có phải là di cốt một con người? Có phải chú nằm đây không chú Thắng?

Thầy bảo hãy đem hai bát nước trong ra cho thầy thử cốt, nếu là đất thường thì nước sẽ đục, nếu đất có phần di cốt người thì nước sẽ trong veo … Chồng cô Thoa và cháu mừng mừng tủi tủi khi 3 quả trứng lần lượt được dựng đứng trên những cây đũa tre … Thầy nói chắc đúng chỗ này rồi, khi nhận được sự xác nhận của Cô Nguyện trao đổi qua điện thoại. Cô Nguyện còn hỏi hàng đũa cắm trứng có thẳng khổng? Khoảng cắm trứng có bằng một thân người nằm không, đầu là hướng Bắc, chân là hướng Nam, cách chân có một cây mít nhỏ cao chừng 2 mét, phía trái trên đầu phía Bắc có mấy gốc dọc mùng… Nhưng chẳng có gì gọi là mộ cả. Chồng cô Thoa thấm mệt nên đề nghị đoàn tìm kiếm cùng thắp cho Thắng những nén hương gọi hồn và nghỉ ngơi ăn trưa. Trong lúc nghỉ ngơi con gái chủ rẫy cũng đi cùng nói " Sở dĩ hôm nay em phải giúp đỡ gia đình vì tối qua bố em về báo mộng: " Ngày mai sẽ có người vào vườn nhà ta đào bới tìm hài cốt, con cứ để người ta đào đừng làm khó nghe con!".

Cô Thoa vừa khóc vừa kể lể: "Anh Thắng ơi! anh Thắng ơi! Sống khôn thác thiêng anh hãy hiện lên đi, cho em được đưa anh về ở cùng bố mẹ.Cho các anh, các chị, các cháu anh hương khói thờ phụng. Dậy đi anh … ta về thôi. Ở Hà nội, các bạn anh đang ngóng đợi, chờ đón anh về. Anh Thắng ơi! Anh Thắng ơi! Về nhà đi anh...!"

Người đào mộ bắt đầu bốc từng mảng đất đen đưa lên trước sự chứng kiến của gia đình, của đại diện chính quyền địa phương là anh Lương Phú Thọ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bầu Hàm II và anh Cao Thạch Sơn, Bí thư Chi bộ (đây là hai người chiến sĩ giải phóng quân sau giải phóng đã ở lại định cư tại Bầu Hàm II, đã cùng gia đình Thắng bám sát, theo dõi cuộc tìm kiếm hài cốt suốt gần 4 tháng, từ 16/8 đến 7/12/2009).

Phút cuối hốt xong phần đất đen cốt của Thắng mà người đào mộ không đi đâu được cứ như có vật vô hình níu kéo lại, họ loanh quanh một chỗ …Thầy gọi điện hỏi Cô Nguyện lý do? Cô Nguyện cho biết vì còn thiếu đôi bàn chân, phải tìm cho đủ mới xong việc được! Mọi người mới sực nhớ ngay từ nhát cuốc đầu tiên đã hớt đi một lớp đất đen, có lẽ đó là đôi bàn chân của Thắng chăng? Khi tìm được nắm đất đen đã bỏ đi ấy, bát hương đột ngột bùng cháy. Ai nấy xúc động và phấn khởi, cho là công việc bốc cốt như vậy đã hoàn tất, và Thắng đã hài lòng!

Qua trao đổi với anh Lương Phú Thọ - Chủ tịch Hội CCB và Cao Thạch Sơn - Bí thư chi bộ - thì được biết, xã không thể xác nhận đây là phần di cốt của liệt sĩ Phạm đức Thắng vì còn thiếu xét nghiệm ADN (!)

Huệ Chí nêu ý kiến tháo gỡ, giọng năn nỉ nhưng hợp tình, hợp lý: "Thưa các bạn cựu chiến binh! Các bạn đã gắn bó với gia đình liệt sĩ Thắng từ bốn tháng nay, đã chứng kiến tất tần tật bảy lần gia đình vào đây tìm kiếm và cuối cùng đã tìm thấy mộ phần của liệt sĩ Thắng. Bây giờ các bạn xác nhận quá trình tìm kiếm và các thông tin đó là có thật. Bên UB chỉ cần xác nhận chữ ký và chức danh của các bạn rồi ký tên đóng dấu là đủ thủ tục. Dẫu sao liệt sĩ Phạm Đức Thắng cũng đã được Nhà nước và Chính Phủ nước VNDCCH công nhận là liệt sĩ rồi. Bác Đồng – Thủ tướng Chính phủ, cấp cao thứ hai sau Bác Hồ đã ký danh hiệu Liệt sĩ cho Đức Thắng …".

Mọi người nghe ra, tất cả nhất trí và đồng ý làm theo hướng của chúng tôi đề xuất. Từ Hà Nội,Tấn Định gọi điện trao đổi với Huệ Chí: "Mày tìm cách nói chuyện với địa phương sao cho hài hòa mọi chuyện riêng chung để Thắng sớm về nhà, về HN thật nhanh và thanh thản. Các bạn đang mong đợi đón nó..!". Mọi người cử tôi soạn thảo văn bản này. Đức Thắng rất linh thiêng, nó giúp tôi chỉ viết một lần, và đúng chỉ một lần độc nhất. Viết xong, đọc cho mọi người nghe không có ai thêm bớt, đều thống nhất chấp thuận và những người có trách nhiệm cùng ký.

Sau khi UB và Đảng ủy ký xác nhận đóng dấu, Chủ tịch UB xã còn cho photocopy làm 5 bản và đều đóng dấu đỏ giống nhau: “5 bản này có giá trị pháp lý như nha

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết