LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Phan Xuân Hùng - Hương ngọc lan

Go down

Phan Xuân Hùng - Hương ngọc lan Empty Phan Xuân Hùng - Hương ngọc lan

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 11:49 am

HƯƠNG NGỌC LAN


Tôi lật đi lật lại nhiều lần trong tay mình bức ảnh do một người bạn thân mới tặng. Bức ảnh em ôm vai cô giáo cũ trong buổi gặp nhau nhân ngày 20 tháng 11. Tôi tự hỏi: Có thật như vậy không? Có đúng là em đã mãi mãi ra đi không? Câu trả lời thật phũ phàng: Sự thật đau lòng đã xảy ra. Không còn nghi ngờ gì nữa, nó đã là như vậy! Em đã ra đi sau một tai nạn giao thông thảm khốc không ai ngờ tới, thật bàng hoàng và đau đớn.

Nỗi buồn mất mát kéo tôi trở lại những kỷ niệm của tuổi học trò ấu thơ gần 50 năm trước, với một người bạn học, một người em gái dịu dàng, khiêm nhường trong lớp. Thì đây, vẫn nụ cười ấy, vẫn nét mặt dịu dàng ấy, dù thời gian tuổi tác trôi qua, gương mặt tròn và đôn hậu, đậm đà và luôn ánh lên vẻ cảm thông, chu đáo.

Hồi còn nhỏ, tôi sống với ba mẹ ở phố Lò Đúc, trong một căn phòng nhỏ thiếu tiện nghi nên cuộc sống của tôi gắn liền với nhiều hoạt động ngoài vỉa hè, kể cả trèo me trèo sấu.

Phố Lò Đúc với hai hàng cây sao thẳng tắp cao vút, dạo ấy các loại cò vạc về làm tổ chẳng khác gì vườn chim. Ngày mưa bão, trứng chim và chim non rơi bồm bộp xuống đường. Còn ngày nắng thì vỉa hè và đường phố trắng toát màu phân chim, tựa như ai rắc vôi trắng vậy.

Ba tôi muốn con đi học gần nhà nên đã xin cho tôi vào học tại trường phổ thông cấp 1 Lê Ngọc Hân, nơi trước đây chỉ dành cho nữ sinh. Lác đác mấy thằng con trai lọt thỏm giữa một rừng con gái mỗi khi xếp hàng chào cờ đầu tuần hay vào lớp mỗi ngày.

Ngôi trường không thật lớn. Một toà nhà hai tầng mái ngói đỏ, kiểu kiến trúc Pháp với cầu thang gỗ lim đen bóng, tường quét vôi vàng. Cả hai tầng đều có hành lang rộng phía trước. Ngôi nhà quay về hướng Nam thoáng mát và nhìn ra một sân chơi nhỏ, nơi chúng tôi vẫn thường hay nô đùa hoặc xếp hàng vào lớp mỗi ngày.

Trên sân trường có ba cây to: phía gần cổng ra vào, một cây sấu già đứng sát trạm biến thế điện. Chính giữa sân là một cây cổ thụ, thân cây to cỡ 4 người ôm. Đứng dịch phía sau một quãng có một cây nhỏ hơn chừng hai người ôm. Trên thân cây lớn phía trước, trường treo một cái chuông đồng cũ khá to, cao cỡ bốn tấc, hàng ngày báo hiệu giờ học, giờ nghỉ cho chúng tôi. Là cái chuông, tiếng kêu của nó là tiếng chuông nhưng không hiểu sao chúng tôi đều gọi là tiếng kẻng : kẻng vào lớp, kẻng ra chơi... Sau này khi cái chuông không còn nữa, một tấm thép được treo lên làm cái kẻng báo giờ, bấy giờ âm thanh phát ra mới thực sự là tiếng kẻng.

Ngôi trường có một tầng hầm rất rộng và ít khi có ai lui tới. Vào những hôm trường tổ chức lao động tập thể, tụi con trai thường rủ nhau chui xuống thám hiểm hầm trường. Ngoài vôi vữa đất cát, chai lọ ai vứt xuống từ bao giờ, chúng tôi chẳng tìm thấy cái gì cả. Giá như có một bộ xương người hay cái gì đó tương tự thì chắc rất thú vị. Càng đi sâu vào phía trong càng tối, phải châm lửa lên làm đuốc soi đường, có vài đứa còn mang theo phấn để viết tên mình lên tường hầm, đánh dấu ngày mình đã đến thăm hầm trường này. Cuối cùng mặc dù không tìm thấy gì nhưng các chuyến thám hiểm ấy cũng tạo ấn tượng rất thú vị cho lũ trẻ chúng tôi.

Nhớ mãi ngày 1 tháng 12 năm 1959, tại trại tập trung tù chính trị Phú Lợi trong miền Nam có vụ đầu độc thảm sát tù nhân, hơn một ngàn người đã bị giết hại. Nhà trường tổ chức cho chúng tôi tham gia biểu tình phản đối, sau đó tại sân trường, ngay sát bờ tường ngôi nhà đối diện , thầy trò chúng tôi dựng một tấm bia tưởng nhớ các nạn nhân. Tấm bia khắc sâu căm thù được dựng khá cẩn thận, cao chừng mét rưỡi, vây quanh bia là các loại hoa hồng, tóc tiên, mười giờ rất đẹp... được chúng tôi chăm sóc cẩn thận.

Khi chúng tôi học xong lớp 4, may mắn thay, trường mở thêm cấp 2, số học sinh tăng lên, số học sinh con trai tăng lên xấp xỉ bằng số con gái. Để có chỗ chơi cho học sinh, Ban giám hiệu cho mở rộng sân chơi lên khoảng đất trống phía trong, nơi trước đó chỉ lơ thơ vài luống rau bông ngót, mồng tơi của ai đó tăng gia. Cái sân phía trong cao hơn sân ngoài ba bậc thang nên còn gọi là sân trên. Bậc tam cấp có lát các tấm đá phiến rất to, góc sân có một cây hoa ngọc lan cao vút tỏa hương thơm ngát. Ngày ấy đất đai sao mà rộng rãi, tâm hồn ai cũng thảnh thơi. Các thầy giáo, cô giáo coi chúng tôi như con cháu trong nhà thực sự, xét thấy cái gì có ích cho học sinh là tổ chức làm ngay, ví như để tạo điều kiện tiếp thu kiến thức địa lý, nhà trường quây một góc sân làm thành "Vườn địa lý", mô hình cũng có đủ ao hồ núi non suối sông chảy ra biển cả. Trên các vách núi có trồng nhiều cây cỏ rất đẹp mắt, giống như núi thật nhìn từ xa. Góc vườn địa lý còn trồng một cái trụ cao trên đó có con quay đo gió khá đẹp mắt và sinh động.

Một thực tế hình thành rất tự nhiên, đó là hầu như tất cả bọn con gái thường ra chơi ở sân dưới, còn bọn con trai chơi ở sân trên. Con gái cũng có nhiều trò khá sôi động như bóng chuyền sáu, nhảy ngựa, chơi ù... nhưng sao bằng được tụi con trai chúng tôi. Phần chính của sân trên thực sự là nơi thích hợp cho bọn con trai nô đùa nghịch ngợm. Thôi thì chơi khăng, chơi bi, đánh đáo, chơi xô vê (trò chơi đuổi bắt), đá cầu, đá bóng... nhưng khoái nhất có lẽ là trò đánh ngựa. Trò chơi này có tính đối kháng rất cao. Cứ từng đôi cõng nhau, một anh to khoẻ làm ngựa cõng một anh nhỏ con hơn nhưng nhanh nhẹn làm chiến tướng. Từng cặp xông vào quyết chiến, kéo ngã các cặp khác. Mồ hôi chảy ròng ròng, đất cát bụi bặm bê bết chân tay đầu cổ... Đang hăng hái thế thì kẻng vào học, chúng tôi ai nấy nhễ nhại mồ hôi, xốc xếch chạy về xếp hàng vào lớp, có khi xô đẩy vào cả các bạn gái và luôn bị các thầy cô giáo phàn nàn. Mỗi lần như thế có bạn lườm nguýt tỏ vẻ khó chịu phản đối, nhưng em thì không bao giờ. Chỉ một nụ cười nhẹ nhàng thông cảm và ... hơi né người một chút, nhừơng chỗ cho tôi. Chính cái sự "né một chút" ấy đã làm tôi thay đổi, nảy sinh một cái gì đó trong tâm trí mình mà mãi đến bây giờ vẫn chưa tự giải thích được.

Tuổi thơ chúng tôi cứ thế trôi đi trong tiếng hát "Đường rộn ràng kìa chim hót vang, nhanh bước nhanh trên đường tới trường... Ngày ngày em tới trường, từ xa vang tiếng cười, trường em vui là vui, em mến trường chúng em".

Bốn lăm năm sau, do nhu cầu về diện tích phòng học, ngôi trường đầy kỷ niệm của chúng tôi đã bị phá đi để xây lại to hơn. Ngày bắt đầu việc phá dỡ, một vài người trong số học trò cũ biết chuyện đã quay lại để vĩnh biệt ngôi trường. Đó là những khoảnh khắc đầy xúc động.

Ngót năm mươi năm đã trôi qua, lũ trẻ ngày nào hầu như đã trở thành ông nội, bà ngoại cả, nhưng khi gặp mặt nhau vẫn cảm thấy như bạn bè thời tiểu học. Tình yêu là vô hình, không đo đếm được và có lẽ cũng vì thế nên nó không bao giờ già theo năm tháng, không mất đi như gạch ngói vôi vữa kia đâu.

Thoảng đâu đây trong gió, tiếng ai da diết "Lối cũ ta về, dường như nhớ lại, trời xanh xanh mãi, một màu ấu thơ..." và "Dù cho nay em bên anh không còn nữa, biết chăng con tim anh luôn hằng nhớ..." và còn một câu hát, cây hát khiến trái tim tôi bồi hồi "Lối cũ ta về, dừng chân trước thềm, thoảng nghe trong gió mùi hương ngọc lan..."

Tháng 10 - 2006
PHAN XUÂN HÙNG

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết