LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nguyễn Kinh Luân - Hồi ký

Go down

Nguyễn Kinh Luân - Hồi ký Empty Nguyễn Kinh Luân - Hồi ký

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 11:43 am

HỒI KÝ

Nguyễn Kinh Luân, bạn học cũ trường Lê Ngọc Hân hiện đang sống tại tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn khoảng 30 cây số. Vào đầu tháng 11 năm 2006, gặp Kinh Luân, chúng tôi cho anh biết là đang làm một quyển sách kỷ niệm trường. Anh tỏ ra rất thích thú, nhưng vì không có thời gian, vả lại anh đang bận làm nhà nên lấy làm tiếc là không thể viết gì được.

Tuy nhiên anh cho biết là anh đã viết một quyển hồi ký - tự truyện gồm nhiều chương cách đây hơn 10 năm, trong đó có chương ghi lại những hồi ức về giai đoạn anh học tại trường Lê Ngọc Hân, anh sẽ cho chúng tôi xem chương này (trong số hàng chục chương của hồi ký), với tiêu đề "Những chiến binh trên cát". Chương sách khá dài, phần đầu kể về việc gặp lại Trọng Vinh, người bạn học ở Lê Ngọc Hân ngày xưa, đồng thời cũng là em rể của anh, kể về những cuộc tiếp đãi, đi chơi ở Sài Gòn, về công việc các anh đang làm... Phần cuối nói về những kỷ niệm với trường cũ.

Nhận thấy đây là một hồi ký tự truyện đã được viết trong nhiều năm cho đến năm 1997 thì xong, khi đó trí nhớ anh chắc còn rất tốt. Những gì anh viết là khá tỷ mỉ, khắc hoạ lại được cả một thời học sinh và từng gương mặt bạn bè... rất có giá trị, chúng tôi đề nghị anh cho đăng trong quyển sách kỷ niệm trường. Anh đã vui vẻ đồng ý, coi đó như một bài viết gửi vào sách tặng thầy cô và các bạn.

Sau đây là trích nguyên văn phần cuối chương này :

NHỮNG CHIẾN BINH TRÊN CÁT

"... Trọng Vinh bảo tôi: "Tôi ít có bạn bè, chỉ bạn hồi phổ thông và trường Đại học là thân, sau này ra làm việc, nay đây mai đó, không cố định nơi ở nên rất mệt mỏi. Công việc giao thiệp cũng ít, may mà có Hoàng Yến là hậu phương vững chắc, nên là niềm tin tưởng cho tôi".

Tôi bảo: "Có lẽ cuộc đời mỗi người là một số phận riêng biệt, có người thuận lợi, may mắn, nhưng có người khó khăn, bất hạnh. Đừng cho mình là sung sướng, bởi vì có nhiều lúc lên đến tột đỉnh, sau lại rơi xuống bùn đen và vực thẳm, lặp đi lặp lại mấy lần.
Giờ đây, mình nghiệm ra rằng, những tháng năm đã trôi qua, không phải lúc nào cũng êm đềm, mà cuộc đời như trăm ngàn con sóng nhỏ, có cả giông tố đã nhấn chìm mình xuống đáy biển. Cũng có một thời êm đềm nhất, đẹp đẽ nhất là những tháng năm mẹ mình còn sống, kinh tế gia đình khá giả, đầy đủ. Chính những ngày đẹp đẽ đó là những năm tháng còn học ở trường Lê Ngọc Hân thân yêu, mình yêu mến ngôi trường đó với bạn bè tuổi thơ hồi đó còn hơn cả hồi học cấp 3 Quỳnh Lôi và sinh viên Đại học. Cho tới bây giờ, không chỉ nhớ tới các thầy cô cấp 1 như: cô Thanh nghiêm khắc, cô Tân già cẩn thận, tỷ mỉ, cô Luật khó tính. Nhưng sâu sắc nhất là các thầy cô cấp 2 như : cô Mai Khôi 5A, cô Bắc Thành 6B, cô Quỳnh Nga 6A, thầy Lộc 7A và cả thầy Thúy, thầy Bốn dạy vẽ nữa.

Đừng cho những lời mình nói là giả dối, mà tự đáy lòng mình thấy rằng: tuổi thơ những năm tháng đó trong sáng quá, sạch sẽ quá. Tiếc rằng những năm tháng đó qua nhanh và chúng mình không lưu được gì nhiều cho sau này ngoài những suy nghĩ tốt về những cậu học trò nghịch ngợm, bên cạnh các cô học sinh hiền lành, vui vẻ... Cái thời quàng khăn đỏ và cắp sách tới trường...

Tôi thao thao bao lời tốt đẹp với Trọng Vinh mà không chút ngượng ngùng, không cảm thấy xấu hổ bởi đó là sự thật. Tôi yêu thương không chỉ mái trường, mà tôi yêu thương tất cả bạn bè thời đó.

Chao ôi! Nếu như hồi đó có máy quay phim, ghi hình nhỉ? Chỉ cho chúng tôi được sống lại một ngày của tuổi thơ ấy. Chúng tôi như những tờ giấy trắng, mới chỉ viết được hai chữ "Tình bạn", và chuẩn bị hành trang để bước vào đời...

Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Thanh Mai, em viết cho tôi :

"... Ước gì thời gian không đi, thời gian quay trở lại
Để được em ôm, ôm chặt mãi trong lòng..."

Tôi nhận thấy rằng, hai câu thơ này của Thanh Mai rất hợp với tôi, nhất là trong lúc này, trong lúc tôi và Trọng Vinh cùng nghĩ về mái trường xưa và bạn bè cũ.

Cả đêm đó hai chúng tôi không ngủ, cùng nhắc lại kỷ niệm "xưa quá rồi". Tôi tìm tập thơ đã cũ mèm, đưa cho Trọng Vinh xem và bảo :

"Bài thơ này tuy viết cách đây một chục năm, nhưng mấy câu đầu thì nói chuyện "xưa như cổ tích", cậu xem xong và đố cậu xem ai đã chửi mình?
Trọng Vinh hào hứng cầm đọc. Bài thơ "Chưa chết vì còn biết bơi, biết bơi nên chưa bị chết".

Hồi nhỏ theo bạn đi bơi,
Để trên bè nứa, nên rơi mất quần
Bạn chửi :"Mày là thằng đần
Có một cái quần mà cũng để rơi !"

Lớn lên bơi giữa dòng đời
Cực ơi là cực, tôi bơi một mình
Không thấy nước, chỉ thấy sình
Chân tay bị bó, thất kinh kêu trời

May mà hồi bé học bơi
Lớn lên ngụp lặn, suýt thời ra ma
Nhìn đời, nhìn bạn, nhìn ta
Biết bơi (nên) chưa chết (nhưng) còn xa (mới) tới bờ !

Tháng 11 năm 1980

Trọng Vinh phá ra cười :

- Tôi chửi ông đấy ! Tôi chửi vì trong túi quần của ông lúc đó có mấy thứ tôi gửi. Mất của mà không thể bắt ông đền, tức quá phải chửi thôi. Cũng rất may, ông còn chiếc quần đùi mặc về nhà. Này, ông còn nhớ hồi đó, bọn mình hay rủ nhau ra nhà thằng Huệ, tìm cỏ gà và đi đổ dế...

Thế là chúng tôi lại quay sang đề tài đổ dế!

Thú vị nhất là lúc phát hiện được tổ, cửa miệng tổ có những hạt cát nhỏ li ti, miện lỗ ẩm ướt là có dế.

Tôi và Trọng Vinh thay nhau xuống hồ lấy nước đổ vào lỗ cho dế ngạt mà chui ra.

Để hiệu nghiệm hơn, mỗi một lon nước đổ vào, chúng tôi đều pha một ít nước tiểu của mình. Cái món "giải khát" này chỉ vừa mũi chúng tôi, chứ đến như "dế Cụ" cũng không chịu được, mà phải chui, bò ra chịu bắt.

Thường thi sau khi bắt được dế, chúng tôi phân hạng rồi mới cho chúng lên "võ đài".

Có một lần Dũng "ba môi" phá đám. Cái thắng có vết sẹo nổi lên như một cục thịt thừa giữa môi và cằm nên có biệt danh độc đáo như vậy.

Tôi và Trọng Vinh cùng tìm được một tổ, thay nhau chạy đi chạy lại đổ nước vào lỗ. Đúng lúc Trọng Vinh chờ chú dế màu đen thập thò bộ râu và cái đầu bóng mượt đầu tổ, thì "ập" một cái, Dũng "ba môi" kiếm đâu một cái xẻng, chặn đuôi và xắn luôn cả mảng đất lẫn chú dế và nhận là của mình.

Tức giận vì bị cướp trắng trợn, Trọng Vinh xưa nay nổi tiếng rất hiền nhưng rất cục, bởi vì lúc này "cục u" nổi lên, giận dữ :

- Mày không trả tao con dế, coi chừng ống bơ nước đái này sẽ vào người bây giờ!

Thấy Trọng Vinh dữ quá, Dũng "ba môi" hơi dùn. Nhưng "ba môi" bản tính cù lỳ, nó nghĩ chắc Trọng Vinh chỉ doạ, chẳng dám làm thật, nên bướng bỉnh:

- Mày dám à, tao thách đấy ! Con dế này tao đào được, không phải của mày!
Không ngờ, rất nhanh tay, Trọng Vinh làm thật, cả một ca nước lã pha "nước đái quỷ" của Trọng Vinh được nó té lên người "ba môi", ướt từ ngang bụng trở xuống.

Thế là vừa la hét, hai thằng vừa xông vào, vật nhau chỉ vì giành nhau một chú dế mèn!

Vài ba đứa đứng ngoài xem, cũng muốn vào can nhưng không dám chỉ vì... cái mùi "armôniắc" khó ngửi. Chỉ đến khi mấy đứa cầm xô nước té, chúng mới chịu buông nhau. Nhưng đến khi tìm con dế để lấy bằng chứng xử kiện thì hỡi ôi! dế có cánh đã bay đi xa rồi!

Kể lại chuyện "xưa như cổ tích" ấy! Trọng Vinh ngậm ngùi tự trách "Nó sai, mình cũng sai, bây giờ nghĩ lại thấy "nhố nhăng" quá! Nhưng chỉ sau đó không lâu, bọn mình lại làm lành, cũng do buổi đá bóng sau đó hai đứa cùng ở một bên, bóng đá gắn kết và xóa đi mọi xích mích của chúng mình".

Chúng tôi còn nhớ, sau mỗi trận bóng đá, vài đứa thường rủ nhau vào nhà Thành Công. Trước đó mấy năm, nhà Thành Công ở bên cạnh cổng bệnh viện 108 Quân đội. Nhà nó có bụi trúc vàng rất đẹp, có vườn ý dĩ và vài ba cây bưởi. Thành Công lấy bưởi và mang ra cho chúng tôi ăn.

Thú vui nữa của chúng tôi là nhặt những lõi bàng, lấy gạch đập dập vỏ, moi nhân ăn.

Trong bọn nam, Phương "min" là thằng nghiện ăn nhân bàng nhất, tôi cũng vậy. Đừng nghĩ chúng tôi nghèo đói nên ăn bậy bạ như vậy, chỉ bởi chúng tôi thích cái mùi béo ngậy, sần sật rất đặc biệt của nhân hạt bàng.

Những lần bọn con gái theo ra cổ vũ sân cỏ, khi nghỉ thấy chúng tôi ăn nhân bàng, chúng chẳng khách khí gì và cũng tập ăn, rồi cũng "khoái khẩu". Tuy nhiên, chúng thích nhặt me rụng ăn ngon và hợp khẩu vị hơn.

Có lần, có một ông già trí thức ngồi chơi trước tượng Pastơ, thấy chúng tôi nhặt hạt bàng ăn, ông ngạc nhiên, tò mò tìm hiểu. Ông gọi lại cho chúng tôi tiền mua quà, khuyên đừng ăn như vậy. Chúng tôi lắc đầu và không nhận tiền, nói rằng ăn nhân bàng rất ngon và quen rồi. Ông đòi ăn thử và không ngờ ông rất thú vị vì cái vị ngon khó tả hơn cả lạc rang!! và ông xin chúng tôi một ít hạt mang về.

Nhắc đến bạn cũ, tôi hỏi Trọng Vinh :

- Trong đám nam hồi đó, cậu ấn tượng ai nhất ?

- Mình thấy mỗi thằng một cá tính, chẳng thằng nào giống thằng nào, đều lém lỉnh, thông minh và tinh nghịch. Cậu thì "vở sạch, chữ đẹp" nhất lớp, lại vẽ giỏi, mấy năm liền được giữ sổ điểm của lớp. Hồi đó cậu trắng xanh như cục bột, lúc nào cũng giày dép như một cậu công tử nên bị bọn con gái tặng cho biệt danh "Luân công tử bột".

Trong lớp có cặp Đức Thắng - Thế Trường kết nghĩa vườn đào. Có Công "cò" học giỏi nhưng kênh kiệu, có Khôi "thọt" giỏi toán nhưng hay nổi cáu. Có Phương "min" xấu trai nhưng tính tình rộng rãi, bị bọn con gái làm thơ đặt vè chế nhạo:

Mặt Phương như thể đĩa vừng
Ta ngấu ta nghiến không ngừng được ta
Trọng Vinh thú nhận: "Mình không thích thằng Ngọc Hải, cái thằng hay phá ngang, thích nịnh bọn con gái, hay đùa dai khi người ta không thích".

Rồi như trút bầu tâm sự, Trọng Vinh kể tiếp:

- Trong những đứa nam trong lớp, thằng Châu Tấn con ông Võ Quảng, thằng Thạch Sơn con ông Võ Thuần Nho. Hai đứa ở gần tớ, nhưng bọn mình không thân nhau lắm. Đúng ra thân cũng chẳng thân mà ghét cũng chẳng ghét. Chúng nó đều gây ấn tượng cho mình. Châu Tấn lắm tài nhưng nhiều tật nhất lớp mình nên rất nổi tiếng. Mình chỉ ưa 50% trong con người nó.

- Cái nửa mà cậu không thích trong con người Châu Tấn là gì?

- Thằng Tấn rất giỏi văn, nhiều bài văn của nó được đọc mẫu trong lớp và có lần được đọc toàn trường. Ai cũng khâm phục. Tớ thích cách mở đề của nó, nhưng không thích kết luận của nó. Nó mở đề rất tự nhiên, sống động. Trong lớp chỉ có Minh Châu và Bích Vân là tay "cơ" ngang tài với nó. Lẽ ra chúng nó phải ghép Châu Tấn và Minh Châu thành đôi mới đúng. Thế mà không hiểu sao, bọn trong lớp lại gán ghép cậu với Minh Châu ? Tớ thấy cái Nguyên Hạnh với cậu đẹp đôi hơn.

- Cậu nhầm rồi ! - Tôi cố gắng giải thích - Hồi đó còn trẻ con, thích thì ghép đôi chứ có đôi nào thành đâu. Với Minh Châu mình chỉ có duyên chứ không có số, chúng mình rất thân nhau chứ không bao giờ yêu nhau. Chẳng qua hồi đó mình với Minh Châu thay nhau làm lớp trưởng, lớp phó 2 năm lớp 5A, 6A. Đến năm lớp 7A, hoàn cảnh gia đình mình khó khăn, mẹ mình đột ngột mất, chúng mình phải làm thêm để kiếm sống nên học lực bị sút đi, Minh Châu là người duy nhất mình tâm sự nên biết.

Có một điều bây giờ mình mới bật mí cho các bạn: Hồi đó mình có 2 Minh Châu: một Minh Châu là cô bé Việt kiều Tân đảo, cô bé hơi lai, rất xinh đẹp, là người mình để yêu và một Minh Châu là cô bạn gái mà các bạn gán ghép. Chính vì thế rất nhiều bạn bị nhầm.

Tôi thật bất ngờ khi Trọng Vinh nhắc về chuyện cũ. Tuổi thơ của chúng tôi thường ghép đôi đùa nghịch là chuyện thường. Rồi sau này lên cấp 3, học ở Quỳnh Lôi, Minh Châu học sáng, tôi học chiều nhưng vẫn thường gặp nhau trên con đường đi học, thỉnh thoảng cũng đứng lại chuyện trò vui vẻ. Mỗi lần nhắc đến Minh Châu thì Trọng Vinh lại hồ hởi nói rằng trong bạn bè, thằng con trai duy nhất Minh Châu mời khi đám cưới nó là Kinh Luân, bởi vậy Kinh Luân phải kéo Đình Lộc đi cùng, nhưng chỉ mua món quà mừng mà không lại dự.

Tôi tránh né trả lời, tôi sợ Trọng Vinh lạc đề nên nhắc khéo:

- Cậu nói Châu Tấn lắm tật, tật đó là gì?
- Cái vụ ẩu đả giữa Châu Tấn và Nguyễn Huệ ở sân bóng, sao nó liều thế, làm thằng Huệ bị thương ở gót chân phải nghỉ học mấy ngày.

Tôi cố gắng bào chữa cho Châu Tấn:

- Thằng lớn nó ức hiếp thằng bé, đương nhiên là Châu Tấn phải tự vệ, chỉ tiếc rằng cách tự vệ không tính đến hậu quả. Cũng tha nhứ cho nó vì hồi đó còn là trẻ con, ngay cả Thánh cũng phải chịu - Tôi cố tình trở thành luật sư cho Châu Tấn - Nhưng dù sao, Châu Tấn vẫn là người có tài, ngoài chuyện thơ văn trong lớp, nó còn viết nhiều và tham gia các cuộc thi mượn tên tập thể. Bởi thế mình và Thạch Sơn có dịp ăn theo, đi nhận giải 3 cuộc thi tìm hiểu nước CHDC Đức. Giải thưởng hồi đó là chiếc đèn chiếu hình và một số tranh ảnh, văn phòng phẩm. So với bây giờ là chuyện nhỏ, nhưng hồi đó là một món quà lớn, đáng khen ngợi.

Trọng Vinh vẫn chưa tha:

- Châu Tấn là thằng đầu têu nhiều chuyện "động trời"...

Tôi lái sang chuyện khác, hỏi thăm tin tức Thanh Hà, cái thằng có biệt danh "Hành Hạ" vì nói lái gán ghép với Nguyên Hạnh, đưa bạn gái thông minh học giỏi trong tốp 10 đầu lớp. Trọng Vinh cho biết chỉ gặp Thanh Hà ở Hữu Lũng một lần, gia đình nó đi kinh tế mới.

Những năm cấp 2, trên bảng danh dự treo trong lớp thường có tên tôi. Tôi là một học sinh giỏi trong tốp 5 đầu lớp. Nhưng đầu năm 7A, đột ngột mẹ tôi mất và đó là bước ngoặt lớn của đời tôi. Từ lớp gia đình giàu có, khá giả, tôi bị suy sụp không chỉ về mặt tinh thần mà cả vật chất. Từ một học sinh giỏi trong lớp, tôi bị tụt hạng từng tháng, nhưng với tất cả nghị lực của bản thân, cuối năm 7A tôi vẫn đạt được danh hiệu học sinh A 2 sau khi gỡ được điểm tổng kết 5 môn toán của thầy Lộc.

Ngồi nhắc lại chuyện xưa hồi đó, cả Trọng Vinh và tôi bồi hồi nhớ lại những chàng kỵ mã trên sân cát của trường. Những con chiến mã người, thật dũng mãnh, thật quả cảm và bên cạnh sự nghịch ngợm mang tính trẻ con, đó là sự say mê lãng mạn của tuổi thơ, là sự hiếu thắng ngộ nghĩnh và để rồi trở thành dấu ấn một thời:

Ở hai góc sân cát, những con chiến mã mang các chàng hiệp sĩ chuẩn bị xông trận.

Gần như giờ ra chơi nào cũng vậy, vừa dứt tiếng kẻng, chúng tôi ùa ra sân trường, chạy về bãi cát. Không chỉ bọn con trai mà gần như cả lớp, cả trường đứng xem và cổ vũ cho những chàng kỵ mã lên đấu trường tỷ thí.

Cũng chẳng có ai phân chia xếp đặt, mà từ khi nào đó chúng tự tìm nhau xếp đôi và gắn kết với nhau bền vũng suốt cả năm trời.

Đức Thắng và Thế Trường là một cặp khá nổi tiếng. Thạch Sơn với Nguyễn Huệ, còn Thiếu Tùng với Thanh Hà, chỉ có tôi và Ngọc Hải là cặp chạy rìa. Hồi đó Thạch Sơn và Nguyễn Huệ thường đi cặp với nhau. Thường thì chúng hợp nhau nên biết sở trường để cùng tác nhiến.

Không có gì quá đáng khi tôi viết ca ngợi những chàng trai kỵ binh dũng mãnh chỉ mới 13 - 14 tuổi, cái tuổi vô tư, hồn nhiên và luôn luôn hiếu động. Một thời làm khâm phục các nàng nữ sinh trong lớp.

Hầu hết các trận chiến đều nổi danh Thiếu Tùng và Thanh Hà. Hai đứa trở thành một cặp song hùng vô địch không chỉ đứng đầu trong lớp mà nổi danh cả trường.

Thanh Hà ngồi trên lưng "ngựa", được Thiếu Tùng cõng nhong nhong, đi qua đi lại, tìm chờ đối thủ nhập cuộc. Thanh Hà dõng dạc tuyên bố:

- Tao chấp tất cả bọn bay - từng đứa vào một - đứa nào dám vào, tao cho ngã tất!

Thường thì cặp Thạch Sơn - Nguyễn Huệ là đối thủ ngang sức, ngang tài. Chúng xông vào trước. Nguyễn Huệ cao, to lớn, dân bến sông, bến nước nên dẻo dai và khá mạnh mẽ. Cả hai cặp xáp lá cà, nhưng chưa đánh trực diện, cả hai đều cố xoay xở để bắt được lưng đối thủ. Chỉ một sơ hở của đối phương là bên kia dễ dàng nắm được thế mạnh, hai chàng kỵ mã túm nhau, giằng nhau và vật nhau trên lưng hai con "ngựa chiến".

Luật chơi không cho phép đánh nhau và luật bất thành văn nếu đẩy được đối thủ ngã ngựa là thắng.

Có những lúc tưởng như Thạch Sơn không chịu nổi sức đè và đẩy của Thanh Hà, nhưng rồi như bản năng tự vệ sẵn có, chúng cố gượng dậy.

Có lúc Thanh Hà dỡn dỡn để nhử và bất ngờ lừa miếng giật mạnh tay làm Thạch Sơn lao đao và Nguyễn Huệ chới với, chân đứng không vững. Rồi cũng đến lúc Thạch Sơn bị Thanh Hà quay cho một vòng. Cả Thạch Sơn và Nguyễn Huệ đều đổ xô, ngã về một phía, đè lên nhau và lồm cồm bò dậy. Tiếng reo vang tỏ vẻ thán phục.

Không kịp để thằng "3T" và Thanh Hà mừng vui chiến thắng, cặp Đức Thắng - Thế Trường xông vào trận, tiếp ứng ngay.

Thế Trường bé loắt choắt nhưng chịu đòn khá hay, hai đứa ung dung vào sân cát ngang nhiên đối đầu với cặp chiến mã song trùng.

Thế Trường nhỏ con nhưng dai sức, tỏ ra khá bền bỉ và linh hoạt. Do Thế Trường nhẹ nên Đức Thắng dễ dàng xoay trở, bởi vậy Thanh Hà cũng gặp khó khăn khi tiếp cận.

Cả hai đang tìm miếng để lừa nhau, có những lúc Thế Trường bị kéo rạp lưng xuống sát đất, nhưng sự bền dai, sức chịu đựng và cả khéo léo của Thế Trường giúp nó trỗi dậy.

Nhưng rồi cũng giống như Thạch Sơn, chẳng mấy lúc Thế Trường tỏ ra yếu thế và chịu khuất phục. Chỉ đợi có thế, Thanh Hà dấn lên, kéo ngửa cả người cả ngựa rời xa nhau, Đức Thắng không giữ được thăng bằng và quay quay bị xô ngã trên cát. Cả hai vừa đứng dậy, vừa phủi cát trên người, chịu thua trong tiếng reo chúc mừng đôi chiến mã thắng trận là Thiếu Tùng và Thanh Hà.

Đừng nghĩ Khôi "thọt" có tật không tham gia, trái lại nó cũng là một chiến binh dũng mãnh và tự hào vì "ta đây có vết tích của cuộc chiến nên... thọt".

Sau các "mãnh tướng", các sứ quân là đến bọn lau nhau chúng tôi. Chúng tôi tham gia để cho vui, cho có phong trào, hòa chung vui với các bạn và cũng vì sự cuốn hút cái máu "yêng... hùng" thay vì chơi mấy món bi, đá cầu chán rồi.

Tham gia trận chiến thường thì tôi với Ngọc Hải một cặp, chúng tôi thoả thuận mỗi trận một đứa làm ngựa, sau đổi lại. Hai chúng tôi còn giao hẹn, nếu thấy thua thì chạy chứ đừng để nó vật ngã, "đau lắm".

Tôi và Ngọc Hải rất nhát đòn, và môn thể thao dùng sức mạnh này ngoài mấy đưa bạn nam hung hăng, chứ bọn tôi thich xem hơn là thích hành động...

Thế mà có lần, mấy đứa nam thách bọn nữ tham gia, lúc đầu chúng nó ngẩn người chưa rõ chuyện. Không ngờ Minh "béo" và Ngân Đóa giờ tay ra "Chấp một tay !", làm các chàng trai cụt hứng.

Quả thật lớp tôi có cả Bà Trưng, Bà Triệu, vui thật!

Giờ nói chuyện với nhau, Trọng Vinh đành thú nhận:

"Hồi trước đùa gán ghép với nhau trong lớp cũng có mấy đôi thành vợ, thành chồng, nhưng chưa ai lấy em gái của bạn... Tôi để ý đến Hoàng Yến lâu rồi nhưng không dám nói. Lúc này Yến lại học cùng trường với Tâm và dạy cùng trường với Liên, tôi thất cũng "hay hay" nên mới dám tấn công, cũng phải nhờ mấy đứa em giúp".

(Tôi không biết có phải mấy cô em Trọng Vinh giúp thật không, hay tự Trọng Vinh tự lực cánh sinh là chính).,

Tôi nói đùa:

- Cậu có mấy cô em lo cưới vợ cho anh, còn tớ chẳng nhờ gì được cả. Thế là cậu may mắn hơn tớ nhiều đấy!

Trọng Vinh cười sảng khoái:

- Bây giờ anh là anh vợ tôi, nên tôi mới dám nói thật, anh đào hoa hơn tôi. Hồi học phổ thông, anh học giỏi hơn tôi, lại có nhiều tài lẻ nên có bao nhiêu cô đẹp nhất lớp chúng nó đều gán ghép với anh, tôi đâu được hưởng.

- Ấy! chính vì ở gần những bông hoa đẹp, nên mắt mờ đi, vớ phải gai xương rồng và đâm quàng bụi rậm - Tôi cười chua chát.

Cả Trọng Vinh và tôi cùng phá ra cười và cho là "Duyên... Số"

Trọng Vinh ở lại với tôi thêm một ngày. Phi Yến (vợ của Kinh Luân - Biên tập chú thích) đi chợ và thết đãi rất thân tình. Phi Yến mua quà nhờ Trọng Vinh mang ra Bắc biếu cha tôi và cho các cháu mấy đứa em tôi.

Chia tay Trọng Vinh, chúng tôi hẹn nhau: nếu có dịp hè thuận tiện, cả nhà Trọng Vinh sẽ tổ chức vào chơi Sài Gòn, còn tôi sẽ đưa Phi Yến ra Bắc thăm gia đình và nhân tiện thăm bạn bè đồng học cũ.

Chia tay Trọng Vinh, cả ba chúng tôi đều rất cảm động, hẹn ngày cùng gặp lại. Không ngờ đó lại là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh, mà còn xa nhau mãi mãi...

THAY LỜI KẾT (tháng 6 năm 1997)

Hôm nay, viết những dòng này, kể lại những ngày tôi gặp Trọng Vinh ờ thành phố Hồ Chí Minh, người bạn học cũ, người em rể "mang lồng đến nhốt chim Hoàng Yến" em tôi. Chúng tôi cùng nghĩ về một thời xa vắng đã qua, thân thương và quý mến!

"Nhớ về mái trường Lê Ngọc Hân thân yêu chan hòa ánh nắng với lớp 5A rồi 6A đáng mến !..." (Lời MC viết trong sổ lưu niệm của Luân 1965).

Tôi nhớ những buổi chào cờ sáng thứ Hai và hạ cờ chiều thứ Bảy trong tiếng trống của trường.

Nhớ những ngày đông mặc áo ấm đến lớp, ngồi sát bên nhau để lấy hơi ấm của nhau.

Rồi những ngày hè chờ mong hoa phượng đỏ, cái thời mà màu khăn quàng đỏ và hoa phượng đỏ cũng rợp sân trường, đã xa rồi mà không bao giờ quên được.

Những người bạn thân và yêu mến của tôi ơi! Thời gian và kỷ niệm, những người bạn có tên và không có tên trong tập tự truyện này tôi đều thương, đều nhớ như nhau.

Khi tôi viết những dòng này, Trọng Vinh không còn nữa. Tôi không ngờ rằng, cách đây 2 năm, vào ngày 4 tháng 6 năm 1995, Trọng Vinh đã hy sinh trên đất bạn Lào. Mảnh đất mà tôi đã đến 2 lần và cũng có một góc tình lãng mạn.

Tôi viết những dòng này, thay nén nhang thắp cho Trọng Vinh, nhớ về một thời và nhớ về một chiến binh đã hy sinh không phải trên chiến trận vệ quốc, mà trên đất bạn Lào với tình nghĩa của một kẻ:

"Trọng chữ Vinh hơn chữ nhục"

- Than ôi ! Nhớ một chiến binh trên cát!
Nhớ một người bạn xa xưa!
và là thằng em rể của tôi!

NGUYỄN KINH LUÂN


Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết