LÊ NGỌC HÂN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Về những bạn đã hy sinh

Go down

Về những bạn đã hy sinh Empty Về những bạn đã hy sinh

Bài gửi  Admin Fri Nov 26, 2010 2:46 pm

NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÃ HY SINH

BÙI ĐỨC LƯU

Bùi Đức Lưu sinh năm 1948, quê ở thôn Giáp Nhị quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Khi học ở trường Lê Ngọc Hân, Đức Lưu sống với gia đình tại số nhà 15 phố Trần Nhân Tông, gần chợ Hôm. Nhà Đức Lưu có nhiều anh em trai, là một gia đình nền nếp, hiếu học. Ngoài học ở trường Lê Ngọc Hân trong nhiều năm, Đức Lưu còn là thành viên tích cực của Nhà Thiếu nhi Hà Nội Sau khi học hết lớp 7 ở trường Lê Ngọc Hân, Đức Lưu về học ở trường Trưng Vương 3B, sau đó lên Lạng Sơn học ở trường vừa học vừa làm Thăng Long trong năm cuối cấp 3.

Kháng chiến chống Mỹ bùng nổ ở miền Bắc từ năm 1965, Đức Lưu có anh ruột là Bùi Ngọc Dương tham gia quân đội, chiến đấu cực kỳ dũng cảm, lập được những chiến công hiển hách, đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam và được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội (hiện nay Hà Nội có tên phố Bùi Ngọc Dương).

Chính sự hy sinh của người anh đã thôi thúc Bùi Đức Lưu nhập ngũ. Sau những năm tháng chiến đấu trên những vùng đất chiến tranh khốc liệt nhất, Bùi Đức Lưu đã anh dũng hy sinh ngày mồng 3 tháng 11 Âm lịch năm 1969 tại chiến trường. Dù bị địch cấm đoán, nhưng đồng bào ở đây đã tìm cách lấy lại xác Bùi Đức Lưu, mai táng trong một khu vườn nhà và giữ gìn mộ Bùi Đức Lưu cho tới ngày giải phóng, sau đó đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Nam Đà Nẵng. Nhiều năm sau chiến tranh gia đình mới tìm lại được mộ Bùi Đức Lưu và đã đưa được về quê nhà mai táng tại nghĩa trang gia đình.

Các bạn học cũ đã tới thăm gia đình, gặp mẹ và các anh chị của Bùi Đức Lưu, tới nghĩa trang viếng mộ Bùi Đức Lưu cũng như của người anh là Bùi Ngọc Dương. Khi mẹ Bùi Đưc Lưu qua đời các bạn cũng đã tới tiễn đưa cụ. Hàng năm vào ngày mồng 3 tháng 11 Âm lịch đều tới thắp hương tưởng nhớ.



PHẠM ĐỨC THẮNG

Sinh năm 1947. Sau khi học xong cấp 3, Phạm Đức Thắng đi làm tại nhà máy cơ khí Hà Nội. Mùa thu năm 1967 Đức Thắng nhập ngũ. Sau đợt huấn luyện 3 tháng, Đức Thắng lên đường vào Nam. Đêm 30 Tết Mậu Thân (1968), Đức Thắng cùng đồng đội hành quân tới ngã ba Đông Dương. Trong đêm ấy Đức Thắng đã viết thư về nhà, đó là bức thư ngắn ngủi, viết vội trước lúc tiếp tục hành quân, kể rằng trên người chỉ còn duy nhất một chiếc quần đùi, vì bộ quần áo cuối cùng đã phải đem đổi để có một cân gạo cùng đồng đội ăn Tết. Đó cũng là bức thư cuối cùng của Phạm Đức Thắng!

Sau đó đơn vị cấp tốc hành quân vào phía Nam tham gia cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Cả đơn vị mấy tháng liền hoạt động ở vùng ven Sài Gòn, ban ngày ngâm mình dưới nước, bèo phủ kín lên người, ban đêm mới lên bờ. Một người cùng làng Đức Thắng ở đơn vị khác, đã gặp Đức Thắng vào đầu tháng 5 năm 1968 tại vùng Củ Chi, ven Sài Gòn. Ngày 10 tháng 5 năm 1968 đơn vị có Phạm Đức Thắng tham gia Tổng tiến công.

Ít lâu sau có giấy báo tử gửi về quê, nhưng gia đình không có ai ở quê nên giấy bị thất lạc, tuy một số người trong gia đình đã được báo mộng Đức Thắng đã mất (theo lời kể của em gái Phạm Đức Thắng). Mãi về sau do một sự tình cờ mới tìm ra giấy báo tử.

Sau năm 1975 các anh chị Đức Thắng đã chia nhau đi tìm ở các nghĩa trang cũng như ở các đơn vị cũ, nhưng đồng đội đã hy sinh cả.

Năm 2009 theo sự chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm, gia đình lại đi tìm di hài Phạm Đức Thắng cả thảy 7 lần và cuối cùng đã tìm được. Ngày 10 tháng 12 năm 2009, hài cốt Phạm Đức Thắng đã được gia đình đưa từ Bình Dương ra Hà Nội về an táng tại nghĩa trang gia đình thuộc xã Đông Mỹ, ngoại thành Hà Nội.


NGUYỄN THANH HÀ

Sinh năm 1948, lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở ô Đống Mác, học nhiều năm ở trường Lê Ngọc Hân. Là một người vạm vỡ, rất có sức vóc, nhưng cũng là một người bạn nhiệt tình chân thành, luôn giúp đỡ bạn bè trong mọi việc. Thanh Hà cũng là một tay đá bóng cừ khôi, hồi ây thường làm thủ môn.

Ngay từ giữa những năm 60 Thanh Hà đã sớm nhập ngũ. Vào quân ngũ, nay đây mai đó nên không thể giữ liên lạc thư từ được với mọi người. Chỉ biết Nguyễn Thanh Hà đi bộ đội hy sinh năm 1969, khi mới 21 tuổi, đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa tìm được những thông tin chi tiết hơn về Thanh Hà vì qua nhiều giai đoạn chiến tranh, gia đình di chuyển đi nơi khác từ rất lâu.

Tên Nguyễn Thanh Hà được khắc tại bia tưởng niệm liệt sĩ trong đình Lạc Trung, phường Thanh Lương quận hai Bà Trưng Hà Nội. Có bạn nào biết được thêm điều gì về Thanh Hà, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.


PHẠM TRỌNG VINH

Phạm Trọng Vinh sinh ngày mồng 3 tháng 4 năm 1949, quê ở xã Liên Lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, từng là bộ đội, nhập ngũ năm 1972, sau khi xuất ngũ làm công tác trong ngành giao thông.

Phạm Trọng Vinh hy sinh tại Lào ngày 4 tháng 6 năm 1995 (tức mồng 7 tháng 5 Âm lịch) trong chuyến đi công tác cuối cùng khi đã có quyết định về nhận công tác tại Hà Nội. Tối hôm đó Trọng Vinh dẫn đầu một đoàn xe 6 chiếc di chuyển các thiết bị làm đường về địa điểm mới. Tới giữa đường, hai chiếc xe đi đầu rơi vào ổ phục kích của bọn phỉ. Trọng Vinh bị trúng đạn. Nghe tiếng súng, 4 xe sau quay đầu chạy về cơ sở báo tin. 7 giờ sáng hôm sau các đơn vị cứu viện mới tới hiện trường thì Phạm Trọng Vinh đã hy sinh vì vết thương ra máu quá nhiều.

Phạm Trọng Vinh đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ, mộ táng tại nghĩa trang Liệt sĩ Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội).

Hàng năm vào dịp giỗ Phạm Trọng Vinh, các bạn đại diện của lớp thường tới thăm vợ con anh ở số nhà 74 Tô Hiến Thành, thắp hương tưởng nhớ Phạm Trọng Vinh.

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 27/05/2010

https://lengochan.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết