LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trà Thơm - Ăn chơi thuở ấy

Go down

Trà Thơm - Ăn chơi thuở ấy Empty Trà Thơm - Ăn chơi thuở ấy

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 11:30 am

ĂN CHƠI THUỞ ẤY


Thời ấy làm gì có chuyện ăn chơi mà nói!

Từ “ăn chơi” thường để chỉ những kẻ lắm tiền nhiều bạc, sống đua đòi, chỉ biết hưởng thụ. Thời ấy, tiền bạc phải luôn dè sẻn, sống nói chung nề nếp, giản dị, nên hai chữ ăn chơi ở đây nên được hiểu như thế nào?

Thực ra: Ăn chơi ở đây là nói về chuyện ẩm thực (ăn uống) và những trò chơi của chúng ta thời còn học sinh ở trường Lê Ngọc Hân.

Âu cũng là dịp để chúng ta nhìn lại trọn vẹn toàn cảnh bức tranh của cả một thời xa vắng, kẻo quên đi thì cũng phí hoài!

Nào hãy nhớ lại xem: thời ấy chúng ta thường uống gì? Coca-cola? bia chai, bia lon? nước suối đóng chai, sữa tươi, sữa chua?

Chẳng có một thứ nào trong số này hết. Coca cola chưa thâm nhập vào Việt Nam, cũng chả ai lại bỏ tiền đi mua nước đóng chai mà uống, còn sữa thì may ra là hộp sữa đặc có đường bán theo tiêu chuẩn cho phụ nữ sinh con hay người ốm đau nằm viện mà thôi!

Hồi ấy, tức là những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, cái món mà chúng ta gọi là bia, hoàn toàn vắng mặt ở Hà Nội. Mãi về sau mới có duy nhất một thứ bia gọi là bia Trúc Bạch, sản xuất rất ít, bán ở một số quán nhất định, mà chỉ có những tay anh chị “chơi sang” mới dám uống, còn đại đa số dân chúng bình thường của Thủ đô nếu ra hàng giải khát (hồi ấy toàn là hàng mậu dịch quốc doanh) cũng chỉ được uống nước chanh hay nước xirô pha loãng không có đá. Nhiều bạn trẻ bây giờ không biết xirô là thứ nước gì? Xin thưa đó là một thứ nước giống như nước ngọt đóng chai bây giờ, thường được nhuộm màu đỏ hay màu vàng, không có ga, không có hơi gì cả, đơn giản là nó ngọt, thế thôi. Ngày ấy uống gì, kể cả nước mía đều không có đá. Ngày nay uống mà không lạnh, không đá thì buồn cười lắm, nhưng ngày ấy có đá mới là lạ. Cả cái phố Lò Đúc dài thế mà cũng chỉ có một hàng duy nhất bán xirô (chỗ giáp với đưởng Nguyễn Công Trứ).

Ngoài ra cũng còn có sữa đậu nành bình dân và quanh Bờ Hồ hay trên Hồ Tây cũng có lèo tèo vài ba quán bán nước dừa. Ngày ấy cũng có kem, nổi tiếng nhất là kem Bốn Mùa bên Bờ Hồ. Mút kem ai mà chả thích, nhưng kem hồi đó cứng chứ không có loại dẻo như bây giờ. Trên các phố thuộc khu phố cổ bây giờ còn có nước “bát bảo lường xà” của Hoa kiều, có tào phớ. Các loại nước lon như bây giờ tuyệt nhiên không.

Khi Thủ đô chưa giải phóng thì còn có các quán cà phê, nhưng sau đó thì bị dẹp gần hết. Người lớn tuổ, nhất là đàn ông lại thích đi uống cà phê chui ở những ngôi nhà nho trong các ngõ vắng vẻ. Cũng chả biết biết tại sao? Tâm lý người ta là e ngại những cái gì có vẻ giàu có, sang trọng. Cứ phải chân chất, luộm thuộm một tý theo kiểu “công nông binh” thì mới phù hợp với thời thế hơn chăng?. Chả cứ ăn uống mà cả ăn mặc thời bấy giờ cũng vậy: nhếch nhác một chút, bân bẩn một chút cho ra vẻ người lao động!? Nghĩ lại thấy cũng hơi lố và buồn cười.

Cho nên thời chúng tôi học ở Lê Ngọc Hân thì thức uống giải khát chủ yếu là làm ngay tại gia đình: nước chanh, nước cam, nước chè, nước vối... thỉnh thoảng đi ăn kem, thế thôi! Nếu sinh hoạt tập thể thì thường uống nước trong một cái thùng tôn hay thùng tráng men lớn có vòi, nấu nước sôi đổ vào đấy rồi cho lá chè xanh, hoặc đậu đen rang hay cơm cháy rang cho vào, uống thấy cũng rất thơm ngon và vô hại, bởi chẳng có một tý hoá chất nào lọt vào được cả.

Mãi sau năm 1975 mới có các loại nước có ga từ miền Nam đưa ra và mãi sau này Hà Nội mới có thói quen uống đá. Đến nỗi bây giờ các hàng nước mía phải đề thêm câu “nước mía đá” thật ngộ nghĩnh.

Học sinh chả đứa nào dám đụng tới rượu, thuốc lá vì đụng tới rượu, thuốc chỉ có những kẻ hư hỏng, bê tha. Rượu chỉ dành cho người lớn, mà thực ra cũng chỉ có 2 loại rượu “Lúa mới”, “rượu gừng” được nhà nước phân phối trong dịp Tết, còn bình thường những các cụ hay dân lao động “cửu vạn” thì uống rượu “cuốc lủi” rượu gạo hay rượu sắn, sang trọng hơn là rượu thuốc, có ngâm thuốc Bắc hay ngâm rắn... Rượu Tây (rượu ngoại) hồi ấy không được phép bán.

Tóm lại thức uống ngày ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay chứ không phải hàng trăm, hàng ngàn loại phong phú rực rỡ, tha hồ chọn như bây giờ.

Nhưng đã nói tới nước thì phải nghĩ ngay tới những vòi nước máy công cộng. Những vòi nước trong khu tập thể, những vòi nước ở các xóm lao động, những vòi nước ở góc đường. Làm gì có nước vào từng nhà như bây giờ. Chỉ có những biệt thự mối có`nước bắc vào tận nhà, nhưng cũng không lên được tầng cao.

Đại đa số bà con lao động Thủ đô hồi ấy dùng nước máy công cộng. Rất nhiều người khát là ghé mồm vào vói nứớc máy mà tu ừng ực. Chúng tôi cũng vậy, uống thoả thuê thì thôi. Hồi ấy hình như bụng dạ con người cũng còn tốt lắm, uống nước lã kinh người như vậy mà có mấy người đau bụng đâu, mà lại chả mất xu nào. Chứ bây giờ ý à, mỗi một chai nước lã như thế (gọi là la vie gì gì đó...) thì cũng phải bỏ ra ít nhất là 5.000 đồng, còn như gặp lúc nóng bức thì cứ phải bỏ ra cả chục nghìn đồng mới bõ cơn khát!

Hồi ấy dùng nước thật khổ: những hàng thùng, xô, chậu, xếp dài lê thê từ sớm trong khi vòi nước chỉ chảy như “bò đái” thậm chí lắm khi chỉ chảy nhỏ giọt. Thế nhưng nước ở đô thị vốn là sự sống còn nên nhà nào cũng phải có nhân sự lo cho công việc này. Có một người bạn học cùng lớp, lớn tuổi hơn tôi, cứ học xong về nhà là phải trần lưng ra gánh nước. Gánh để đổ vào bể để có nước ăn và tắm giặt cho cả nhà, mấy nhà bên cạnh cũng nhờ cậu ta gánh. Đêm vẫn còn tranh thủ đi gánh thêm mấy chuyến nữa mới chịu nghỉ. Tôi nghĩ rằng rất nhiều bạn trong chúng ta, không kể bạn trai mà có nhiều bạn gái cũng từng xếp hàng và gánh nước ở những vòi nước công cộng thời ấy, siêng năng lắm, gánh dẻo lắm. Cứ đôi thùng vắt vẻo trên vai, bước nhún nhảy nhưng không làm sánh ra một giọt nào. Vâng, chúng rôi được rèn luyện lao động từ bé...

Có một nhà thơ nữ nổi tiếng sau này nhớ lại thời đó, kể:”Có lẽ nhờ xếp hàng gánh nước mà tôi làm được thơ hay, bởi chờ cho có được một thùng nước lâu lắm, chẳng biết làm gì, thế là tôi cứ làm thơ, làm hết bài này đến bài khác, sau thành quen”. Biết thế cứ giữ lại những cái máy nước cũ kỹ cho đến bây giờ thì hẳn ở ta sẽ nở rộ nhiều thiên tài cỡ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến hay Đỗ Phủ, Lý Bạch cũng nên!

Uống thì như thế nhưng ăn thì phong thú hơn nhiều và có lẽ cũng khá ngon. Hồi ấy trên phố Lò Đúc, nơi có trường Lê Ngọc Hân, chưa xuất hiện phở Thìn tái lăn nổi tiếng mà chỉ trước rạp Mê Linh có duy nhất một hiệu phở, tên là phờ Cát Tường, khá ngon, chủ yếu là bán phở chín, nước trong, bao giờ cũng có củ hành đập để phía trên, trên bàn thường có lọ tiêu con con rắc lên khiến bát phở có một mùi thơm cay quen thuộc. Bây giờ trên bàn ở các hiệu phở lọ tiêu khá thưa thớt. Ngày ấy cũng có tương ớt, nhưng là thứ tương ớt giã trực tiếp chứ không xay nhừ ra như bây giớ. Tương ớt giã còn tươi nguyên màu ớt chín, có cả hạt ớt nên khá cay, người ta ăn phở chỉ cho một chút xíu tương ớt là đủ cay lắm rồi. Phở bây giờ cho cả một thìa đầy tương ớt vào bát cũng chẳng thấy cay bao nhiêu, không biết đấy có phải là tương ớt “thứ thiệt” hay người ta đã “độn” bột gì đó vào.

Buổi sáng ở góc đường Hoà Mã - Lò Đúc, gần nhà Huệ Chí, có một hàng xôi. Rất nhiều bạn Lê Ngọc Hân đã từng ăn xôi ở đấy, phải công nhận là xôi ngon. Bà bán hàng mỗi khi mở tấm vỉ cói nghi ngút khói ra là thấy hai loại xôi là xôi xéo và xôi lúa. Một hào một gói tướng, có nhiều khi bọn chúng tôi chỉ ăn có 5 xu. Gói xôi gói bằng lá sen ấy cũng đủ xôi, ngô, đậu xanh được thái rắc đều lên, mỡ nước và hành phi. Lắm khi cứ vừa bỏ vào mồm là nó trôi ngay xuống cổ chứ chẳng kịp nhai nữa. Rất nhiều học sinh thuở ấy lấy xôi làm món điểm tấm sáng, không chỉ ngon mà còn chắc dạ, cũng còn bởi một lý do đơn giản nữa là không có những món ăn sáng đắt tiền và sang trọng như bây giờ.

Buổi sáng và cả buổi tối nữa thường có bánh cuốn bán dạo. Các bà bán bánh cuốn đội một cái thúng to trên đầu, vừa đi vừa rao. Hạ thúng xuống, ngả mẹt ra, mỗi mẹt xếp ra một đĩa bành, lấy kéo cắt vài nhát, cũng chỉ là bánh cuốn có tráng tý mỡ và hành chứ không phải loại bánh cuốn ứ hự nào thịt, nào mộc nhĩ... như bây giờ, một chén nước mắm dấm ớt vừa phải. Cứ thế vừa gắp vừa chấm vừa thưởng thức, ngon đáo để, hết đĩa rồi mà vẫn còn thòm thèm.

Còn chỗ ngã ba giữa Trần Xuân Soạn và Lò Đúc, ở ngay nhà của các bạn Minh “bò” và Hiển, có một hàng quà vặt: ổi, me, bồ quân (xâu thành từng xâu), kẹo bột, sấu dầm... các nàng chúa ăn quà vặt là cứ phải ra đấy. Tối thì có bánh đa, ngô nướng quạt phục vụ ngay tại chỗ. Các bạn còn nhớ bánh đa khoai chứ, nó bé hơn bánh đa thường, nướng lên vàng rộm, ăn vừa ngọt vừa thơm, lại rẻ.

Đi bán rong dọc đường còn có món thịt bò khô của người Hoa kiều với tiếng kéo lách tách, nộm đu đủ chan nước chua ăn cùng với những miếng thịt bò khô tí tẹo sao mà “đã” thế.

Còn có ông kẹo kéo, kéo dài chiếc kẹo ra rồi bẻ đánh “cắc” một cái tài tình, ông kẹo kéo thường mang theo một cái bảng quay, đứa nào quay được đúng số thì được thưởng gấp đôi gấp ba số kẹo nên trẻ con thường bu đen bu đỏ. Lại có ông bán bánh bò, bánh cực xốp, trắng nõn, trong trong, có vị hơi ngòn ngọt nên trẻ con cũng khoái, mà lại rất rẻ. Thỉnh thoảng có cậu bé bán lạc rang, rao “phá xa!” Lạc rang thì lâu lâu mới ăn chơi một lần thế thôi, gói bé tý tẹo (hồi đó người ta nói “ăn hương ăn hoa” chứ không phải làm từng gói to tổ bố như lạc rang húng lìu bán ở phố Bà Triệu bây giờ).

Tất cả mọi mặt hàng đếu do “nhà nước” quản lý, đâm ra nền ẩm thực nước nhà ngày càng nghèo nàn một cách thảm hại. Kẹo ngoại hầu như không có, chỉ có những người đi ngoại quốc về mới đem được những thanh socola “quý như vàng” về. Còn ngày ấy ở Hà Nội chủ yếu là kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột đựng trong những lọ thủy tinh bán ở các hàng quán nước. Kẹo thời ấy không có bao bì, người bán thò tay vào lọ thủy tinh bốc ra một nắm bỏ vào một miếng giấy gói lại đưa cho khách, đơn giản thế thôi. Con gái thời ấy thích ăn ô mai, sấu dầm cũng dùng giấy báo cũ gói chứ ngay bọc ni lông cũng chưa có.

Bánh đúc cũng là một “đặc sản” của thời bấy giờ. Có tới mấy loại bánh đúc. Bánh đúc để trong bát, bánh đúc lớn để trong mẹt cắt thành từng miếng. Bánh đúc nhân lạc chấm tương ăn vừa bùi, vừa béo vừa hơi nồng nồng mùi vôi. Bánh đúc thời ấy thường có màu nâu nâu. Vì bánh đúc là món bình dân, rẻ tiền, ăn chóng đẫy bụng nên được các cô các cậu học trò rất ưa chuộng. Ăn mãi thành quen, nhiều cô nhiều cậu thấy vắng bánh đúc là nhờ và hồi ây các bà mẹ đi chợ về thường mua quà cho các con cũng là tấm bánh đúc.

Bánh khúc là món ăn nhớ lâu vì mùi vị đặc biệt của lá khúc được giã nhỏ, trộn với đậu xanh và thịt mỡ làm nhân, hấp lên với xôi trắng chung quanh. Bánh khúc thường được đem đi bán rong. Cái bánh khúc thời ấy nó bé hơn so với bánh khúc bây giờ nhiều, cái khoản xôi dính ngoài bánh cũng ít hơn. Có lẽ dạ dày của người ta thời ấy chưa phát triển bằng dạ dày của người thời nay hay sao ấy!

Một loại bánh bình dân khác rất được học trò chúng tôi thời ấy ưa chuộng là bánh rán mật. Đó là những chiếc bánh nho nhỏ có nhân đậu xanh bọc bột, rán xong đựơc tẩm mật mía phía ngoài, trở thành màu nâu sẫm, ăn nừa ngọt thanh, vừa bùi vừa béo, thích thế! Hồi ấy không ai có nhiều tiền cả, nên chỉ cần được ăn một chiếc là cũng thoả mãn lắm rồi, mặc dù nếu cho thả sức thì mười chiếc cũng được chén sạch.

Hồi ấy cha mẹ, anh chị trong gia đình dạy chúng tôi đường ăn nết ở cẩn thận lắm ‘ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết từ tốn, nhường nhịn, sẻ chia. Đứa nào mà háu ăn thì trông sẽ rất lố bịch, thường bị diễu cợt, chê cười. Dĩ nhiêu hoàn cảnh tạo ra thói quen, thế nhưng cũng may là điều đó được tập từ nhỏ, nên sau này, khi ra cuộc sống gặp thiếu thốn, đói kém, chúng tôi vẫn chịu đựng được. Các bạn có gốc gác Hà Nội thì còn được dạy đỗ cẩn thận hơn, mang rõ nét quý phái và thanh lịch của người Thủ Đô. Đến những gia đình thư thế, chúng tôi rất trọng nể và khâm phục.

Các loại bánh thời ấy cũng khác bây giờ lắm. Nếu bây giờ nhìn vào quầy bánh ta hoa mắt vì có hàng trăm thứ rực rỡ và cao cấp trông thật sướng mắt, thì hồi bấy giờ vào một quầy bánh kẹo nhìn mãi cũng chỉ thấy có vài thứ: bánh bích quy, một số hộp bột đậu xanh trộn đường, bánh chả. Ngoài đường thì bán bánh rán, bánh khoai rán. Cả Hà Nội chỉ có ở Hồ Tây là bán bánh tôm. Đến Trung thu mới có bánh nướng bánh dẻo nhưng bán rất hạn chế, mỗi người chỉ được mua đúng 1 chiếc. Chiếc bánh trung ấy mới quý giá làm sao, cắt ra từng miếng nhỏ chia cho từng người trong gia đình. Có lẽ vì thế ăn miếng mánh nướng hay bánh dẻo thời ấy thấy ngon tuyệt trần, nếu còn đính trên tay cũng cố mút cho hết. Bây giờ khác xa, mùa Trung Thu trên trời dưới bánh, muốn chén một lúc cả chục chiếc cũng có, lại hàng trăm loại, có loại tới cả triệu đồng một chiếc, kinh thật! Cơ mà vẫn có người mua để làm quà biếu sếp...!

Xưa, ngày Tết tất cả nhà trông vào nồi bánh chưng. Cách tết một tháng đã phải lo nếp, đậu, thịt, lá dong, củi, nồi... tất cả phải “tập kết” đầy đủ vào ngày 27- 28 Tết vì có phải tất cả đều được mua tự do đâu, phải theo tem phiếu cả. Hông đậu xanh, vuốt nếp, rửa lá dong, gói bánh, xếp vào nồi, nổi lửa nấu cả đêm cho tới sáng vớt ra là cả một công đoạn kéo dài cũng phải hơn 24 tiếng đồng hồ, đó là những giờ tất bật của tất cả mọi thành viên trong gia đình, mỏi lưng mỏi cẳng nhưng cũng là những giờ phút vui vẻ nhất, âm cúng nhất, tề tựu đông đủ nhất của cả nhà. Hồi ấy chưa ai biết bếp gaz là cái gì, chỉ đun củi, mà phải là thứ củi gộc hoặc đun bằng tham quả bàng (một loại than bột trộn với bùn, ép lại thành từng viên hình giống như quả bàng nên có tên như vậy). Hiện nay vẫn cón có nhà đun than nhưng là than tổ ong, chứ than quả bàng thì không còn thấy nữa.

Món bánh thứ hai trong dịp Tết là bánh quy gai. Mỗi nhà mua sẵn một vài cân bột mỳ, đường và trứng gà. Mỗi nhà đem tất cả từng ấy thứ tới lò nướng bánh và tự mình nhào bột, trộn đường, đánh trứng. Xong rồi cho vào một cái máy cán. Những cục bột bánh đựơc cán thành những chiếc bánh quy gai dài dài, xếp đều đặn trong những chiếc khay để đẩy vào lò nướng. Nướng xong của nhà nào nhà ấy trút vào một chiếc túi hay một chiếc rổ của nhà mình mang về. Bánh quy gai hơi cứng vì thường không có bột nở nhưng đó là loại bánh sang nhất để ăn Tết, và trong năm thường cũng chỉ làm được có một lần.

Chuối thời ấy còn ở “ngôi cao” chứ không bị rẻ rúng như bây giờ. Đi thăm người ốm thường là nải chuối và cân đường. Thời ấy cũng có táo, xoài, nho nhưng mà nó rất khác bây giờ. Táo thì chỉ có quả táo xanh, bé tẹo, quả chỉ bằng đầu ngón tay cái chứ không có quả táo to tướng hơn nắm tay của Trung Quốc hay Mỹ nhập vào. Xoài khi ấy quả cũng bé có loại ngọt và có loại không ngọt, gọi là quả quéo, khác hẳn xoài thơm ngọt bán ở các quầy hoa quả hiện nay. Còn nho thì bé tý, xanh và chua chứ không có nho màu tím to tướng nhập ngoại như ngày nay. Hồi ấy không ai biết sầu riêng hay măng cụt, lê ki ma là thứ quả gì mà chỉ được nghe trong bài hát “Em đi thăm miền Nam” hay bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.

Không chỉ phố Lò Đúc mà các phố lân cận cũng vậy: con đường Hòa Mã đài tít tắp ra tận phố Huế mà tuyệt nhiên không có một cửa hàng nào. Bây giờ bên phía nhà máy dệt kim Đông Xuân la liệt các hàng quán, chứ thời ấy chỉ là một bức tường dài im lìm, chân tường đầy cỏ mọc.

Được cái từ hồi ấy cho đến nay đã 50 năm qua mà trước cửa trường Lê Ngọc Hân vẫn sạch sẽ quang quẽ, không có những hàng ăn vặt bày la liệt như ở các trường tiểu học và Trung học khác. Ở những nơi ây những hàng ăn, các mẹt, các quán san sát trước cửa trường, chưa kể xe kem, ô mai, thịt bò khô tới giờ ra chơi tay tan học đến vây quanh trường.

Lại nói tiếp: Khoai lang, sắn, củ dong, củ từ, củ ấu là những thứ thường thấy nhất trên đường phố và cũng là những thứ đắt hàng nhất thời bây giờ, với học trò chúng tôi thì hầu như đó là những món thường xuyên vì nó có thể bỏ trong túi quần, bỏ vào cặp sách và ăn vào bất cứ lúc nào. Khoai lúc ấy có rất lắm loại: khoai vàng ruột vàng như nghệ, khoai mật ngọt lừ, luộc lên rồi mà mật chảy bám đầy chung quanh, khoai bột thì bột trắng tinh, mùi khoai thơm ngát, khoai trong thì trong vắt... Nhiều nhà mua khoai về lùi trong bếp tro thành khoai nướng vừa thổi vừa ăn thật thú vị.

Khi đi cắm trại chúng tôi cũng thường nướng khoai nướng sắn. Sau khi nhảy múa chán chê, đống lửa trại đã tàn, chúng tôi thường trải chiếu, đứa ngồi đứa nằm quanh đống lửa than, bọn con gái túm tụm nhau thủ thỉ trò chuyện còn bọn con trai thì lúi húi nướng sắn nướng khoai, vừa lật vừa lăn qua lại cho khỏi cháy, vừa giũ cho hết tro rồi bẻ ra, mùi khoai sắn nướng thơm lừng, con trai con gái vừa ăn ngon lành vừa hít hà vì nóng quá. Các anh chị phụ trách cũng thường tham gia một cách hồn nhiên không kém. Ngoài trời tối mịt mùng nhưng quanh đống lửa sao mà vui vẻ, sao mà ấm cúng thế! Xã hội thay đổi, những món ăn cao sang hơn chiếm chỗ, không ít những món bình dân mai một đi, không ít những lạoi khoai của một thời bây giờ hình như cũng “tuyệt chủng”, kể cũng hơi tiếc, nhưng biết làm sao?

Lại nói tới đi trại thì không thể không khen ngợi các bạn nữ vì lúc đó thực ra họ còn rất nhỏ tuổi nhưng đã khá đảm đang trong việc nấu nướng. Rau dưa, gạo củi các bạn ấy lo đủ. Tới nơi các bạn nữ hò hét bắt bọn con trai đào bếp, xách nước, chẻ củi, còn lại các bạn ấy làm tất: các món đâu ra đấy, rau chẻ khéo, cơm canh rất vừa, nước uống luôn đầy đủ. (Cứ lần nào bọn con trai lanh chanh xông vào “ra tay” thì y như “lộn xộn” ngay: cơm không sống cũng khê!) Sau những bữa cơm ngon lành và thú vị như thế, các bạn nữ luôn thu dọn tinh tươm, rác được đào hố chôn kỹ. Khi chúng tôi nhổ trại thì cả bãi cỏ sạch sẽ như hồi mới tới, không có rác hay bất cứ một chai lọ, hộp nào vứt lại cả.

Từ trường Lê Ngọc Hân qua đường Trần Xuân Soạn là tới chợ Hôm, chợ lớn nhất của Quận Hai Bà Trưng, nằm ngay mặt tiền phố Huế, đối diện với nhà Bùi Thúy Hương (84 phố Huế). Trong chợ Hôm có lắm hàng ăn ngon. Một trong những thứ bún ngon nhất thời đó là bún ốc. Bún ốc lúc bấy giờ là một bát nước ốc với nào dấm bỗng, cà chua ngọt lừ với những con ốc bưu béo ngậy, vàng hươm, có thêm tý bột ớt cay cay, còn bún thì ăn riêng chứ không cho chung vào bát. Đấy là thứ bún rối thành từng ổ nhỏ vừa một gắp đũa, đặt trên một miếng lá chuối để trên mẹt. Cứ nhẩn nha gắp từng con bún nho nhỏ như thế bỏ vào bát mà thưởng thức. Các hàng bún ốc như thế bao giờ cũng đông. Bây giờ người ta làm bún ốc là bỏ bún vào bát rồi chan đại nước và ốc lên, ăn không thích bằng hồi xưa. Nghe nói khắp Hà Nội cũng chỉ còn vài ba chỗ gần chợ Đồng Xuân hay vài nơi lẻ tẻ khác là có bán bún ốc kiểu xưa này. Tất nhiên là trong chợ còn có bún thang, bún riêu, bún chả... những thứ bún này xưa nay đều giống nhau nên bất tất phải kể ra đây.

Ngày ấy ở chợ Hôm còn bán cả trứng gà lộn chứ không phải chỉ có trứng vịt lộn. Nhưng nhiều nhất vẫn là những hàng ốc mút, đủ loại ốc và bán cũng rẻ nên rất thu hút các bạn nữ. Các bạn ấy hay ngồi thành nhóm chung quanh gánh ốc, có mùi gừng và mùi lá chanh ngan ngát, lấy tăm tre nhể ốc ăn hoặc mút chùn chụt liên tục.

Bây giờ thì không còn thấy nhưng ngày xưa ở bên lề đường chợ Hôm còn có một món nữa mà mỗi lần đi qua thấy người ta ăn tôi vẫn rờn rợn, đó là món sứa sống. Những con sứa đỏ vớt dưới biển lên (chắc là từ Hải Phòng), được cắt thành lát mỏng còn cả những cái chấm màu đen li ti sống sít như thế mà người cứ gắp bỏ vào mồm nhai ngon lành là làm sao nhỉ?

Hồi đó ở Hà Nội ai muốn ăn ngon, ăn sang thì lên khu phố cổ bây giờ, nhất là phố Hàng Buồm, đó là phố ăn uống nổi tiếng của người Hoa, ở đó có rất nhiều món ngon, món lừng danh mà có lẽ những tác phẩm kiệt xuất về ấm thực của Vũ Bằng, Nguyễn Tuân... đã mô tả cả rồi.

Thế nhưng tất cả những cái đó, tức là những món ăn ngon lành, dân đã hay sang trọng đó chỉ tồn tại được cho tới năm 62-63 vì sau đó những cuộc “cải tạo” tư bản tư doanh dữ dội tại Hà Nội, là phong trào “công tư hợp doanh” mà thực chất là “nhà nước hóa” tất cả mọi loại hình ăn uống. Tất cả những gì thuộc “ăn uống tư nhân” đầu bị dẹp bỏ ” vì phi xã hội chủ nghĩa”!

Thời bao cấp, nhà nước quản lý cái ăn, cái uống, cái mặc của từng gia đình. Mua bất cứ cái gì cũng phải có tem phiếu của nhà nước, từ gạo, củi, rau, dầu đèn,... tất tần tật. Tất cả các quán tư nhân không được tồn tại. Các hàng ăn, các món ăn đều phải vào “Mậu dịch quốc doanh”, ẩm thực Hà Nội tiêu điều và hoang tàn tới mức thảm hại. Trên thị trường không còn được bán bất cứ thứ gì là lương thực và ngũ cốc, kể cả rau dưa cũng được đưa vào mậu dịch để bán cân, theo tem phiếu. Phở Cát Tường ở phố Lò Đúc cũng biến mất từ đấy.

Bạn muốn ăn một bát phở ư? Xin vào cửa hàng mậu dịch xếp hàng mua vé, xong không phải ra bàn ngồi chờ người ta bưng tới mà phải xếp hàng rồng rắn đến lượt mình bưng bát phở ra bàn, sau đó tự đi lấy thìa, lấy đũa, trên bàn chỉ trơ có một lọ dấm. Phở mậu dịch nước nhạt, chỉ vài lát thịt gọi là. Đã thế gọi là hàng phở nhưng lắm khi hết phở, hết thịt thế là khách đành ăn mỳ, thứ mì “không người lái”, thực chất là mì suông, không có một miếng thịt nào. Các Mậu dịch viên có quyền, lắm khi tự cho mình quyền hành như bồ tát cứu sinh, họ cho gì được ăn nấy. Cho nên thời ấy có câu “bán như cho, mua như cướp”. Lắm khi thấy cái bánh mỳ mà có tiền cũng không thể mua được, vì muốn mua phải có tem, có phiếu.

Mỗi người tháng được 13 cân rưỡi gạo, cửa hàng hẹn ngày bán cho từng khu vực, quá hạn mất quyền mua gạo thì tự chịu lấy. Xếp hàng mua gạo từ 3, 4 giờ sáng, chen nhau từng cái mê rá rách, từng cục gạch, mậu dịch viên của cửa hàng gạo cứ như những bà tướng. Từ đó tất yếu sinh ra chuyện “móc ngoặc” “quen thân”, “đi cửa sau”, “hối lộ”... Thảm cảnh mất sổ gạo thật kinh hoàng, đến nỗi nó thành câu thành ngữ chỉ những kẻ “như mất sổ gạo” để chỉ những kẻ bất hạnh, khốn khổ.

Nhà quê không phải không làm ra thịt, gạo, thế nhưng không ai được mang vào thành phố bán, bởi nhà nước quản lý hết, dọc đường có bao nhiêu là trạm khám xét tịch thu. Ai cũng sợ, chả dám đem đi bán, chả dám mua vì mang tiếng là tiếp tay cho hàng lậu, cho bọn con buôn, là “phát triển tư bản”.

Thế nhưng cuộc sống vẫn là cuộc sống, nhu cầu bao giờ chả có. Thế là sinh ra một thế giới “lương thực, thực phẩm ngầm”.

Bạn có người nhà ốm, cần vài lạng thịt nấu cháo ư? bạn cứ đi hỏi dò, thể nào người ta cũng mách cho bạn một chỗ nào đó “bí mật”. Bạn cầm tiền lò dò tới đó, nhìn trước nhìn sau, khẽ khẽ tới hỏi. Người bán cũng lấm lét mắt trước mắt sau. Loáng một cái bạn đã có miếng thịt trên tay, người kia cũng vội cầm tiền và lủi mất. Có biết bao nhiêu thứ người ta cần: nào đường, nào sữa, nào dầu nào mỡ... thế là cái thế giới ngầm ấy ngày càng phình to ra, dám “con phe” xuất hiện ngày càng đông đảo, đứng ở khắp các ngả tư, trước cửa hàng mậu dịch... Đó là những cô thiếu nữ tuổi xuân phơi phới, ăn nói chua ngoa, đanh đá, mặt mày vênh váo vì tự cho mình đang nắm cái yết hầu của thiên hạ, tem phiếu nhét đầy trong cạp quần, “tiền trao cháo múc” tắp lự hay lanh lẹ dẫn khách tới ngõ này ngách kia.

Họ làm trung gian mua bán đủ thứ: từ tem phiếu, lương thực, cho đến vé xem phim, xem kịch, quạt máy bàn là, đồ dân dụng... Chỉ phải cái là tất cả đều chui lủi, trốn tránh, biến người mua vốn lương thiện, đường hoàng thành kẻ bất minh, cũng chui lủi, lấm lét, cảnh giác, nơm nớp sợ bị tóm như họ. Ấy là chưa kể có nhiều người có tiêu chuẩn phải đem đi bán lấy chênh lệch giá kiếm tiền, muốn bán cũng phải kiếm đầu mối, thế là không ít các bà bán hàng nước, hàng xén biến quán của mình thành địa điểm tập kết những loại hàng gửi “chui” ấy. Cả cái thế giới bất minh ấy hiện hữu một cách khá công khai. Nhưng thành thật mà nói thì cũng nhờ cái thế giới đầy màu sắc “nhá nhem ấy” mà vô khối gia đình đã được cứu sống qua cái thời ngặt nghèo. Chứ nếu như các “bà phe” ấy mà bị tóm cổ hết thì có lẽ cũng đã có khá nhiều gia đình phải chết theo, vì chả thế tìm đâu ra đựơc những nhu yếu phẩm vào những lúc ôm đau, sinh nở, khách khứa, cúng quảy, thăm viếng... và cả những lúc nhỡ chẳng may mất sổ gạo, mất tem phiếu!

Vào cái thời ấy oai quyền của những bà, những cô ở các cửa hàng gạo, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng rau quả... thật là lừng lẫy, hình thành một tầng lớp đặc lợi và cả đặc quyền nữa chữ. Cũng cái tem cái phiếu ấy nhưng họ có quyền ban phát cho ai là ở trong tay họ. Họ tự tung tự tác tới mức toàn dân phải kiêng nể. Họ muốn ai mua đựơc thịt ngon thì người ấy được, còn loại bầy nhầy bạc nhạc đẩy vào ai người ấy phải chịu, chả có cách nào mà thắc mắc kêu là, dù sổ góp ý treo lủng lẳng ngay trước mắt. Họ nói năng chả cần phải lễ độ với bất kỳ ai. Những gia đình có người làm ở những cửa hàng lương thực, thực phẩm lúc bấy giờ là những gia đình ăn sung mặc sướng hơn người, nhởn nhơ phơi phới vào loại nhất thiên hạ.

Người ta đồn rằng những năm tháng ấy nhà ai muốn ăn thịt gà cũng phải dùng kéo cắt để hàng xóm khỏi nghe thấy. Nghĩa là thịt gà cũng rất hiếm mà người ăn cũng khổ. Sao lại thế nhỉ?

Bây giờ thì người ta đã hiểu rằng cái cơ chế, cái cấu trúc xã hội nó đẻ ra những thói tật kỳ lạ và dị dạng ấy. Tất cả bà con và cả đám con phe kia nữa cũng chỉ là nạn nhân của một chế độ mà thôi.

Hồi ấy bọn móc túi nhan nhản khắp nơi, hở một cái là ví để trong túi bị móc mất, nhất là những nơi đông đúc, những nơi phải chen lấn mua bán. Về sau, vào thời kỳ những năm 80-90 thì Hà Nội lại có nạn cướp giật ngoài đường hay vào nhà ăn cướp. Đến nỗi cửa các nhà thường phải đục một cái lỗ vuông bằng bàn tay để ai gõ cửa thì người trong nhà phải nhìn qua cái lỗ ấy nhận mặt người quen rồi mới dám mở cửa.

Tôi nhớ có lần tôi lên phố Hàng Đào chỉ để mua một bánh xà phòng đen của Liên Xô về giặt quần áo. Đang cúi xuống trả giá thì nghe một tiếng hô to ở tận đầu phố:”Công an!” thế là hàng trăm mẹt hàng lập tức biết mất trong nháy mắt. Tất cả những người bán hàng hình như đã được “tôi luyện” quá nhuần nhuyễn với động tác này, họ vơ hàng cực nhanh và biến vào trong vô số ngõ ngách của khu Hàng Đào, Hàng Ngang. Phố phường đang nhộn nhịp thế bỗng quang đãng một cách lạ thường. Tôi ngẩn người vì kinh ngạc. Nhưng chỉ 5 phút sau, khi có “lệnh báo yên” thì như có phép thần thông, các mẹt hàng lại bày ra la liệt như nấm mọc sau mưa xuân, và tôi lại mua được bánh xà phòng mình cần, dĩ nhiên là với giá gần gấp 3 lần giá thực.

Dần dần tôi mới hiểu ra vì sao biết bao nhiêu tiêu cực lại hoành hành ở nước ta dữ dội đến như thế, mà cho đến bây giờ, khi hàng hoá, lương thực, thực phẩm đã tràn trề khắp phố phường, cửa hiệu, siêu thị lớn nhỏ, cả Hà Nội tràn ngập trong thừa mứa, phồn vinh thì vẫn nhan nhản tham những, cửa quyền... bởi vì ngay từ những ngày ấy đã có những mầm mống rồi, được tích lũy qua năm tháng, nó ngày càng lớn dần, trầm trọng thêm mà thôi!

Có người đổ tại chiến tranh, nói cho đúng thì miền Bắc cũng có chiến tranh, nhưng chiến tranh, nhất là khu vực Hà Nội,cũng chỉ mấy năm mà thôi.

Cái cảnh “xin cho” ấy kéo dài còn rất lâu, mãi tới những năm 90 mới bớt dần, nghĩa là nó kéo dài ngót nghét gần 30 năm! Mà 30 năm ấy là 30 năm mà cơ thể mỗi con người đều rất cần đủ loại chất dinh dưỡng để phát triển! Là 30 năm vừa có gia đoạn chiến tranh, sống chết gian lao (cho đến năm 1975), vừa là 30 năm thiếu thốn vất vả. Cho nên có một logic tất yếu, hiện nay thấy rất rõ, là cho đến tuổi này nhiều bạn trong số chúng tôi đã rất yếu (nhất là các bạn nữ), không thể nào bằng lớp các ông, các cụ trước chung tôi, lớp các cụ ấy khoẻ mạnh hơn nhiều, sống tới 80 là thường, thậm chí tới hơn 90...

Cái cảnh khó khăn cùng cực ấy lộ ra rõ nhất là từ hồi mới “mở cửa”, hàng hóa từ Trung Quốc tràn vào, bùng lên một thị trường nhộn nhịp không thể tả được. Người ta kể có một nhà máy bia ở Trung Quốc sắp phá sản vì ế ẩm, nhưng khi “mở cửa” thì bia Vạn Lực của nhà máy này xuất sang Việt Nam như thác đổ, khiến cho nhà máy ấy lại tràn đầy sức sống, sản xuất bán không kịp. Bia chở bằng không biết bao nhiêu ô tô về Hà Nội, rồi vào Nam, người mình lại được thưởng thức bia sau hàng chục năm vắng bóng, sức uống thật ghê gớm, bởi vì ngay sau đó không biết bao nhiêu “lò” bia thủ công mọc lên như nấm ở khắp mọi miền, chất lượng chẳng ra sao, song cũng làm thỏa cơn khát của hàng triệu dân thích uống. Các mặt hàng thực phẩm, lương thực khác cũng vậy. Rồi bỏ ngăn sông cấm chợ, rồi có khoán 10 cho nông thôn, rồi dẹp tem phiếu, con người thoát cảnh đói ăn, đói mặc.

Cái cảnh 30 năm “bao cấp” kinh hoàng và gớm ghê ấy mới dần dần lùi xa.

Chỉ có điều bây giờ nhớ lại thì hồi ấy bệnh tật tuy có nhưng không hiểm nghèo như bây giờ. Có chăng hồi ấy hay bị đau bụng vì nhiều khi uông bừa nước lã, ăn quả xanh và hay bị giun sán chứ không mấy khi nghe tới những căn bệnh như ung thư, gút, mỡ trong máu, huyết áp...

Nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đã có được một khoảng thơ ấu từ năm 54 tới năm 60-61 yên lành, ổn thoả và vui vẻ nữa. Bởi ngoài chuyện ẩm thực chúng tôi còn được chơi. Có biết bao nhiêu là trò chơi, không biết có nên kể hết ra đây không?

Mà có kể hay không kể thì có gì quan trọng đâu, bởi ai trong chúng tôi mà đã chẳng từng chơi.

Tôi còn nhớ một trò chơi rất đơn giản mà ngộ nghĩnh của các bạn nữ là trò chơi “chuyền guốc”, hồi đó các bạn nữ đều đi guốc. Khi chơi, họ ngồi thành vòng tròn, tháo guốc ra, mỗi người cầm trên tay một chiếc và bắt đầu hát:

”Nào cùng chuyền chiếc guốc sang tay cho người bên mình
Chuyển cho đều, cho khéo,cho nhanh
Anh ơi, nếu sai thì mới anh ra!”

Cứ mỗi một nhịp hát thì chiếc guốc lại được gõ xuống nền và chuyền sang tay bạn bên cạnh, đến câu “Anh ơi, nếu sai thì mới anh ra” thì phải chuyền chiếc guốc thật nhanh theo hướng ngược lại, ai không nhớ thì bị loại ra khỏi cuộc chơi!

Các bạn ấy vừa hát vừa chơi rất say mê chỉ với chiếc guốc của mình!

Nữ còn nhiều trò chơi khác như “ô lò cò” với những ô vẽ bằng phấn trên mặt đất và những miếng mảnh sành được tỉa tròn, trò chơi này đòi hỏi sự khéo léo vì càng về sau càng khó. Còn trò nhảy dây, hai bạn cầm dây quay hai đàu, nhiều bạn nhảy rất giỏi, vào ra rất nhanh nhẹn. Nhưng khéo léo và đáng khâm phục nhất, theo tôi phải nói tới trò “đánh chắt”. Chỉ với một quả cà pháo và một nắm que mà trò chơi này kéo rất dài, không phải bạn nữ nào cũng chơi được, nhưng mà ai đã chơi được thì chứng tỏ sự khéo léo, nhanh nhẹn, diệu nghệ tới mức phi thường, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn từ khi quả cà được tung lên và rơi xuống mà người chơi phải làm được bao nhiêu là động tác: chia que, chọn đúng số que cần bắt, làm những động tác quẹt qua quẹt lại, rồi hứng bắt được quả cà, vừa mới tung lên lại phải rải que thế nào cho chính xác. Có lần bọn con trai chúng tôi thấy hay hay cũng thử tập nhưng chỉ được vài lần tung quả cà là đã nhầm tứ tung, đành xin vái các bà con gái. Con gái còn có trò chơi dễ hơn là búng me và chơi ô ăn quan, chơi “Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết tư1ớng, Ba vương bốn đế, bắt dế đi tìm, ù à ù ập”...

Còn có một trò chơi nho nhỏ, hết sức giản dị mà các bạn nữ thỉnh thoảng chơi đó là chơi “bắt” dây. Dụng cụ để chơi chỉ là một đoạn dây, thường là một sợi len màu hay một sợi chỉ to. Một bạn khoanh sợi len vào những ngón tay của cả hai bàn tay rồi giãn ra, thành hình của những đường song song, một bạn khác lấy hai tay “bắt” ở giữa những đường song song ấy rồi vòng qua một vòng, chuyển sang tay mình, thế là từ hình song song đã biến thành một hình khác mà các bạn ấy gọi là “cá thu”, rồi đến lượt bạn kia lại “bắt” tiếp để tạo thành những hình khác khá thú vị.

Buổi tối, khi ấy thắp điện bằng bóng sợi tóc, lại có trò chơi “bóng trên tường” tạo ra các hình bằng tay chiếu thành bóng lên vách tường, hai bàn tay chắp vào nhau thành hình con chó đang sủa gâu gâu, thành hình con thỏ vểnh tai chạy, hình con ngỗng bơi, còn nếu thêm một miếng giấy nhỏ xếp thành hình tam giác nữa là có thể thành hình một người đang chèo thuyền...

Nhưng ờ trường tôi thời bấy giờ cũng có nhiều trò mà con trai con gái cùng chơi chung như chơi ù, một trò chơi dòi hỏi có hơi dài và có sức mạnh. Cứ mỗi khi có đối phương ù sang là tìm các vây bắt, ôm chặt lấy, bắt làm tù binh, không để chạy về sân bên kia. Vì con trai hay con gái cũng phải ôm chặt đối phương nên trò này thường được chơi ở các lớp cấp 1. Chơi xô vê (trốn tìm) cũng thế, con trai con gái chơi chung. Những năm nhỏ tuổi còn chơi rồng rắn ôm lưng nhau “xin khúc đầu, những xương cùng xẩu” “xin khúc giữa, những máu cùng me ” đến khi “xin khúc đuôi” thì “tha hồ mà đuổi”, thế là đuổi nhau kêu chí choé, ôm lưng nhau chạy mệt nghỉ.

Còn nếu đang ở trong lớp, nghỉ giữa tiết thì có thể chơi “trồng cây dừa” bằng cách chồng những nắm tay lên nhau và đếm “Trồng cây dừa, chừa cây mận...” hay lật giấy ra chơi vài ván cờ carô.

Những khi đi cắm trại thì chơi “trồng nụ trồng hoa” trên bãi đất rộng, mới đầu thì trồng bằng chân, sau trồng cả bằng tay cho thật cao để đối phương khó nhảy qua. Khi thì chơi cướp cờ: một cây cờ đặt giữa, trọng tài bất chợt gọi đôi nào thì đôi đó chạy lên thật nhanh tranh thủ cướp cờ đem về cho phe mình, nhưng thường là còn vờn nhau chán mới cướp được cờ, mà cũng có khi cướp được cờ rồi mà bị đối phương đập được vào người thì cũng thua. Khi ra đến những bãi có, cánh đồng thì cả con trai con gái đều đi tìm cỏ gà để chơi “chọi gà”, xong cuộc chơi thì có bao nhiêu là “đầu gà” rụng tơi tả trên mặt đất.

Gặp khi tổ chức trại lớn thì còn có trò chơi rất lý thú và hồi hộp đó là trò “tìm mật thư” trên một quãng đường dài vài ba cây số, với biết bao nhiêu là ký hiệu được vẽ bằng phấn, được xếp bằng sỏi, bằng cành cây, bằng giấy, được chôn dưới đất... trên suốt dọc đường, phải rất tinh mắt, rất thông minh mới tìm được ra. Bạn nào tham gia câu lạc bộ còn được học cách đánh “mooxơ” bằng cờ (như thủy thủ trên tàu biển) hay đánh “moocxơ” bằng ký hiệu.

Có một trò chơi mà con trai con gái đều thích chơi nhất là vào dịp Tết hay ngày đông tháng giá thường xúm xít nhau trong thời ây là chơi bài “Tam cúc”, một cỗ bài be bé 32 quân với những hình vẽ xinh xinh Tướng Sĩ Tượng Xe Pháo Mã, với những lúc “tứ tử trình làng”, với cặp “Sĩ điều” hay với những mẹo mực nho nhỏ thú vị. Không hiểu sao bây giờ trò chơi này gần như là biến mất. Ngày ấy Tết sao mà nhiều thì giờ để chơi với nhau thế. Còn bây giờ Tết lại tất bật quá, mấy gày Tết qua veo veo, hình như chả còn chút thì giờ để ngồi chơi với nhau nữa. Sao thế nhỉ?

Trò chơi còn chưa hết đâu. Vì chỉ mới nói đến những trò chơi của các bạn gái và những trò chơi chung. Bây giờ kể đấn những trò chơi của bọn con rai mới thật là phong phú. Ta hãy cứ đi từ từ, bắt đầu bằng những trò chơi nhẹ nhàng trước: đó là những trò chơi trí tuệ, trong đó phải kể tới “cờ gánh”, chơi thường bằng vỏ hến cho dễ lật, rồi tới “cờ hùm”, bàn cờ vẽ trên mặt đất, một đứa cầm que, một đứa đi quân. Quân liên kết với nhau tìm các vây “hùm” còn hùm thì nhảy hết góc này sang góc kia để đuổi bắt “quân”, cờ “quân sự” là những miếng giấy gấp đôi lạ, trên có vẽ hình “đại tướng”, “công binh”, “mìn”... Tiếp theo là cờ Tướng nghiêm chỉnh và đăm chiêu hơn (hồi ấy chưa ai biết cờ vua là gì).

Rồi đến đá cầu, chơi bi, đánh khăng, kéo co... những trò này ngày nay vẫn còn nhưng chủ yếu còn chơi ở các vùng ngoại thành.

Bạn nào khéo tay thì cũng có lắm trò chơi để mà thi thố tài năng: đó là thắt lá đừa thành những con châu chấu nom rất giống và sinh động, làm diều bằng giấy đem ra sân Pastơ thả cho bay lên tận lưng trời, vừa chạy vừa giật vừa ngắm, lắm khi diều đứt dây thế là bay đi mất, lại hì hụi về nhà làm cái khác.

Cũng có những bạn nam có hoa tay thì theo hướng dẫn của báo “Thiếu niên Tiền phong” tìm những tấm kính nhỏ và những viên mảnh chai màu ghép vào trong ống thành chiếc kính vạn hoa đủ hình thù, màu sắc, mang đến lớp, cả lớp tranh nhau xem.

Đầu những năm 60 có phong trào xây dựng công viên Thống Nhất ở khu vực hồ Bẩy Mẫu, hàng nghìn người đổ ra đấy xúc đất, gánh đất suốt ngày đêm. Có một bãi đất sét lớn ở lòng hồ hiện ra. Thế là cứ chiều chiều chúng tôi lại kéo nhau ra đấy lấy đất sét dẻo kẹo, trắng mịn về nặn đủ thứ: con chó, con mèo, con trâu, cái cây, cái nồi... rồi đem ra nắng phơi khô thành đồ chơi... Mùa mưa cá rô rạch ngược thế là đua nhau đi bắt cá rô, có thắng bắt giỏi được cả rổ.

Bờ sông cũng là một sân chơi lớn của chúng tôi thời bấy giờ, ở đó có nhà một người bạn rất thân là Nguyễn Huệ, cái tên nghe khá hùng vĩ, khiến thỉnh thoảng cậu ta lại hứng chí vỗ ngực:”Có biết ta là ai không hả? Nguyễn Huệ đây!” Chúng tôi chơi trên những núi cát cao chót vót, trượt hay lăn từ trên đó xuống, rồi lại hì hụi trèo lên, vật nhau và lại lăn tòm xuống, người bê bết cát, mắt cũng đầy cát cay xè. Khi đã mệt và quá bẩn chúng tôi mới ngừng và xuống sông Hồng tắm, bơi ra những bè nứa, bè củi, bè gỗ đậu san sát ven sông. Tắm xong trèo lên bè ngồi hứng gió mát lồng lộng, hong quần áo cho khô về khỏi bị cha mẹ mắng.

Những trò chơi mạnh mẽ hơn có súng cao su (ná) và súng lục diêm. Súng cao su quả là một thứ “vũ khí huỷ diệt” đối với lũ chim cò, vì có nhiều tay thiện xạ, bách phát bách trúng. Cái thú là lúc làm súng, chọn được một chạc cây vừa ý, về đẽo gọt tinh tươm, kiếm dây cao su thật đàn hồi, chắc chắn và một miếng da. Tất cả chỉ còn phụ thuộc vào nghệ thuật buộc thế nào cho chắc, cho gọn. Đạn là những viên sỏi nhỏ, càng tròn càng tốt, thế là đã có một cây súng cao su tuyệt hảo, trổ tài được rồi. Có những viên đạn của súng cao su vút lên tới tận ngọn tre mà vẫn trúng đích, có những viên đạn tìm tới cả lũ chim đang bay... Bạn đồng hành với súng cao su có súng bắn que đơn giản hơn và ống thụt, thường bắn bằng hạt cây cơm nguội. Còn súng lục diêm thì chỉ để bắn chơi cho oai trong mấy ngày Tết thôi, nhưng phải công nhận rằng “oai thì rõ thật là oai”, thời ấy hình ảnh khẩu súng lục luôn là niềm mơ ước của mỗi thắng con trai học sinh...

Chọi dế, bắt ve cũng là một cái thú của bọn con trai, vả lại những trò này rất gần gũi với thiên nhiên, cỏ cây. Đổ dế thường là ồn ào và hồi hộp, nhất là lúc thấy được cặp râu của chú dế ngọ nguậy trên mặt nước, nhưng xem chọi dế lại càng thích hơn, khi những chú dế lực lưỡng xông vào húc nhau, đá nhau chí tử. Thích như thế nào thì xin mời các bạn thưởng thức quyển “Dế mèn phiêu kưu ký” của ông Tô Hoài thì rõ! Đá xong thì cất dế vào bao diêm, tối về lấy cỏ nhét vào cho ăn, hôm sau đá tiếp.

Cái thú nữa là bắt ve. Bắt ve có 2 cách: Cách thứ nhất là bắt những con ve mới lột vào ban đêm, phải dùng đèn soi ở các gốc cây. Hối ấy làm gì có được đèn pin mà phải làm đèn bấc bằng ống bơ, giữ cho đèn không bị tắt trước gió cũng đã là một nghệ thuật rồi. Cách thứ hai là dùng nhựa mít gắn vào đầu một cây sào để chấm vào những con ve đang kêu ra rả trên thân cây dọc đường phố. Các này đòi hỏi những tay “săn ve” phải có đủ kiên nhẫn và khéo tay, lẹ mắt mới chấm được một phát là trúng đích chứ không thì ve bay đi mất ngay!

Hồi ấy một số bạn còn có cái thú chơi cũng tương đối sang: nuôi chuột bạch. Tôi thường tơi nhà Bùi Đức Lưu chơi, thấy anh em họ thường xúm xít quanh chiếc lòng chuột bạch, cho chuột ăn, chăm sóc chuột kỹ càng lắm!
Cứ dịp Trung thu, dịp Tết thì tự vót nan tre, mua giấy màu làm đèn ông sao. Ánh sáng thì lấy lõi hạt bưởi xâu lại làm nến. Đứa có “bản lĩnh” hơn thì làm đèn kéo quân.

Đá bóng thì khỏi phải nói, thời nào cũng vậy, đó là niềm say mê bất tận của nam sinh, và chúng tôi cũng không nằm ngoài trào lưu này. Chỉ có điều thời chúng tôi thì Hà Nội còn bao nhiêu là bãi đất tróng. Xin kể sơ sơ ra đây: suốt từ công viên Pastơ kéo dài cho tới tận gần ngả 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông là cả một bãi đất mênh mông, có cả trăm người đá bóng vẫn đủ chỗ. Trước quảng trường Ba Đình bây giờ cũng là một sân đất rộng mênh mông mà chiều nào thanh niên cũng ra đá bóng đông nghịt, người ta kể rằng cố thủ tướng Phạm Văn Đồng vốn là người ham mê bóng đá cũng đã có lần ra đấy chơi! Còn như ở các khu tập thể cao tầng ngày nay thì hồi ấy cũng toàn là những bãi đất trống, bờ sông thì rộng mênh mông, chạy chơi cả cây số không hết đất... Cây xanh và làng xóm của Hà Nội thời chúng tơi còn nhiều vô kể. Con đường đi ra cầu Giấy bây giờ xưa là đồng rộng bạt ngàn, mỗi buổi sáng người gánh phân ra đồng tấp nập, còn như khu Thành Công thì toàn là ao hồ và các xóm nhỏ. Khu Nghĩa Đô, Tây Hồ cũng thế...

Nhưng trò chơi mạnh mẽ nhất, nam tính nhất của riêng trường Lê Ngọc Hân chúng tôi là đánh ngựa. Ở các trường khác chúng tôi không thấy có trò chơi này. Đã có những bạn viết tỷ mỷ về trò đánh ngựa nên khỏi phải kể lại ở đây.

Còn lên cấp 2, nếu anh nào có năng khiếu thì say mê những trò chơi “kỹ thuật” như tự làm đài bằng đá ga len để nghe đài phát thanh, hay giản dị hơn một chút là lấy ông bơ, bịt giấy thật căng rồi nối dây làm thành ống nghe để nói chuyện với nhau từ xa.

Ấy là chỉ kể những trò chơi hồi chúng tôi còn học từ lớp 1 tới lớp 7, thế mà tính sơ sơ ra cũng đã ngót nghét dăm chục trò. Mỗi trò chơi là một sự gắn kết chúng tôi lại với nhau, qua mỗi một trò chơi chúng tôi càng hiểu nhau hơn, thân nhau hơn.

Tất nhiên là Thủ Đô của một quốc gia thì văn hóa nghệ thuật của Hà Nội cũng phong phú hơn các nơi khác. Ở Nhà hát lớn và một vài nơi khác thỉnh thoảng có biểu diễn ca múa nhạc. Nhưng ca múa nhạc thời ấy rất khác so với bây giờ, nghĩa là cực kỳ giản đơn nhưng cũng thật sự rung động. Nói là giản đơn vì các nam, nữ ca sĩ ra sân khấu thì nữ chỉ mặc duy nhất áo dài một màu (áo dài không có thêu hoa hay kiểu cách gì hết), nam thì mặc bộ com lê nghiêm chỉnh, thế thôi, tuyệt nhiên không ai mặc quần bò hay các loại áo như các ca sĩ bây giờ. Khi hát các ca sĩ đứng yêm một chỗ chứ không đi lại hay nhảy nhót gì hết, thường là nắm hai tay để trước ngực hoặc cùng lắm là nhè nhẹ vươn một tay ra phía trước tay đưa tay để vào chỗ trái tim mình. Tất cả chỉ có vậy. Tuyệt nhiên không có múa minh hoạ hoặc ánh đền xanh đỏ loang loáng như bây giờ. Thật quá đơn giả và quá đơn điệu!

Các rạp chiếu bóng hồi mới giải phóng thủ đô vẫn còn giữ được phong thái khá lịch sự. Khi mua vé người mua có thể yêu cầu cho mình một tờ Bô-gam (tức program) giới thiệu phim. Trước khi chiếu phim chính còn có phim tài liệu thời sự. Khi có hình ảnh bác Hồ là cả rạp vỗ tay rầm rầm. Nhưng trong bọn học sinh chúng tôi không phải đứa nào cũng thường xuyên được đi xem phim rạp, bởi trước tiên là chúng tôi không có tiền. Hồi ấy một xu hay một hào bạc cũng là quý lắm, vì thế đa số chúng tôi đi xem phim bãi.

Thế nhưng đổi lại giọng hát của những ca sĩ ngày ấy có sức truyền cảm vô cùng kỳ lạ. Cho đến 50 năm sau người nghe vẫn còn nhớ mãi giọng của Tân Nhân khi hát bài “xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, giọng Lệ Thi khi hát dân ca Liên khu 5, giọng của Quý Dương sô lô, của Trần Thị Nhâm ngâm thơ,... Họ hát với tất cả tâm tình nồng cháy, hát với tất cả trái tim của mình, họ thật sự cảm nhận được cái lắng sâu bên trong của bài hát, họ hát để hiến dâng cho người nghe, họ tuyệt đối không phải hát để kiếm cơm, hát vì đồng tiền hay hát để làm giàu, để chạy sô. Vì vậy tất cả tâm huyết, tài năng, diệu nghệ tuyệt vời đều dồn vào, bay bổng, thiết tha qua lời hát.

Nghe họ hát hôm trước thì hôm sau hàng trăm, hàng ngàn người hát theo họ, hát ở khắp nơi, hát một cách tự nhiên trên đồng lúa, trong trường học, trên công trường, trong đơn vị bộ đội, chỉ ít lâu sau là cả nước cùng hát. Những bài hát ấy được nắn nót chép lại trong những quyển vở học trò, những quyển số công tác, những quyển sổ tay giấy đen xỉn, truyền từ người này sang người kia. Hồi đó học sinh chúng tôi thường có một quyển sổ chép những bài hát như vậy và chúng tôi hát thường xuyên. Những ca khác, những bài dân ca, những bài thơ theo chúng tôi suốt cả cuộc đời.Đó chính là những ca khúc còn lại mãi với thời gian, những ca khúc bất tử. Nó bất tử nhờ những ca sĩ một thời hát bằng cả tâm hồn và trái tim.

Trường Lê Ngọc Hân thời đó cũng hay tổ chức liên hoan văn nghệ. Nhiều thấy cô và học sinh lên biểu diễnvới tính chất “cây nhà lá vườn” thôi!

Thời ấy ở Thủ đô, trong số những ca sĩ nổi bật phải kể tới một học sinh của trường Lê Ngọc Hân chúng ta: Ngọc Bé.

Ngọc Bé tóc xoăn, da nâu sẫm, đó là kết tinh mối tình giữa một người phụ nữ Việt Nam và một ngừơi lính châu Phi, ông từng là lính thới kháng chiến. Gia đình Ngọc bé ở xóm lao động số nhà 18 phố Phạm Đình Hổ. Đó là một xưởng cưa gỗ và nhiều thứ nghề khác, trong đó có nghề nấu cơm thuê. Nhà Ngọc Bé cũng là nhà nấu cơm thuê. Ngọc Bé có nhiều em và rất nghèo, cả nhà đều sống rất lam lũ, chạy gạo từng bữa. Nhà tôi cũng ở phố Phạm Đình Hổ nên biết rất rõ.

Thường thấy Ngọc Bé hai nách hai đứa em, đến trưa hay xế chiều lại tất bật vào bếp thổi cơm rồi mang cơm đi các nhà. Tuy khổ vậy nhưng đôi mắt Ngọc Bé lúc nào cũng trong sáng, tính lại rất thẳng thắn, mạnh bạo và đặc biệt là có chất giọng cực hay. Người ta phát hiện ra Ngọc Bé hay hát và thế là từng bước một, Ngọc Bé trở thành ca sĩ. Ngọc Bé học ở Lê Ngọc Hân dưới chúng tôi tới 2 hay 3 lớp gì đó. Đến khi cả nước bước vào chiến tranh, thì cũng là lúc tài năng của Ngọc Bé nở rộ. Ngọc Bé hay hát trên đài phát thanh (hồi đó không có tivi), hát ở những đêm biểu diễn ca múa nhác, hát ở những liên hoan sân khấu thủ đô, về sau Ngọc Bé còn tới các chiến hào hát cho bộ đội pháo cao xạ, bộ đội tên lửa đang trực chiến nghe.

Tiếng hát của Ngọc Bé trong những năm tháng ấy là tiếng hát rực lửa, là tiếng hát bay bổng của tự do, tiến hát sâu thẳm của niềm tin yêu. Khi đứng trên sân khấu thì Ngọc Bé như lột xác, không còn chút bóng dáng của cô bé lam lũ ngáy nào, mà đã trở thành một chiến sĩ, một nghệ sĩ thực thụ đầy tự tin, phóng khoáng và bay bổng. Người Thủ Đô rất thích cá tính mạnh mẽ của Ngọc Bé và dĩ nhiên cô là một trong những ca sĩ được yêu mến nhất thời bấy giờ.Nhiều đoạn phim thời sự về những ngày ác liệt ấy có hình ảnh của Ngọc Bé.

Sau ngày giải phóng miền Nam, nghe nói cha của Ngọc Bé từ châu Phi đã liên hệ được với con gái của mình và Ngọc Bé đã trở về Phi châu trong vòng tay người cha thân yêu!

Thực tình thì hồi ấy Hà Nội không có nhiều sân khấu, chỉ có vài ba nhà hát, trong đó sân khấu ngoài trời lớn nhất được gọi là “Nhà hát Nhân dân” ở đường Trần Hưng Đạo, gần ga Hàng Cỏ, tức là chỗ Cung Hữu nghị bây giờ. Nhà hát nhân dân thức chất là một sân khấu và một bãi đất rộng phía trước sân khấu có kê các hàng ghế gỗ cũ kỹ, rất dài thành hình vòng cung, hàng sau cao hơn hàng trước một chút. Vì ở ngoài trời nên nhà hát này rất thoáng và chứa được nhiều khán giả. Nhưng nếu mưa hay gió mạnh thì phải hoãn diễn. Vì vậy thời đó trong giấy mời hay vé bán ra bao giờ cũng có in thêm một câu “trời mưa nhỏ vẫn diễn”. Tại nhà hát này nhiều đoàn kịch nói, đoàn chèo, đoàn tuồng và các đoàn nghệ thuật, đoàn xiếc nước ngoài đã biểu diễn tại đây. Mãi đến những năm sơ tán thì nhà hát này mới ngừng hoạt động và ngừng khá lâu. Cho mãi sau này được phá bỏ để xây dựng Cung Hữu nghị như bây giờ.

Các rạp chiếu phim của Hà Nội chủ yếu là do người Pháp xây dựng từ trước đó chứ hầu như không được xây thêm. Nổi tiếng nhất là rạp Majestic (tức rạp Tháng Tám bây giờ) trên đường Hàng Bài, rạp Xiarot (sau đội tên là rạp Kim Đồng chuyên chiếu phim cho trẻ em) gần rạp Tháng Tám, bây giờ người ta đã phá bỏ, xây một công trình mới.

Phố Lò Đúc có rạp Mê Linh, phố Khâm Thiên có rạp Dân Chủ, phố Tràng Tiền có rạp Công Nhân, trên chợ Đồng Xuân cũng có một rạp, ở gần chợ Cửa Nam cũng có một rạp. Tất cả phim được chiếu đều là phim Việt Nam hay các nước “phe” xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối không có một bộ phim nào của các nước trung lập hay tư bản, bởi vì theo tuyên truyền thời bấy giờ thì các phim của họ đều là “phản động, đồi truỵ” cả. Bây giờ thì ngược lại: người ta chỉ chiếu phim Mỹ, Pháp, Anh, Ý, Hồng Kông... chứ còn phim của “phe” xã hội chủ nghĩa thì hầu như vắng bóng, trừ phim Trung Quốc.

Hồi ấy vào rạp dĩ nhiên phải mua vé, mà học sinh chúng tôi thì làm gì có nhiều tiền vì vậy chúng tôi thường rủ nhau đi xem phim bãi, dù phim bãi thường phải đi xa. Các bãi chiếu phim đựơc biết đến trong thời đó là các bãi Khương Thượng, Lương Yên hay Câu lạc bộ Lao Động (chỗ bể bơi Pasteur bây giờ). Bây giờ hầu như không còn thấy các bãi chiếu phim như ngày ấy nữa vì mọi gia đình đã có tivi. Ngày ấy cứ lâu lâu lại thông báo cho nhau bãi nào có phim gì, thế là buổi tối kéo nhau lũ lượt đi xem. Người xem rất đông, vé rất rẻ. Đó là một bãi đất rộng, ngồi được cả nghìn người. Một màn ảnh bằng vải to tướng được căng lên, từng cuộn phim nhựa tròn, to như hộp mứt tết được chuyển tới, lắp vào 2 chiếc máy chiếu. Những bộ phim chiếu ở bãi phải có người thuyết minh trên micro truyền ra loa.

Thời ấy phần nhiều là phim đen trắng, phim màu rất ít, nên trên quảng cáo người ta thường phải ghi thêm chữ “phim màu” cho hấp dẫn khán giả. Trường Lê Ngọc Hân còn nhiều con em các gia đình lao động nghèo nên thú đi xem phim bãi là không thể thiếu được. Đi xem phim bãi có cái thú nữa là trên đường đi tới bãi, trong lúc xem phim hay trên đường về có khối thì giờ trao đổi, bình luận sôi nổi về phim, vì tất cả mọi người đều đi bộ. Ngày ấy Hà Nội hầu như chưa có xe máy, các bãi chiếu phim không có bãi trông xe.

Về thể thao công cộng thì Hà Nội thời ấy duy nhất chỉ có một sân vận động là sân Hàng Đẫy. Trận đá bóng nào cũng có nhiều người đi xem, nhưng học sinh thì rất ít, bởi không có tiền mua vé. Vé ngày ấy thực ra không đắt như bây giờ, nhưng phần lớn là phân phối cho các cơ quan. Khán giả bóng đá ngày ấy cũng nhiệt tình nhưng lại rất vô tư và công bằng. Đội nào đá hay, cầu thủ nào chơi hay, pha bóng nào đẹp đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, không phân biệt đội này đội kia. Tuyệt đối không có cá độ. Các trận giao hữu quốc tế người xem đông hơn nhưng cũng rất trật tự, chẳng có ai cay cú.

Còn nhờ hồi đó có giải bóng đá “Trung Triều Việt Mông” tức là đội tuyển quốc gia của 4 nước Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên và Mông Cổ. Đội Mông Cổ được đánh giá là đội yếu, nhưng có những trận họ chơi rất hay và được khán giả Việt Nam rất yêu mến và hoan nghênh nhiệt l

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết