LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Minh Thi - Dòng chảy ký ức

Go down

Minh Thi - Dòng chảy ký ức Empty Minh Thi - Dòng chảy ký ức

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 11:31 am

DÒNG CHẢY KÝ ỨC

Năm học 1955-1956, tròn 6 tuổi, tôi vào học lớp vỡ lòng (lớp Năm) trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Học đúng tuổi do tình cờ - vì “quân ta” thắng “quân địch”, giải phóng Thủ đô vào năm 1954 nên tôi được trở về Hà Nội, năm 1955 chính là năm học đầu tiên của tôi. Vào trường nữ học danh tiếng cũng hoàn toàn tình cờ - gia đình tôi lúc đó ở nhờ cơ quan bố tôi là báo Hình ảnh Việt Nam ở phố Tăng Bạt Hổ. Những tình cờ may mắn đầu đời đó đã khiến tôi gắn bó với mái trường Lê Ngọc Hân tròn 6 năm, và gắn bó với những người bạn thuở ấu thơ ở đó có lẽ đến trọn đời…

Cô giáo đầu tiên của lớp tôi là cô Hoàng Bạch Tuyết. Trong mắt chúng tôi lúc đó, cô là một cô giáo già (1). Cô cuộn tóc cặp thả sau lưng, còn tôi thì cặp búp – tức là cuộn tóc và cặp lại thành cái búp ở ngay chỗ thóp – búp này nhiều khi cũng là nơi nuôi chấy đấy . Cô Bạch Tuyết rất hiền, tận tuỵ, không nói to bao giờ, nhưng hơi khắc khổ và buồn, có lẽ là hình mẫu điển hình của một cô giáo thời trước. Cô dạy chúng tôi lớp 5 (vỡ lòng) và lớp 1 (hình như là 1B). Có một lần, cô dặn chúng tôi về nhà làm que tính để hôm sau học tính. Tôi hăm hở, nhờ cả anh chị làm đến tận khuya, thế mà sáng sau đến lớp chẳng thấy bộ que tính của mình đâu. Lớp hồi đó đông, khoảng 50 học sinh, có đến gần chục bạn thiếu que tính như tôi bị cô phạt bắt đứng lên bảng trước lớp. Cô yêu cầu từng học sinh xin lỗi vì đã không làm que tính như lời cô dặn. Các bạn xin lỗi hết rồi, còn lại mình tôi, tôi cứ đứng mãi, trong lòng sợ lắm, vốn nhút nhát tôi không thể cất lời biện minh cho mình, nhưng cũng không thể xin lỗi vì tội “không nghe lời cô”, tôi rất nghe đấy chứ, chỉ có tội quên thôi  Rồi hình như cuối cùng cô cũng tha, cho về chỗ. Nghĩ lại, thấy cái tính “gàn”, thích chính xác một cách máy móc, nó là cái bệnh trời sinh khó sửa của mình rồi!

Một hôm, có sự kiện là bà Giếc hiệu trưởng đến thăm lớp. Lúc đó hình như vẫn gọi là bà đốc học. Bà đậm người, vận áo dài nhung sẫm, đánh phấn và đeo nhiều đồ nữ trang, trông lộng lẫy lắm. Bà tươi cười hỏi han cô giáo và học sinh. Khi chúng tôi tiễn bà ở cửa lớp, bà chợt dừng lại nhìn bộ cúc trên áo khoác của tôi. Tôi còn nhớ, đấy là cái áo rét bằng dạ mầu tím đỏ mẹ tôi may tay, còn hai đôi cúc vốn là mẹ tôi có từ hồi con gái ở Sơn La, là sản phẩm bằng bạc hình con bướm rất tinh xảo của người Thái đen, tiếng Thái gọi là “móc-pém”. Bà đốc học ngỏ ý mượn một bộ về làm mẫu, rồi mượn thật ngay lúc đó. Về nhà tôi kể với mẹ, mẹ tỏ vẻ phân vân, còn tôi – đứa trẻ 6 tuổi – lại cảm thấy rất vinh dự . [Tất nhiên về sau bà hiệu trưởng đã trả lại. Sau này tôi có để ý tìm cả ở Hà Nội lẫn trên Sơn La, nơi dân cư chủ yếu là người Thái đen, không thấy người ta bán móc-pém đẹp như thế nữa.]

Những năm đầu hoà bình, gia đình tôi chuyển nhà rất nhiều lần: sau phố Tăng Bạt Hổ là các phố Hàng Chuối, Thi Sách, Lữ Gia, Phùng Khắc Khoan (tôi không nhớ thứ tự)…, mãi sau về số 5 Nguyễn Du rồi dừng lại ở 30 Nguyễn Du. Hồi ở Phùng Khắc Khoan, ở chung với một lò bánh mì, tôi hay đi học với bạn Vy theo lối Hoà Mã. Vy tóc dài, kẹp sau lưng. Tôi và Vy đều rất nhút nhát, thế mà có lần gây ra chuyện sợ khủng khiếp. Số là trên đường về, chúng tôi hay gặp một anh thanh niên bị gọi là điên, tóc dài, quần áo xộc xệch, mọi người còn bảo ai trêu là nó giết đấy. Chả biết thực hư thế nào, chúng tôi cũng chẳng dám trêu chọc gì, nhìn thấy anh ta là lấm lét tránh xa, thế mà lần đó – có lẽ cũng nhìn nhìn, có lẽ cũng chỉ trỏ… - bị anh chàng ấy cầm gậy đuổi theo, hai đứa sợ quá, tưởng chết đến nơi. Trong cơn hoảng loạn, chúng tôi chạy vào một nhà cạnh đường, kêu lên với bà chủ nhà “Cứu chúng cháu với!” rồi chui tọt vào gầm giường nấp. Anh thanh niên huơ gậy chạy đến, may bà chủ nhà nhẹ nhàng can ngăn, bảo là chúng nó trẻ con dại dột, tha cho chúng nó… Thật là hú vía! Sau lần đó chúng tôi phải đi vòng đường khác. Chắc đó là lần trải nghiệm đầu tiên “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. (Sau này tôi không gặp lại bạn Vy, có bạn nào biết Vy giờ ở đâu không?)

Sang lớp 2, chúng tôi có cô giáo mới – cô Vũ Thị Chúc. Bạn Thu Hà con cô vào học cùng chúng tôi. Cô Chúc cao lớn, da rất trắng, đầy đặn, phúc hậu, chải tóc lưỡi trai. Tính cô rất sôi nổi. Tôi có cảm giác cô đem đến một luồng gió mới cho lớp: chúng tôi yêu cô và không thấy sợ khi đứng trước cô. Cô dạy chúng tôi hai năm: lớp 2C và 3C. Trường bấy giờ không hoàn toàn là nữ học nữa, nhưng lớp chỉ có hai bạn nam là Phan Thiếu Tùng, bạn kia tên Tuấn (2). Cô Chúc nghiêm khắc với con gái mình hơn là với chúng tôi. Bạn Thu Hà có thói quen nói rất nhanh, thường say sưa nói chuyện riêng, có lần cô nhắc mà bạn chả biết gì, cô bực quá dùng viên phấn bắn về phía bạn làm cả lớp cười ầm lên (3).

Cũng năm chúng tôi học lớp 2 (năm học 1957–1958), cô Tâm Hoà về làm hiệu trưởng. Cô nói giọng miền Trung (mà khi đó tôi đánh đồng tất cả giọng khác giọng miền Bắc là “tiếng miền Nam”). Thanh Hương con cô vào lớp tôi từ đó. Bạn rất gầy nên được gọi là Hương “cò”. Có cả bạn Phước Tâm từ miền Trung ra, chị em họ với Thanh Hương. [Trên website nào đó về trường có lần tôi đọc thấy: cô Tâm Hoà làm hiệu trưởng từ năm học 1960 – 1961; điều này theo tôi không đúng.] Từ đây, chúng tôi thường xuyên được gặp gỡ, nghe cô hiệu trưởng nói chuyện trong các buổi tập trung chào cờ ở sân trường.

Niên khoá 1959-1960, trường “tháo khoán” đón các bạn nam sinh. Ba lớp 3 cũ giờ thành bốn lớp 4, chúng tôi 3C lên thành 4D, học ở buồng cuối dãy tầng hai, phòng học rộng và có nhiều cửa sổ nhìn ra ngoài trời, sáng sủa, rất thích. Lần đầu tiên tôi được học một thầy giáo – thầy Hoàng Đình Tuất. Thầy có cặp lông mày rậm, xếch, hay mặc cái quần màu xanh chàm ống rộng thùng thình. Tôi đã nghe tiếng thầy từ trước rồi – anh trai tôi hơn tôi 3 lớp, đã được học thầy mấy năm ở trường Đoàn Kết. Lúc đầu chúng tôi sợ thầy lắm, nhưng càng học thầy càng thấy thích. Quả như các anh đồn, thày Tuất dạy rất hấp dẫn, chúng tôi thường thuộc bài ngay trên lớp. Thày lại hay nói kiểu hài hước, hay gọi bọn con gái chúng tôi là “mụ”. Tôi nhớ, hồi đó tôi bị ốm, cũng chả có gì nặng, nhưng bố tôi khá lo lắng. Gặp lúc ông rảnh rỗi, muốn đưa tôi và các em đi chơi đây đó ngoài trời cho khoẻ, ông tới xin thầy Tuất cho tôi được nghỉ học hẳn mấy tháng, thế mà thầy cũng cho phép. May tôi sau đó vẫn theo được lớp, không phụ lòng tin của thầy. Các bạn nam có bao nhiêu người, tôi không nhớ, chỉ nhớ có bạn Huệ Chí vì bạn là anh của Minh Tâm, có Võ Châu Tấn vì bạn là con của nhà văn Võ Quảng chuyên viết truyện, thơ cho thiếu nhi (nhà văn – nhà thơ lúc đó hiếm lắm, toàn người thực tài, rất được coi trọng)… Còn chuyện này thì do Hà Chí Huy kể: có bạn nam tên Chỉnh, rất nghịch và lười học, nhà ngay sau trường, thường đi học theo cách trèo từ nhà qua nóc nhà vệ sinh của trường; thày Tuất hay dí tay vào trán bạn mắng: không chịu học, sau này mụ Thi nó làm cô giáo nó béo tai cho đấy!

Từ khi có cô Tâm Hoà, trường phát động nhiều phong trào. Mới 9-10 tuổi, lứa chúng mình đã hiểu vụ thảm sát Phú Lợi qua “Bia căm thù” dựng ở sân trường; đã hàng ngày cố gắng để lớp mình cắm cờ đỏ tiến nhanh trên bản đồ hành quân về thăm quê hương miền Nam ruột thịt được biết qua những câu hát thơ ngây “ Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi…”; đã nhiều buổi chiều đi làm “kế hoạch nhỏ”, thu nhặt thuỷ tinh, giấy vụn… với đầy ý thức “ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ” (mượn thơ cụ Tố Hữu, dù lúc đó “Bài ca mùa xuân 61” của Cụ chưa ra đời). Ngôi trường lúc đó xinh xắn, bé xíu, thế mà các cô giáo cũng sắp xếp được để tuần nào chúng tôi cũng có ít nhất một buổi chiều đến trường lao động quét dọn hay trồng cây… Có lần cả khoá còn được đi thăm cánh đồng mùa gặt, mùi lúa thơm ngát (lúc đó gần lắm, hình như chỉ đi hết phố Lò Đúc một tẹo là đến). Có dạo còn thay nhau đi quay sợi ở HTX chỉ may tên là Song Yến, nằm đâu trên đường Hàm Long. Còn nề nếp thay nhau đi sớm trực nhật thì từ 6 tuổi đã quen rồi.

Sân trường nhỏ, giờ ra chơi bọn con gái hay chơi nhảy dây, lò cò, chơi chuyền… nên học sinh cùng khoá quen biết nhau hết. Hôm nào không chơi thì túm tụm ở bậc thềm nghe các chị lớn nói chuyện. Các “cây” chuyện là chị Hoàng Ngọc Mai, chị Dương Vân Thục… Các chị lớn hơn chúng tôi nhiều, nói chuyện gì thì tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ các chị nói chuyện hay lắm, lạ lắm, chúng tôi cứ tròn xoe mắt lắng nghe, đến mức nhiều hôm mong đến giờ ra chơi để nghe chuyện các chị. Tôi dùng từ “nói”, vì các chị vừa kể chuyện, vừa đối thoại, phóng tác, theo kiểu “talk show” bây giờ… Chị Ngọc Mai tóc phi-dê, mặt tàn nhang nhỏ nhắn rất có duyên, nhà ở khá xa trường, bây giờ chị ở đâu, bọn em vẫn nhớ và nhắc đến chị luôn! Đến năm lớp 4 thì thêm một “cây” chuyện nữa là Minh Châu. Bạn bằng tuổi chúng tôi (Kỷ Sửu) nhưng học sớm một năm nên hết lớp 4 thiếu tuổi không được thi hết cấp I, phải học lại cùng chúng tôi. Theo tôi nhớ, “chiếu chuyện” độc thoại của Minh Châu không hề thua kém “chiếu chuyện” các đàn chị. Năng khiếu trời cho đó Minh Châu vẫn giữ được đến bây giờ, bạn bao giờ cũng là tâm điểm, là linh hồn các cuộc gặp gỡ.

Chính ở mái trường này, lần đầu tiên chúng tôi đã phải chứng kiến sự ra đi của một người bạn. Bạn tên là Mỹ, thường gọi là Mỹ “đỏ”, học lớp bên. Không thấy bạn đi học chừng vài tháng, chúng tôi cũng chỉ biết là bạn ốm. Rồi một hôm, đang giờ ra chơi, chúng tôi thấy chị gái của Mỹ - lúc đó là người lớn rồi – đến trường, mắt đỏ hoe. Một lát sau, cô Tâm Hoà tập hợp cả trường lại thông báo tin dữ, cô vừa nói vừa khóc. Chúng tôi đều khóc theo. Sớm hôm sau, cả trường ngơ ngác đi theo xe tang, tiễn bạn một đoạn đến Cây đa Nhà Bò. Tôi vẫn còn hình dung thấy bạn, trắng trẻo, chóp mũi hơi đỏ, mặc áo sơ mi trắng rộng dài tay, hay trò chuyện…

Hồi nhà tôi ở số 5 phố Nguyễn Du, đối diện là nhà bác Trần Huyền Trân – nhà thơ, nhà viết kịch chèo tài năng – và vợ là bác Hạc Đính. Mẹ tôi quen với bác Trân từ trước Cách mạng. Bạn Kim Đính con các bác cùng tuổi với tôi, học lớp bên cạnh. Chúng tôi thường cùng nhau đi học theo phố Lê Văn Hưu. Lúc về thường ghé vào nhà bác Nguyễn Bính chơi, vì mẹ tôi quen biết bác Bính, còn bác Trân với bác Bính là bạn thân. Hồi này bác Bính đang làm báo “Trăm hoa” (1956), hôm nào ra báo bác lại cho mỗi nhà một tờ. Có lần gặp các bác đang trải chiếu ngồi đánh tổ tôm, tôi và Đính doạ: các bác đánh bạc à, bọn cháu báo công an bây giờ! Thế là bị bác quát cho một trận: à bọn này láo, chúng tao đánh bạc ở đâu! Hai đứa sợ quá chạy mất, chẳng kịp lấy báo. Hết năm lớp 3, gia đình Kim Đính chuyển về gần nhà thờ Nam Đồng, bạn phải chuyển trường. Kim Đính là bạn nữ hiếm hoi học hết cấp 3 thì xung phong đi bộ đội, sau hoà bình mới về học tiếp ĐH tại chức. Bác Trân mất đã hơn 20 năm, còn bác Hạc Đính và gia đình riêng của Kim Đính vẫn ở Nam Đồng.

Đến lớp 3, chúng tôi được học về Đội Thiếu niên Tiền phong, thuộc lòng lịch sử Đội, các tấm gương hy sinh anh dũng của Kim Đồng, Lê Văn Tám…, say sưa tập Đội ca. Vào Đội với chúng tôi lúc đó thật thiêng liêng, lòng nhủ lòng “Cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ”, “yêu Tổ Quốc suốt đời/ Cùng yêu nhân dân yêu chuộng lao động tăng gia/ Thi đua học hành ngày một tiến xa.” Việc kết nạp Đội cũng có mấy chuyện đáng nhớ. Cô Chúc cho chúng tôi bình bầu. Mọi việc cũng suôn sẻ, riêng trường hợp bạn Hà Chí Huy, cô bảo Huy không được vào Đội đợt đầu vì hay nói chuyện riêng. Chúng tôi xôn xao – Huy là một bạn rất dễ mến, học khá, hay giúp đỡ mọi người. Thế là hết bạn này đến bạn kia xin cô cho Huy, cuối cùng cô cũng xiêu lòng. Kim Đính lúc đầu được chỉ định đọc lời thề trong buổi lễ kết nạp của cả khoá, đúng hôm đó giọng khản đặc, bạn Hợp (cũng ở lớp khác) được chỉ định thay. Và trời tự dưng mưa, thế là buổi lễ kết nạp ngoài trời phải chuyển vào trong lớp học – lớp 4D của chúng tôi, vì là lớp rộng nhất. Đến dự lễ có cả phụ huynh – nhà tôi có mẹ tôi đi. Đó là ngày 15/03/1959. Tôi và Huy cho đến giờ thỉnh thoảng vẫn chúc mừng nhau nhân ngày đó . Sau còn nhiều đợt kết nạp Đội nữa, cho đến hết cấp I thì hầu hết học sinh đều là đội viên.

Khăn quàng đỏ lúc đó làm bằng vải phin, cứng, thắt không được đẹp. Chúng tôi đứa nào cũng ao ước cái khăn lụạ Liên Xô phấp phới, nhưng làm gì có. Tuy vậy chúng tôi yêu và tự hào về khăn quàng đỏ của mình lắm, tôi còn đeo khăn đến tận lớp 8.

Đội của lớp 3C – tôi không nhớ tên đội, được đặt theo tên các anh hùng thiếu nhi - do chị Kim Thanh phụ trách. Chị nhà ở ngay đầu đường Lò Đúc phía Hàn Thuyên, chị học lớp 8, chỉ hơn tôi 5 tuổi nhưng chúng tôi thấy chị lớn lắm. Chúng tôi rất yêu quí chị, luôn nghe lời và tin tưởng chị, ai có chuyện gì cũng kể với chị. Chúng tôi còn ngầm so sánh và thấy chị phụ trách của mình là nhất: xinh nhất, hiền nhất, giỏi nhất…

Hồi đó trường Lê Ngọc Hân hay được cử học sinh đi tặng hoa đón các đoàn đại biểu quốc tế (như ngài Prasat tổng thống Ấn Độ (4) hay tặng hoa đại hội. Mỗi lần được cử đi, cần mặc áo trắng, tôi đều đến mượn Huy. Áo của Huy bằng vải pô-pơ-lin, cổ lá sen, mỗi bên thân có 3 đường gân may nổi chạy từ vai xuống gấu áo, đẹp lắm. Nên về sau, khi mẹ tôi mua cho mảnh vải crếp hoa, tôi cũng đòi mẹ may theo kiểu áo của Huy. Ngược lại, mỗi lần Huy hay các bạn đi đâu cần bôi môi son má hồng thì lại chạy đến nhà tôi vì tôi có chị gái lớn học cấp 3, có tham gia văn nghệ gì đó ở trường nên nhà có một thỏi son. Có lần mẹ của Huy chở Huy đến nhà tôi từ 4 giờ sáng, dựng chị tôi dậy bôi môi son và dùng son quệt má hồng cho Huy để kịp đi đón đoàn nào đó. Như vậy là cái áo của Huy đã chứng kiến vinh dự của cả Huy và tôi cộng lại .

Trong nhiều lần như vậy, chúng tôi được gặp Bác Hồ. “Gặp” với tôi tức là được đứng cạnh, được nhìn Bác rất gần. Có một lần tôi cố chạm được vào tay Bác. Tôi gìn giữ đến giờ hai tấm ảnh được chụp chung với Bác như kỷ niệm đẹp trong đời.

Hồi đó tôi hay đến nhà Phương Ngân chơi – bạn ở phố Bà Triệu, khá gần nhà tôi ở 30 Nguyễn Du. Ngân lúc đó khá cao, bạn luôn niềm nở, vui vẻ. Lâu lâu tôi chịu khó đi bộ đến tận bờ sông chơi với Bích Vân ở khu tập thể Quân y 108. Chơi với Bích Vân nên chơi luôn cả với Tạ Minh Hảo và Lê Hoàng Mai ở cùng khu. Cổng chính bảo vệ họ không cho vào, tôi khi thì chui rào vào nhà các bạn, khi nào rào không chui được thì nói chuyện với nhau qua bờ rào. Hôm nào đi học cũng gặp nhau rồi, mà chiều vẫn nhớ nhau thế chứ. Bích Vân miệng cười, mắt cười, con sơn ca của lớp, chúng tôi đều yêu bạn (5). Hoàng Mai từ nhỏ đã luôn tỏ ra trầm tĩnh nhưng không xa cách, gặp bạn ai nóng giận đến đâu cũng phải “nguội” lại. Còn bạn Hảo nhỏ bé, xinh giòn, sau này là người phụ nữ ân cần, đằm thắm, giờ này lời nào nói về bạn cũng là không đủ Hảo ơi! Mình vẫn canh cánh một nỗi ân hận, mình hẹn đến thăm nhà bạn mà chưa kịp đến, bạn đã đi xa.

Nhìn tấm ảnh đội 4D - tấm ảnh duy nhất của cả thời học Lê Ngọc Hân, chụp lần đi cắm trại ở Voi Phục, tôi nhớ lại ấn tượng với từng bạn chưa có dịp nhắc ở trên:
Thuý với mái tóc “bò liếm”, bạn như người chị của lớp, làm lớp trưởng suốt cấp I, rất hiền, chưa bao giờ thấy Thuý “ra oai” với ai cả. Phương Viên, Mai Hương nhỏ bé, thân thiện, nhiệt tình. Quỳnh Nga hay mặc váy dạ ca-rô đỏ, ít nói ít cười, nhà ở phố Hoà Mã (6). Vũ Tuyết Mai, Thọ phổng phao, sôi nổi. Ngọc Dung vui tính (7), ở gần nhà Phương Ngân. Hoè hiền hoà. Kiều Vân hay cau mày (Cool. Diễm Anh gày gò, tóc dài tết đôi (9). Quỳnh Anh vào lớp sau này (lớp 4) nhưng hoà nhập ngay… Bằng Vân luôn suy tư, luôn độc lập, có trí nhớ đặc biệt; sau này mình được biết bạn càng học lên càng giỏi, nhưng rồi sức khoẻ đã không cho phép bạn đi hết con đường khoa học đã chọn; đừng buồn Bằng Vân nhé!

Sao không thấy Quỳ nhỉ, với đôi mắt to tròn? Sao không thấy các bạn nam ngoài Thiếu Tùng, Tấn, Huệ Chí, để mình có thể nhớ lại các bạn? Lại còn cặp Quỳnh Như – Lan Anh (10) nữa, đôi bạn nom rất quý phái như từ một thế giới khác đến, lẽ nào các bạn học lớp khác? Còn Tuyết Dung? Sao Vy cũng không có trong tấm hình này? Và một bạn nhỏ bé, giản dị, học rất giỏi, là Ngọ, học với mình từ lớp vỡ lòng, bạn chuyển đi từ lớp mấy nhỉ?...

Với các bạn học cùng khoá nhưng không cùng lớp, tôi cũng có nhiều kỷ niệm.

Một đêm văn nghệ, lớp bên múa bài Đếm sao, bài hát đã hay, các “vũ công” Ngọc Diệp, Bùi Thuý Hương, … uyển chuyển nhịp nhàng, chúng tôi mê lắm. Sau này gặp Ngọc Diệp ở Liên Xô, tôi vẫn còn nhắc với Diệp về điệu múa của các bạn ấy. Mối tình của Diệp và anh Hùng thường được bọn lưu học sinh chúng tôi nhắc tới một cách ngưỡng mộ: gặp và yêu nhau ở Ki-ép một năm thì anh Hùng tốt nghiệp về nước; họ chờ nhau suốt năm năm học của Diệp, từ đó sống bên nhau tràn trề hạnh phúc bất kể hoàn cảnh nào… Gặp Diệp, ta cảm thấy ngay quanh bạn ấy một bầu không khí ấm áp, lạc quan, bao dung. Diệp đúng là hình mẫu “người đàn bà giữ lửa”, bạn giữ lửa không chỉ trong tổ ấm của riêng mình mà còn ở mọi nơi bạn có mặt.

Nguyên Hạnh xinh xắn kiểu búp-bê, đôi mắt và hàng mi thật mê li. Các chị gái của Hạnh cũng đều đẹp như vậy. Có hồi bố tôi cần lá khế non để chữa bệnh, tôi lang thang khắp các phố tìm, cuối cùng đến nhà Hạnh ở phố Phan Bội Châu thì may quá, góc vườn nhà Hạnh có cây khế khá to. Chiều nào tôi đến, Hạnh đều hoan hỉ giúp tôi hái lá khế non. Thế mà có lần, bạn ấy phê bình tôi “ăn quà dọc đường” (sáng đó tôi đi học muộn, vừa đi vừa ăn xôi), khiến lớp tôi bị trừ đi mấy km đường về miền Nam đấy .

Tôi cũng hay rủ Thuý Hương đi học. Nhà Hương ở phố Huế, ngay trước cửa chợ Hôm, cũng là trụ sở tổ hợp tác may mặc gì đó. Anh họ của Hương ở cùng số nhà thì lại là bạn học của chị tôi. Tôi hay đến nhà Hương cùng mấy đứa hàng xóm ở Nguyễn Du, cùng tuổi nhưng học trường khác. Lần nào đến chơi bọn tôi cũng thấy Hương đang phụ mẹ, hai tay thoăn thoắt gấp mép vải rồi dùng móng tay miết cho thành nếp. Hương vừa làm vừa tán róc với lũ vô công rồi nghề chúng tôi. Bố Hương dạy học ở tận Quảng Ninh (lúc đó là Hồng Quảng), tôi hiếm khi gặp ông, chỉ gặp mẹ và chị của Hương, bà và chị quý chúng tôi lắm.

Mỗi dịp Tết đến, bố tôi lại bảo mẹ tôi chuẩn bị hoa cho chị em tôi đi chúc Tết các thầy cô. Tôi cũng ngại đi vì nhút nhát, nhưng bố tôi khéo động viên. Thế là mùng 2 Tết tôi rủ vài bạn (không nhớ bạn nào) đến thăm và tặng hoa cô Chúc (năm lớp 2, lớp 3) ở khu tập thể phố Lê Thánh Tông và thầy Tuất (năm lớp 4) ở phố Phùng Khắc Khoan. Rồi gia đình tôi chuyển nhà, rồi chiến tranh, và rồi cả thói vô tâm đã khiến tôi không bao giờ còn gặp lại thầy cô nữa, cho đến tận lúc biết tin thầy cô không còn...

*
* *

Những năm cấp I ở trường Lê Ngọc Hân trôi đi êm ả như vậy. Thời đó khác bây giờ nhiều lắm. Học sinh toàn đi bộ đến trường, cha mẹ không bao giờ phải đưa đón. Một buổi đi học, một buổi ngoài thì giờ giúp đỡ cha mẹ thì học sinh được thoả sức đi chơi, bài vở nhẹ nhàng đến mức, tôi nhớ, có lần bài kiểm tra toán một tiết thầy vừa chép xong đầu bài thì chúng tôi cũng làm xong. Đi chơi nhiều nhưng lại biết lao động, biết quý người lao động, biết tiết kiệm từ sớm. Sách truyện rất ít nhưng có cuốn nào ra là tìm đọc và chuyền tay nhau đọc – tôi nhớ có một anh trong khu nhà tôi còn có nhiệm vụ rình ở nhà in, được tay sách nào trong bộ “Nam tước Phôn-gôn-rinh” là đạp xe mang về cho mọi người đọc. Mọi điều – mà bây giờ gọi to tát là “ý thức công dân” – cứ ngấm tự nhiên. Chẳng ai ở lứa chúng ta biết bẻ hoa nơi công cộng, vứt dù chỉ một mẩu giấy ra đường, nói gì đến chuyện quét rác sang nhà hàng xóm hay chen hàng ở nơi công cộng như thời nay. Bạn bè đối với nhau thân thiện, hiền hoà, nhường nhịn. Các bố mẹ biết và thường chuyện trò với bạn bè của con đầy tôn trọng, quan tâm.

Lứa tuổi măng non đón nhận ngôi trường lừng lẫy và con phố Lò Đúc nổi tiếng đơn giản như một sự nghiễm nhiên. Chỉ sau này, khi đã trưởng thành, mỗi lần nghĩ về trường là thấy nao lòng, xao xuyến, mới cảm hết được vẻ đẹp duyên dáng trường tồn của ngôi trường xưa cũ, vẻ đẹp bí ẩn của hàng cây sao già trên phố vừa kiêu hãnh vươn cao vừa dịu dàng che chở…

Nhưng những kỷ niệm đáng nhớ nhất hoá ra còn ở phía trước.

*
* *

Niên khoá 1960-1961, tôi lên lớp 5 vừa đúng lúc trường Lê Ngọc Hân có cấp II. Nhiều bạn chuyển đi trường khác như Huy, Bằng Vân, Phương Ngân, nhiều bạn mới vào – chủ yếu là các bạn nam, lớp cũng được sắp xếp lại - tôi không nhớ chia theo năm sinh, theo chiều cao hay theo địa dư - nên Bích Vân, Tuyết Mai… không cùng lớp nữa. Lớp tôi là 5A. Cái tên “A” này đã làm tôi sung sướng lắm, trước đó và cả sau này, chả bao giờ được học lớp “đầu bảng” như vậy . Tôi rất vui vì được học với các bạn quen biết từ lâu như Thuý Hương, Minh Châu, Nguyên Hạnh…

Cô Mai Khôi dạy toán đồng thời là chủ nhiệm lớp 5A. Cô ít nói, trang nghiêm mà giờ của cô chúng tôi học rất nghiêm chỉnh. Có lần chủ nhật, chúng tôi đi chơi đâu đó, nhân thể còn ghé thăm nhà thầy cô ở phố Hàng Bài – lúc đó cô mới lập gia đình - và hỏi cô về một bài toán khó khiến cả lũ phải bàn tán. Cô chỉ gợi ý cho chúng tôi suy nghĩ, hẹn hôm sau đến lớp sẽ chữa.

Cô Oanh dạy văn sao mà trẻ thế, tóc phi-dê ngắn, cô cao lớn, ôm cái cặp không quai, khi giảng bài thường chống hai tay xuống bàn, đôi cánh tay tròn uốn thành hình vòng cung mềm mại. Lớp 5 môn văn học gì, từ lâu tôi đã không nhớ, nhưng niềm hân hoan đón từng tiết học văn của cô thì tôi vẫn còn nhớ mãi. Với tôi, cô Oanh cùng với cô Bắc Thành như một luồng gió mới tươi mát về cách dạy học, về quan hệ thầy trò.

Làm chủ nhiệm lớp nhưng cô Mai Khôi thường để cho ban cán sự lớp tự hoạt động. Mà cũng hoạt động gì đâu, chỉ phổ biến cái này cái khác của Nhà trường và Liên đội. Hồi đó lớp tôi theo chế độ “nữ quyền”, bọn con gái chia nhau các “chức” lớp trưởng, lớp phó, đội trưởng, đội phó. Mỗi lần cần phổ biến cái gì là chúng tôi cử Thuý Hương lên, bạn ấy đập bàn chán chê ổn định trật tự, rồi phải nói rất to để át tiếng ồn ào như chợ vỡ của lũ bạn trai. Tôi cũng chẳng nhớ các bạn trai nghịch ngợm thế nào, chỉ nhớ được tên vài bạn: Châu Tấn, Đào Việt Sơn với biệt danh “si đèn đèn”, Phan Xuân Hùng, Lưu Thế Trường, Giang, Trần Ngọc Hải, Nguyễn Kinh Luân, tôi nghĩ là các bạn ấy chưa chắc đã nghịch bằng đám con gái lúc đó. Nghịch ngợm đầu têu phải kể chính là Thuý Hương. Bao nhiêu năng lượng thừa sau khi đã học rất tử tế và giúp việc nhà, chúng tôi đổ vào chơi đùa. Ở lại trường chơi, lang thang ở sân trên. Đến nhà nhau chơi – hồi đó nhà tôi ở 30 Nguyễn Du (11) có sân rộng, một cây táo to, một bức tường lửng dài, thế là đủ “công cụ” cho các bạn leo trèo, đu, nhảy, làm xiếc… Rồi “nhàn cư vi bất thiện”, bắt đầu nghĩ ra các trò tai quái để trêu chọc thầy giáo, mà đối tượng lúc đó là thày Thanh dạy Kỹ thuật – chi tiết thế nào thì phải nhờ Hương kể (Thưa thày, thày không nhớ đâu, nhưng chúng em vẫn nhớ tội của mình, tha thứ cho chúng em thày nhé!).

Mấy đứa chúng tôi rõ là “ngưu tầm ngưu” theo nghĩa đen, vì đều tuổi Kỷ Sửu. Hoá ra cái mầm nghịch ngợm đã có sẵn trong chúng tôi, chỉ chờ Thuý Hương rảy ít nước vào là trỗi dậy a dua…

Trần Ngọc Hải nhà gần trường, hình như ở phố Trần Xuân Soạn. Tôi biết rõ Hải vì sau này, từ lớp 7 đến hết lớp 10, bạn học cùng tôi ở trường Kim Liên và Đống Đa, vẫn gầy, nhỏ như xưa. Về sau, Hải học quân sự ở Liên Xô cùng Tấn Định, hai bạn chơi với nhau mà không hề nhớ vốn là bạn đồng môn!

Ngoài một số bạn cùng chuyển từ 4D lên, lớp còn có các bạn nữ như Thanh Thuận, Loan, Thư, hai bạn Kim Liên: Nguyễn Thị Kim Liên (Liên “lố”) và Nguyễn Kim Liên (Liên “xù”)… Liên “xù” có mái tóc ngắn và bông, ở phố Huế ngay gần nhà Hương, hay nhập hội với chúng tôi. Loan suốt ngày đạp máy khâu giúp gia đình, có lần đến lớp thấy băng ngón tay, hỏi thì bạn bảo vô ý máy vào tay, bị kim đâm xuyên qua. Thư, không thể ngờ, lại gắn bó với nghiệp dạy dancing, nhìn bạn nhảy thật nhẹ nhàng tự nhiên, bọn mình mê quá, được học “cô Thư” đâu có dễ, có điều tên học trò lười là mình đã không biết “tận dụng” cô, chỉ theo học đâu được 1 tháng, chữ cô lại trả cô hết rồi. Thanh Thuận theo nghề thú y, bạn cao và mềm mại, ở bên bạn mình thấy thật bình yên. Liên “lố”, có lẽ học cùng tôi từ cấp I, cao, gầy, mắt to và xếch, có dáng thể thao nên hay được phân công hô nhịp giờ tập thể dục. [Em gái tôi kể: chị Liên đi làm đội trưởng lao động ở Liên Xô cùng đợt với nó, sau sang Pháp sống, cuối những năm 80 chưa lập gia đình. Sau không có tin nữa. Khi đọc cuốn truyện “Paris 11 tháng 8” của tác giả tên Thuận trong đó có viết về thân phận đầy xót xa của hai phụ nữ Việt Nam nhập cư vào Pháp, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến Liên. Cầu mong sao bạn không gặp tình cảnh buồn như vậy.]

*
* *

Lớp 5A là lớp cuối cùng tôi học ở trường Lê Ngọc Hân. Sang năm học 1961-1962, nhà tôi chuyển xuống khu tập thể Kim Liên – lúc đó thấy xa lắc xa lơ và heo hút -, tôi chuyển về trường Vân Hồ (12), một năm sau thì chuyển về trường Kim Liên mới xây. Cấp 3 học ở Đống Đa. Ngoài Hải, chẳng còn học cùng với bạn nào từ trường Lê Ngọc Hân nữa.

Năm lớp 10 (1966), tôi được cử đi thi học sinh giỏi toán, may mắn lọt vào vòng thi toàn quốc. Vui nhất là ở đây tôi gặp Minh Châu – từ trường Đoàn Kết đi. Chúng tôi cảm thấy tự hào cho trường Lê Ngọc Hân, vì trong số bốn nữ của đội tuyển Hà Nội thì đã có hai cựu nữ sinh Lê Ngọc Hân. Chẳng được giải gì (tôi và Châu đều ở các trường “nhà quê” so với các trường lẫy lừng như Chu Văn An, Phổ thông 3), nhưng được chơi với Minh Châu suốt hai tuần – đang lúc bom đạn, sơ tán, có với nhau hai tuần ở Hà Nội thật quý.

Minh Châu làm gì cũng giỏi, vào trường Y không theo nguyện vọng nhưng vẫn thành bác sĩ giỏi. Cuộc đời Châu lắm truân chuyên, “có những nỗi đau suốt đời không thể quên, không thể nguôi đi được” (lời của Châu), nhưng gặp bạn ta chỉ thấy niềm lạc quan, yêu đời tràn trề “lây” sang ta. Thư nào của Châu cũng một nửa là tả cảnh, hoa, lá, biển, trăng… Nhưng đặc biệt, định cư ở Đức, khi về thăm quê, gặp những người nghèo khổ, bạn viết: “Một cảm giác nhức nhối, gần như là mặc cảm có tội khi thấy mình quá sung sướng, đầy đủ so với họ và một cảm giác bất lực vì không giúp được gì cho họ.”

Tôi cũng có ý nghĩ mặc cảm như vậy, khi mình đi học nước ngoài, còn các bạn ở lại với bao gian nan và đạn bom nguy hiểm. Vì vậy, sau rất nhiều năm xa cách, đầu năm 1973, trong đám cưới của Minh Châu, có dịp gặp lại các bạn cũ, tôi nhớ Việt Sơn và Xuân Hùng có ý nhóm họp lại bạn cấp II, tôi đã không dám hưởng ứng. Mình thật có lỗi với các bạn ấy.

Những khó khăn thời bao cấp, con nhỏ, đi đâu thì xe đạp lọc cọc, cái “a-lô” chưa ai có, đã khiến nhiều mối quan hệ - trong đó có quan hệ bạn bè – gián đoạn. Phải đến cuối những năm 80 tôi mới có dịp gặp các bạn nhiều hơn. Lúc này hầu như bạn nào cũng có hai con rồi.

Nguyên Hạnh và anh Áng là một đôi thật đẹp. Quê gốc Hà Nội, nhưng hai anh chị “trồng người” (môn toán) nhiều năm hết Lạng Sơn, Phú Thọ đến Sóc Sơn, rồi cũng do tình cờ, nhờ năng lực của mình mà chuyển được về… quê. Căn phòng khoảng 15m2 ở phố Hàm Long vừa là phòng ngủ của cả gia đình với hai đứa con một trai một gái, vừa là nhà bếp, là nơi để xe, là phòng học đàn pianô của con gái, là lớp dạy thêm (mà cả hai đứa con tôi đã từng góp mặt)… Cứ như vậy, anh chị bình thản đi qua thời bao cấp… Sự từng trải, chín chắn, sự tận tâm, chu đáo của anh chị chiếm trọn niềm tin yêu của chúng tôi.

Thuý Hương làm ở Bưu điện Bờ Hồ. Tôi luôn khâm phục trí tuệ sắc bén của bạn, khâm phục hơn ở điểm bạn biết giấu kín nó . Bản thân không thiếu “vấn đề”, nhưng nếu ai cần chia sẻ thì Hương chính là một địa chỉ. Hương luôn tin ở bạn, bất kể bạn thế nào. Tôi biết điều đó, vì trong những ngày tháng tôi suy sụp tinh thần vì chuyện gia đình, Hương, Hạnh đã luôn ở bên tôi.

Cái tính nghịch ngợm đã gây hoạ cho Hương. Một lần đu xà ngang trên cánh cửa nhà mình, Hương bị ngã đập lưng xuống sàn gạch. Lần ấy đến rủ Hương đi học, tôi thấy bạn nằm dài, nhăn nhó vì đau, phải nghỉ học mấy hôm. Những tưởng qua đi, không ngờ cú ngã đó đã khiến sức khoẻ Hương suy giảm, bệnh nọ xọ bệnh kia đeo theo bạn đến giờ. Lúc còn trẻ, công việc và nỗi lo toan gây dựng cho một gia đình có hai cậu con trai từ hai bàn tay trắng khiến bệnh tật bị quên đi, giờ đây nó trở lại hành hạ Hương dữ dội. Chẳng làm gì được cho bạn về thể chất, chỉ mong bạn được nhẹ nhàng về tinh thần, được sống cuộc sống hạnh phúc mà bạn xứng đáng được hưởng Hương ạ!

Khoảng năm 2001, khi tôi đang làm việc tại Tạp chí Thế Giới Vi Tính (PC World VN) thì diễn ra Giải cờ tướng máy tính lần thứ nhất mà Tạp chí là một bên tổ chức. Ở buổi liên hoan mừng thành công của Giải tại toà nhà HITC ở đường Xuân Thuỷ, tôi đã gặp Tổng biên tập Tạp chí Cờ, các bạn biết là ai rồi chứ? Vậy là tròn 40 năm tôi mới gặp lại Châu Tấn, nét mặt bạn vẫn như xưa, nhưng ấn tượng nhất là nụ cười đặc biệt ấm áp. Tấn sau đó còn đến Văn phòng Tạp chí chơi, mang theo quà từ một chuyến đi Huế của bạn. Tấm bánh đa thật giản dị, nhưng là cả một tấm lòng. Tôi đã chứng kiến lần Tấn và Quỳ Châu – một bạn gái khác của tôi ở Công ty Máy tính VN – vốn là đồng nghiệp, tình cờ gặp lại nhau năm 2009 ở lớp dancing của cô Thư (13), sau nhiều năm mất liên lạc; hai bạn đã ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Tôi vốn yêu quí cả hai người, cái ôm của họ ở tuổi 60 nói thay nhiều lời, làm tôi rất cảm động… Tấn đã và luôn như vậy, bạn vui khi nhìn thấy bạn bè vui. Và để bạn bè vui, không biết Tấn đã xoay xở thế nào để dành ra cho chúng tôi từng đó thời gian, sức lực, và cả tiền bạc nữa… Không có Tấn thì không có Hội cựu học sinh Lê Ngọc Hân hôm nay - chắc chỉ cần một câu đó là đủ nói lên tình cảm, lòng tin của bọn mình với bạn.

Một người bạn gây nhiều bất ngờ và ngưỡng mộ cho tôi là Tấn Định. Có lẽ không học cùng lớp bao giờ, tôi quen Tấn Định chính ở hội học sinh Lê Ngọc Hân này, rồi cùng tham gia một công việc về liệt sĩ. Tôi biết Định như một người bạn, một con người sống nặng tình, trọn nghĩa. Trước khi nghỉ hưu, Định là Chính uỷ ở một đơn vị toàn trí thức cao cấp. Là thành viên của chiếu rượu “Quê choa” rất rôm rả trên mạng với nick “Mèo hen”, là chủ blog “General Marshal” có nhiều bài thú vị, Định (và cả Tấn) thường chia sẻ - với tôi thì ít mà chủ yếu là với anh Tiến ông xã tôi - quan điểm về thời cuộc. Mình xin phép Định chép ra một bức thư như vậy:

19/9/2009
Chào MT,

Định đã đọc bài của anh Tiến khi Bauxite VN vừa post lên. Mình rất tâm đắc với các quan điểm của anh đối với một số vấn đề đang nổi cộm và được toàn xã hội, đặc biệt là giới trí thức đang quan tâm hiện nay.

Định cũng theo dõi những diễn biến của Viện IDS ngay từ đầu và cũng lấy làm buồn cho tình cảnh nước nhà bây giờ. Sự kiện này cho thấy, tiến trình để đạt được một xã hội văn minh tiến bộ hơn thật gian nan và đầy bất trắc.

Việc một Viện nghiên cứu tự giải thể chả là cái gì cả trong con mắt của các nhà lãnh đạo đương thời, nó cũng chả gây nên một tiếng vang khủng khiếp nào trong vô vàn sự ồn ào hỗn độn của cuộc sống thường nhật đang diễn ra vốn đã quá hỗn độn! Tuy nhiên, nó là một cái mốc lịch sử đánh dấu sự thụt lùi của nền văn minh "lúa nước", và sẽ kéo theo sự tụt hậu của cả xã hội.

Mặt tích cực của nó có chăng là ở chỗ, là tiếng chuông cảnh báo để giới trí thức tiến bộ tâm huyết với sự phát triển của nước nhà có cách chọn con đường phụng sự đất nước một cách phù hợp hơn cho từng giai đoạn của lịch sử.

Thái độ cư xử với trí thức, từ xa xưa, là thước đo trình độ mọi mặt của chính quyền. Nó cho thấy cái tầm lãnh đạo (hoặc cai trị), cái tâm với dân, cái dũng cái trí của người cầm quyền. Nó là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất so với bất cứ lời phản biện hoặc ngụy biện nào, dù có hoa mỹ hoặc cao siêu đến đâu!

Nói như một học giả nào đó trong bài viết của mình đã viết "Cái kết thúc cũng chính là sự khởi đầu vậy”. Hy vọng cho một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn!

Lịch sử nhân loại cho thấy: Nền văn minh sẽ thắng!
Cho dù có đau đớn đến đâu!

Gửi lời thăm cả nhà, MT nhé!
Chúc mọi sự an lành!
Tấn Định

Vậy đó, dù muốn hay không, ta cũng không thể đứng ngoài thời cuộc. Ít nhất là vì, trong tương lai của đất nước có tương lai của con cháu chúng ta. Còn Định, rời quân ngũ, bạn giờ đây vẫn giữ chức Chính uỷ của bọn “dân đen” chúng mình.

*
* *
Đã đến lúc phải khép lại bài viết, vì hạn nộp bài hứa với Châu Tấn đã hết. Cảm ơn Châu Tấn đã động viên tôi viết bài, dành cho tôi cơ hội đánh thức kỷ niệm về những người thầy, người bạn yêu quí, về cả thời thơ ấu tươi đẹp. Chuyện tôi kể có thể đúng, có thể chưa chính xác, nhưng điều đó không quan trọng, bởi đó là những ấn tượng của tôi, là “dấu ấn cảm xúc” (chữ của Tấn) mà tôi muốn gửi đến các bạn. Lúc này tràn ngập trong tôi niềm hạnh phúc và biết ơn với các thầy cô, các bạn – vâng, tất cả các bạn, từng viên gạch xây nên quá khứ của ngôi trường Lê Ngọc Hân thân yêu. Quá khứ đó đã là một phần quan trọng trong hành trang mà tôi còn sung sướng mang theo đến trọn đời…

02/11/2010
NGUYỄN MINH THI

Chú thích:
(1) Thật ra lúc đó cô Tuyết mới 41 tuổi và vừa sinh em bé thứ 9 – bé út.

(2) Bạn Bằng Vân bổ sung: bạn Tuấn là Trần Phan Việt Tuấn, con cô giáo Phan Thanh Ty Ty.

(3) Chuyện về Thu Hà rất thương tâm: sau này Thu Hà học Hoá ở Moskva, về làm việc ở Viện Khoa học VN, rồi mất rất sớm (1989) vì tai nạn giao thông.

(4) Sau này tôi mới biết: Nguyên Hạnh được chọn tặng hoa ngài Prasat; còn Kim Đính – khi đó đã dời nhà đi xa nhưng chưa chuyển trường – khi bố chở đến trường thì đoàn đã đi, Kim Đính tiếc quá đã khóc một trận như mưa như gió, đúng là “nhớ đến già”.

(5) Được biết Bích Vân hiện sống ở Hungary.

6) Diễm Anh cho biết: Quỳnh Nga là con cô giáo Đức, nhà bạn các chị em gái đều tên Nga.

(7) Các bạn trong lớp đều nhớ: Ngọc Dung là con cô giáo Hằng.

(Cool Bạn Kiều Vân, tiếc thay, đã mất cách đây hơn chục năm vì bạo bệnh.

(9) Bạn Ngô Diễm Anh chính là con gái thứ sáu của cô giáo Hoàng Bạch Tuyết, nhà bạn các chị em gái đều tên Anh.

(10) Bạn Lan Anh cũng đã mất.

(11) Số 30 Nguyễn Du cách một số nhà (lúc đó là trường Lương Khánh Thiện) là đến góc Nguyễn Du – Bà Triệu, hồi đó là một khu đất rất rộng, chỉ có khoảng chục gian nhà cho thuê và một khu biệt thự của chủ nhà, còn toàn là vường hoa, sân. Sau này ở đây mọc lên toà nhà văn phòng – kinh doanh, có tên là “Nguyen Du Center”

(12) Năm lớp 6 ở trường Vân Hồ tôi học cùng Phương Khánh – trước học lớp B trường Lê Ngọc Hân.

(13) Đầu năm 2009, các bạn Hạnh, Như, Hương, Diệp, Thuận… có sáng kiến tổ chức lớp học dancing do bạn Thư dạy để dìu dắt các phần tử lạc hậu như MT, Châu Tấn, Thế Trường… Lớp duy trì được non 3 tháng.

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết